Thủy điện khó khăn, nhiệt điện hưởng lợi

Thủy điện khó khăn, nhiệt điện hưởng lợi

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Số liệu ước tính của một số doanh nghiệp ngành điện cho thấy bức tranh phân hóa về hiệu quả hoạt động của các nhóm doanh nghiệp trong nửa đầu năm nay. 

Nhiệt điện khởi sắc

Nhu cầu sử dụng điện trong quý II/2020, đặc biệt sau thời gian cách ly xã hội tăng mạnh mẽ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tăng huy động nhóm nhiệt điện than để đáp ứng nhu cầu sử dụng, giúp các nhà máy nhiệt điện tăng năng suất. Mặt khác, giá than khu vực ở mức thấp cũng là điều thuận lợi cho các nhà máy điện than.

Ông Lê Thế Sơn, Giám đốc tài chính CTCP Nhiệt Điện Phả Lại (PPC) cho biết, dự kiến trong 6 tháng đầu năm, PPC đạt doanh thu 4.100 tỷ đồng, hoàn thành 50% kế hoạch cả năm; lợi nhuận sau thuế ước đạt 480 tỷ đồng, hoàn thành 60% kế hoạch năm.

Theo ông Sơn, PPC đã ký kết hợp đồng điện dây chuyền 1 giai đoạn 2020 - 2023 nên kỳ vọng sản lượng điện năm nay sẽ cao hơn năm 2019. Hợp đồng mua bán than dài hạn đã ký, đảm bảo cung cấp đủ sản xuất điện.

PPC đã sớm nhìn nhận thị trường phát điện cạnh tranh ngày càng khốc liệt với sự tham gia của ngày càng nhiều đơn vị phát điện mới, trong khi tổ máy dây chuyền 1 giảm hiệu suất sau nhiều năm vận hành.

Việc nắm giữ 25,97% cổ phần tại CTCP Nhiệt điện Hải Phòng và 16,35% cổ phần tại CTCP Nhiệt điện Quảng Ninh cũng giúp PPC ghi nhận thêm lợi nhuận từ các công ty liên kết này khi đây là hai doanh nghiệp nhiệt điện có quy mô lớn và kinh doanh hiệu quả.

Tổng công ty Điện lực Dầu khí (POW) ước tính doanh thu 6 tháng đầu năm 2020 là 16.175 tỷ đồng, đạt 46% kế hoạch cả năm.

Lợi nhuận sau thuế ước đạt 1.553 tỷ đồng, bằng 92% cùng kỳ, nhưng đã đạt 76% kế hoạch năm. Đặc biệt, POW đã thu hồi được 414 tỷ đồng quyết toán chi phí cố định vốn đầu tư Vũng Áng 1.

Tính đến cuối quý I/2020, POW đã thu hồi được khoản nợ 414 tỷ đồng EVN giữ lại là 20% chi phí cố định vốn đầu tư Nhà máy điện Vũng Áng 1.

Tuy nhiên, khoản nợ hơn 1.300 tỷ đồng của EVN với nhà máy điện Cà Mau 1&2 do chưa thống nhất tỷ giá áp dụng chung cho giá bán điện hiện vẫn chưa đạt được thống nhất.

Theo POW, Nhà máy Nhiệt điện than Vũng Áng của Công ty có hiệu quả kinh doanh khá tốt nhờ đảm bảo được nguồn nguyên liệu than đầu vào trung bình năm (nhà máy điện Vũng Áng tiêu thụ 3,4 triệu tấn than/năm).

Tình trạng thiếu than xảy ra cuối năm ngoái đã hoàn toàn được khắc phục do đầu năm 2020, POW đã ký hợp đồng dài hạn với TKV với sản lượng cam kết cung cấp 3 triệu tấn than +/-5% cho nhà máy và POW chủ động nhập khẩu 400 - 500 nghìn tấn.

Giá than nhập khẩu hiện tại có lợi thế hơn, trong khoảng 60 - 70 USD/tấn và được chuyển ngang sang giá điện, giúp POW tránh được rủi ro biến động giá nguyên liệu đầu vào.

Thêm vào đó, Mỏ Sao Vàng Đại Nguyệt sẽ có dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2020, qua đó bổ sung nguồn khí cho các nhà máy điện khí tại khu vực Đông Nam Bộ, trong đó có Nhơn Trạch 1, Nhơn Trạch 2.

Dự kiến, tổng sản lượng điện cả năm 2020 của Tổng công ty có thể đạt 20.587 triệu kWh, doanh thu đạt 32.811 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 2.763,7 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, năm 2020 sẽ thiếu điện do không bảo đảm nhiên liệu (than, khí) cho phát điện và cần phải huy động nguồn điện chạy dầu.

Tình trạng thiếu khí đã xảy ra vào các tháng cao điểm mùa khô. Các diễn biến này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất - kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành điện.

Nhiều doanh nghiệp đã lên kế hoạch năm 2020 khá thận trọng, đồng thời đặt mục tiêu phải đẩy mạnh hơn thị trường điện cạnh tranh theo hướng chủ động, thích nghi hơn.

CTCP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (NT2) cho biết, tính đến hết 6 tháng đầu năm, sản lượng điện của Công ty ước đạt gần 2,44 tỷ kWh, thực hiện 54% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 400 tỷ đồng, thực hiện 65% kế hoạch năm.

Tại NT2, chi phí mua khí chiếm 70% giá thành điện, do đó, giá khí giảm trong nửa đầu năm nay đã giúp Công ty giảm giá thành sản xuất điện và ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực.

Tuy nhiên, dự kiến trong quý III là mùa mưa bão khiến giá thị trường thấp và tháng 9 Công ty sẽ tiến hành trung tu nhà máy nên giá trị sản xuất - kinh doanh thực hiện trong 6 tháng cuối năm dự kiến sẽ thấp hơn.

Thủy điện: Khó khăn mùa khô, tích cực từ quý III

Ông Võ Thành Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh (VSH) chia sẻ, với tình trạng thời tiết bất lợi, VHS không hoàn thành kế hoạch kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 và dự kiến giảm hơn 40% so với cùng kỳ năm 2019. 

Tuy nhiên, từ quý III đến giữa quý IV/2020 là mùa mưa, sẽ giúp Công ty bù đắp được khoản thiếu hụt sản lượng trong nửa đầu năm.

Cũng theo ông Trung, đặc thù của các doanh nghiệp ngành điện, đặc biệt là thủy điện, sản lượng 6 tháng đầu năm thường thấp hơn nhiều so với sản lượng giai đoạn cuối năm.

Ba năm qua, hai nhà máy Vĩnh Sơn, Sông Hinh rơi vào chu kỳ khô hạn nên sản lượng điện thấp nhưng tình hình dự kiến sẽ tốt hơn ở giai đoạn cuối năm 2020.

Hiện VSH đã ký hợp đồng bán điện Nhà máy Thủy điện Thượng Kon Tum với EVN với giá 912 đồng/kW, trong khi mức giá trần hiện tại là 1.110 đồng/kW.

Tình hình còn tệ hơn tại CTCP Thủy điện Miền Trung (CHP) khi Công ty đã lỗ 5 tỷ đồng trong quý I, trong khi cùng kỳ 2019, Công ty lãi gần 60 tỷ đồng. Tình hình kinh doanh trong quý II cũng không mấy khả quan, xuất phát từ hiện tượng khô hạn.

Theo CHP, mặc dù Công ty đã bổ sung thêm sản lượng điện từ Nhà máy điện mặt trời Cư Jút nhưng tổng doanh thu nửa đầu năm 2020 dự kiến vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ do điều kiện thủy văn tại khu vực lòng hồ thủy điện A Lưới không thuận lợi, lưu lượng nước về hồ thấp nên tổng sản lượng điện của nhà máy A Lưới ghi nhận giảm mạnh so với cùng kỳ.

Thống kê từ Công ty Chứng khoán SSI cho thấy, nhóm doanh nghiệp ngành thủy điện có dấu hiệu tích cực từ cuối quý II.

Cụ thể, tính đến 5 tháng đầu năm 2020, sản lượng điện của nhóm thủy điện ghi nhận giảm ở mức 33,8% so với cùng kỳ, mức giảm thấp hơn so với con số 36,5% trong 4 tháng đầu năm 2020, cho thấy sự phục hồi dần từ tháng 5/2020 khi bắt đầu bước vào mùa mưa.

Trong đó, sản lượng từ Nhà máy Thủy điện Hủa Na và Đrăkrink trong tháng 5/2020 đạt mức tăng trưởng hai chữ số lần lượt đạt 22,45%  và 34,6% so với cùng kỳ. Quý II/2020 là cao điểm mùa mưa nên dự kiến nhóm doanh nghiệp thủy điện sẽ ghi nhận lợi nhuận khởi sắc hơn. 

Công ty Chứng khoán MB (MBS) cũng đưa ra dự phóng lợi nhuận 2020 của các doanh nghiệp thủy điện ghi nhận mức giảm bình quân 51% so với năm trước. Kết quả kinh doanh kém khả quan dự kiến kéo dài đến quý II/2020 và cải thiện dần trong 6 tháng cuối năm.

Theo Tổng công ty Phát điện 1 (PC1), sản lượng điện sản xuất trong 6 tháng đầu năm của toàn Công ty đạt 20.494 triệu kWh, bằng 53,4% kế hoạch năm Tập đoàn giao.

Ông Nguyễn Tiến Khoa, Chủ tịch Hội đồng thành viên PC1 cho biết, các nhà máy thủy điện hiện vẫn đang căn cứ vào tình hình thủy văn, nhu cầu phụ tải, tình hình vận hành thị trường điện và năng lực của từng tổ máy để đảm bảo kế hoạch sản lượng 2020 đã được EVN giao.

Tin bài liên quan