Tính đến ngày 16/3/2021, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tăng 1,03% so với cuối năm 2020

Tính đến ngày 16/3/2021, tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng tăng 1,03% so với cuối năm 2020

Chuyện lạ trên thị trường tín dụng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Hiếm khi hệ thống ngân hàng có con số tăng trưởng huy động âm, điều đó đã xảy ra vào cuối tháng 2, đầu tháng 3 vừa qua.

Thanh khoản chững lại

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 23/2/2021, huy động vốn của hệ thống ngân hàng giảm 0,48%; ngày 5/3, số dư huy động toàn quốc đạt 10,338 triệu tỷ đồng, giảm 0,2%; ngày 9/3, số dư huy động toàn hệ thống đạt hơn 10,345 triệu tỷ đồng, giảm 0,13% so với cuối năm 2020.

Tuy nhiên, đà giảm hiện đã dừng lại. Số liệu cập nhập đến ngày 16/3/2021, huy động vốn toàn quốc đạt 10,41 triệu tỷ đồng (trong đó, VND là 9,453 triệu tỷ đồng), tăng 0,5% so với cuối năm 2020.

Ngược với tình hình huy động giảm, tín dụng đối với nền kinh tế tăng dần đều. Cụ thể, tính đến ngày 23/2/2021, tín dụng toàn quốc tăng 0,26%; ngày 5/3 dư nợ đạt hơn 9,251 triệu tỷ đồng, tăng 0,64%; ngày 9/3 dư nợ đạt hơn 9,253 triệu tỷ đồng, tăng 0,66% so với cuối năm 2020.

Số liệu mới nhất đến ngày 16/3/2021 của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng đạt hơn 9,287 triệu tỷ đồng (trong đó, VND là gần 8,779 triệu tỷ đồng), tăng 1,03% so với cuối năm 2020.

Huy động ngược chiều với tín dụng được coi là lý do khiến một số ngân hàng đã tăng nhẹ lãi suất để hút tiền gửi. Cụ thể, cuối tháng 2, một số ngân hàng như Techcombank, VPBank, ACB… đã điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi từ 20 - 50 điểm phần trăm với khách hàng cá nhân.

“Việc tăng lãi suất mang tính cục bộ trong bối cảnh các ngân hàng mới được cấp hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng cho quý I và vẫn đang đợi hạn mức cho cả năm 2021. Nhưng khi room tín dụng cho cả năm được cấp cho các tổ chức tín dụng cùng với các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp tăng cầu tín dụng, câu chuyện thanh khoản sẽ không còn “nhàn” như thời gian trước”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhận định.

Bà Trịnh Thị Thanh, Giám đốc khối Quản trị tài chính và Nguồn vốn SCB nhận xét: “Thanh khoản bắt đầu chựng lại, nhưng đây không phải là vấn đề lớn”.

Theo bà Thanh, nếu xét toàn hệ thống thì hiện vẫn có những nhân tố hỗ trợ thanh khoản, đó là nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI vẫn tăng tốt, kiều hối về nhiều và đặc biệt là giải ngân đầu tư công đạt mức cao. Nguồn vốn này sẽ được chuyển sang hệ thống ngân hàng với hình thức tiền gửi thanh toán và bán ngoại tệ.

Trong 2 tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại đã bán gần 7 tỷ USD kỳ hạn 6 tháng ở tỷ giá 23.125 VND/USD cho Ngân hàng Nhà nước, tương ứng với khoảng 157.000 tỷ đồng sẽ được bơm ra thị trường vào tháng 7 và 8/2021 (nếu các hợp đồng này không bị hủy ngang và không có các động thái trung hòa của cơ quan quản lý như phát hành tín phiếu để hút tiền về). Đây được coi là yếu tố hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và giúp lãi suất tiền gửi trên liên ngân hàng duy trì ở mức thấp.

Tăng dự trữ ngoại hối không phải là can thiệp tiền tệ

Trước dòng ngoại hối vào dương do xuất siêu, giải ngân vốn đầu tư ngoại, kiều hối thì việc mua vào ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước là hoạt động bình thường và cơ quan này khẳng định không phải là hoạt động thao túng tiền tệ nhằm “tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng”.

Bản thân Ngân hàng Nhà nước cũng thay đổi cách mua vào ngoại tệ từ đầu năm nay khi dừng mua ngoại tệ giao ngay, chuyển sang mua ngoại tệ kỳ hạn. Những nỗ lực của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã mang lại kết quả tích cực trong đánh giá từ phía Mỹ.

Việt Nam bị coi là một nước thao túng tiền tệ dưới thời chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tháng 12 năm ngoái. Triển vọng nào đối với tiền đồng Việt Nam khi Mỹ có Tổng thống mới, ông Joe Biden, nhậm chức từ ngày 20/1/2021?

Lãi suất thấp khiến không ít nhà đầu tư dịch chuyển dòng tiền sang kênh chứng khoán, bất động sản...

Có một diễn biến tích cực vào giữa tháng 1 năm nay có thể mang lại các tín hiệu lạc quan, đó là Đại diện Thương mại Mỹ, ông Robert Lighthizer kết luận, sẽ không có biện pháp trừng phạt cụ thể nào đối với Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Đông Nam Á của HSBC, bà Yun Liu cho rằng: “Sẽ có một kịch bản lành mạnh cho Việt Nam là cả Mỹ và Việt Nam sẽ đi đến một thỏa thuận, hoặc thậm chí là một mốc thời gian liên quan đến việc cải cách dần dần chế độ tỷ giá hối đoái của tiền đồng”.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần nhìn nhận, việc giữ nguyên hay bãi bỏ quyết định gắn mác thao túng tiền tệ sẽ tùy thuộc vào quyết định tiếp theo của tân Bộ trưởng Tài chính Mỹ là bà Janet Yellen.

“Vẫn chưa rõ bà Janet Yellen sẽ ban bố những biện pháp gì nên điều đó không có nghĩa là rủi ro thuế quan không có. Do vậy, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chắc chắn sẽ rất thận trọng trong việc mua vào ngoại tệ nhằm tăng dự trữ ngoại hối. Theo đó, trong trường hợp nhu cầu thanh khoản hệ thống lớn dần lên, việc hỗ trợ chủ yếu sẽ thông qua thị trường mở và lãi suất cũng khó giữ được mức thấp như hiện tại”, vị lãnh đạo ngân hàng nói.

Tiền đang “đi” đâu?

Ngoại tệ vào là một phần giúp hỗ trợ thanh khoản hệ thống, là một nguyên nhân giúp cho lãi suất giảm. Nhưng với câu chuyện lãi suất, rõ ràng rằng, lãi suất huy động tiết kiệm thấp khiến nhiều người rút tiền nhàn rỗi chuyển đầu tư sang các kênh khác như thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, thậm chí cả những kênh rủi ro cao như forex, tiền ảo…

Trái phiếu là câu chuyện của năm ngoái, còn chứng khoán do nghẽn lệnh của HOSE nên chưa hút được lượng tiền lớn như dự báo, nhưng sốt đất đã trở thành vấn đề lớn trong 2 tuần đầu tháng 3 khi liên tiếp có các tin về giá đất tăng cũng như cảnh báo rủi ro từ chính quyền các đô thị.

Chưa có thống kê cụ thể về số tiền đã chảy sang bất động sản, vì hoạt động đầu tư này mang tính chất cá nhân và đầu tư, giao dịch mua bán đất mà chủ yếu là đất nền ghi nhận thực tế chủ yếu là trao tay, hoặc chuyển khoản qua ngân hàng nhưng theo phương thức chuyển tiền cá nhân không ghi đúng mục đích.

Tuy nhiên, theo phân tích của một chuyên gia kinh tế, khi bất kỳ loai hàng hóa nào tăng giá thì nguyên nhân đều từ phía cung hoặc cầu: cung thấp đi, giá tăng và cầu nhiều (tiền vào nhiều), giá cũng tăng, hoặc cả 2 nguyên nhân cùng xảy ra.

“Chứng khoán tăng và bất động sản tăng giá nhiều nơi là biểu hiện của dòng tiền hướng vào các lĩnh vực này tăng”, vị chuyên gia nhận định.

Dù dòng tiền có vẻ đi lệch mong muốn khi chuyển nhiều sang các kênh đầu tư khác, nhưng tín dụng tăng là một tín hiệu tích cực ở giai đoạn này vì quý đầu năm là quý thấp điểm về tín dụng, với đà tăng đó thì tình hình sẽ cải thiện cuối tháng 3 và đặc biệt từ đầu tháng 4/2021 khi hoạt động vay vốn theo tính chất chu kỳ sẽ tăng mạnh, dòng vốn sẽ hướng tốt hơn vào hoạt động sản xuất - kinh doanh và tiêu dùng xã hội. Khi đó, có thể lãi suất huy động sẽ nhích dần, tình trạng tiền rẻ giảm đi.

Tin bài liên quan