Những năm đầu khi Việt Nam bắt tay vào xây dựng nền kinh tế thị trường, bước đầu hội nhập với nền kinh tế thế giới, khái niệm về thị trường chứng khoán hoàn toàn mới mẻ đối với Việt Nam. Tuy nhiên, nhận thức được việc tiếp cận và vận dụng các sản phẩm của thị trường chứng khoán sẽ giúp huy động vốn trung và dài hạn cả trong và ngoài nước lâu dài, bền vững, mang lại những lợi ích tối đa và thiết thực cho nền kinh tế, Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo ngành tài chính và Ngân hàng Nhà nước thực hiện thành lập thị trường chứng khoán.
Trên tinh thần đó, cuối năm 1996, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước được thành lập theo Nghị định số 75/CP ngày 28/11/1996 của Thủ tướng Chính phủ, trực thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng tổ chức và quản lý nhà nước về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Việc xây dựng thị trường chứng khoán Việt Nam có chút khác biệt so với thị trường chứng khoán ở các nước khác trên thế giới. Nhiều quốc gia xây dựng hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động của thị trường chứng khoán sau khi thị trường đã có thời gian dài hoạt động. Tuy nhiên, Việt Nam xây dựng và hình thành thể chế, hệ thống khung pháp lý cho hoạt động của thị trường chứng khoán trước, sau đó mới đưa vào vận hành thị trường.
Mô hình Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thời kỳ này được xây dựng gồm 7 vụ chức năng: Văn phòng, Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo, Vụ Quan hệ quốc tế, Vụ Phát triển thị trường chứng khoán, Vụ Quản lý phát hành chứng khoán, Vụ Quản lý kinh doanh chứng khoán và Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Khi mô hình bộ máy đã bắt đầu được định hình, với chủ trương của Ban lãnh đạo, các vụ khẩn trương bắt tay vào xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động. Hàng loạt văn bản liên quan đến chứng khoán và thị trường chứng khoán được nghiên cứu, ban hành và triển khai thực hiện.
Bà Nguyễn Thị Thanh
Đối với công tác chuẩn bị về con người, Ban lãnh đạo xác định, chứng khoán là một ngành mới nên cán bộ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phải có trình độ cao. Với quan điểm như vậy nên ngay đợt tuyển đầu tiên, từ hơn 200 hồ sơ thi tuyển chỉ tuyển được 10 nhân sự đạt điểm cao nhất.
Tôi đã đảm nhận công tác cán bộ trong nhiều năm, nhưng cho đến bây giờ vẫn cảm thấy rất tự hào về đợt tuyển cán bộ vào Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lần đầu này. Đến nay, không ít đồng chí giữ những vị trí quan trọng trong ngành.
Nhận thấy tầm quan trọng của công tác đào tạo và nghiên cứu về chứng khoán nên Vụ Tổ chức cán bộ và đào tạo đã tham mưu Ban lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trình Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (Bộ Nội vụ) thành lập Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Đào tạo chứng khoán để đào tạo cho cán bộ ngành chứng khoán. Tháng 12/1997, trung tâm này ra đời.
Công tác thông tin tuyên truyền cũng được Ban lãnh đạo quan tâm nên ngay trong ngày 25/8/1997, khi Việt Nam công bố với thế giới việc thành lập Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thì số Tạp chí Chứng khoán đầu tiên của Ủy ban cũng kịp ra mắt vào ngày đáng nhớ đó.
Thêm vào đó, trong quá trình xây dựng thị trường chứng khoán, một thị trường nhạy cảm, hoạt động trên cở sở niềm tin, dễ bị tổn thương, nên sau ngày thành lập Ủy ban, Ban lãnh đạo nhận thấy cần có một khung pháp lý đủ mạnh để giúp ngành chứng khoán phát triển vững chắc, gây dựng niềm tin cho thị trường và nhà đầu tư nên đã chuẩn bị đội ngũ nhân sự xây dựng khung pháp lý cho ngành và hệ thống công nghệ, từ đó cho thành lập mới 2 phòng là Phòng Pháp chế và Phòng Công nghệ (tiền thân của Vụ Pháp chế và Cục Công nghệ thông tin ngày nay).
Đầu năm 2000, một mặt vừa tích cực chuẩn bị điều kiện khai trương Trung tâm Giao dịch chứng khoán TP.HCM, một mặt phải chuẩn bị đội ngũ cán bộ khung cho Trung tâm, tôi được lãnh đạo Ủy ban cử dẫn đoàn cán bộ từ Hà Nội vào TP.HCM để tăng cường đội ngũ cán bộ khung cho việc vận hành thị trường. Tất cả anh em trong đoàn biệt phái đều trẻ, nhiệt huyết, nhận nhiệm vụ mới với quyết tâm rất cao, mặc dù phải xa nhà, xa gia đình, có đồng chí có con còn rất nhỏ.
Đó là một chuyến ô tô xuyên Việt đầy ắp những kỷ niệm ấm áp không thể nào quên. Mỗi chặng đường, chúng tôi đều bố trí ăn nghỉ tại chi nhánh của Ngân hàng Nhà nước. Dừng chân ở đâu, đội ngũ cán bộ trẻ của ngành chứng khoán luôn nhận được những lời khen ngợi và đón tiếp nồng hậu, vui vẻ.
Tôi luôn thầm cảm ơn các đồng chí giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước các tỉnh đã hỗ trợ và giúp đỡ đoàn nhiệt tình trong chuyến đi đáng nhớ này. Đây là một trong những động lực để chúng tôi nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ và gắn bó với nghề.
Đến nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã phát triển lên tới 16 đơn vị, với gần 400 công chức, viên chức và người lao động, cơ sở vật chất ngày càng tiên tiến, hiện đại. Được biết, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho nguồn nhân lực vẫn luôn được lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng như Vụ Tổ chức cán bộ đặc biệt coi trọng. Tôi tin tưởng rằng, đội ngũ công chức, viên chức Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ có những cống hiến nhiều hơn nữa cho mục tiêu chung của ngành.