Muốn tiếp tục thuyết phục các nhà đầu tư, Grab phải có câu chuyện hay hơn để kể. Ảnh: Đức Thanh

Muốn tiếp tục thuyết phục các nhà đầu tư, Grab phải có câu chuyện hay hơn để kể. Ảnh: Đức Thanh

Thay lãnh đạo cao cấp, Grab Việt Nam tham vọng gì?

Việc đưa một lãnh đạo có kinh nghiệm lâu năm trong ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) giữ vị trí lãnh đạo cao cấp thể hiện rõ tham vọng, cũng như những rào cản mà Grab phải vượt qua ở thị trường Việt Nam.

Grab vừa công bố bà Nguyễn Thái Hải Vân sẽ đảm nhiệm vị trí Giám đốc điều hành của Grab tại Việt Nam, đồng thời kiêm nhiệm Giám đốc tạm thời của Grab Financial, bắt đầu từ ngày 1/1/2020. Như vậy, sau 17 năm làm việc tại Unilever Việt Nam, bà Hải Vân sẽ kế nhiệm ông Jerry Lim, người sẽ trở lại Singapore để đảm nhiệm vị trí Giám đốc Vùng quản lý Bộ phận Trải nghiệm Khách hàng khu vực Đông Nam Á.

Rào cản chực chờ

Để hiểu rõ hơn việc thay đổi nhân sự lãnh đạo của Grab Việt Nam, hãy cùng điểm qua lịch sử Công ty một chút. Grab được thành lập năm 2012 ở Malaysia, tiền thân là dịch vụ gọi xe tương tự Uber (Mỹ), có quy mô hoạt động ở Đông Nam Á. Sau thời gian phát triển, Grab mở rộng thêm nhiều dịch vụ như gọi món ăn, giao nhận và gần đây là thanh toán điện tử.

Tính đến thời điểm hiện tại, Grab được định giá hơn 14 tỷ USD, là một trong các công ty công nghệ có giá trị nhất Đông Nam Á. Thành công của Grab có sự hỗ trợ rất lớn của Quỹ SoftBank (Nhật Bản). Vấn đề là SoftBank đang gặp phải một số trở ngại, từ WeWork (nền tảng văn phòng dùng chung) cho đến gần đây là OYO (chuỗi khách sạn nhượng quyền công nghệ).

Ngay cả Uber, biểu tượng một thời của SoftBank dù đã lên sàn chứng khoán, nhưng vẫn chưa chấm dứt được tình trạng thua lỗ. Grab gần như là thành trì còn lại của SoftBank hiện nay. Nhưng để tiếp tục thuyết phục các nhà đầu tư, Grab phải có câu chuyện hay hơn để kể.

Hơn 2 năm trước, công ty này đã cho thấy những bước chuyển dịch để trở thành công ty cung cấp dịch vụ tài chính. Lý do rất đơn giản, mảng này tiềm năng hơn nhiều so với dịch vụ gọi xe.

Thống kê của Grab cho thấy, thị trường thanh toán trực tuyến ở Đông Nam Á lên đến 500 tỷ USD, gấp nhiều lần so với con số 72 tỷ USD dịch vụ giao nhận. Trong khi đó, có hơn 1 tỷ người (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới - WB) ở khu vực này hệ thống ngân hàng không thể tiếp cận. Con số này ở Việt Nam, theo LPB Research, là 65 triệu người.

Gần đây nhất, Grab Singapore đã liên doanh với Singtel, hãng viễn thông lớn nhất Singapore để xin triển khai dịch vụ ngân hàng số toàn diện. Trong mô hình này, các ví điện tử sẽ đóng vai trò như các chi nhánh của ngân hàng truyền thống, nên bằng mọi giá, Grab phải đẩy mạnh sự tăng trưởng của ví điện tử của mình ở Đông Nam Á.

Ở Việt Nam, Grab đã hợp tác chiến lược với Moca để triển khai dịch vụ ví điện tử trên ứng dụng của mình. Đối thủ của Grab Việt Nam không phải là các ví của các ứng dụng gọi xe khác, phần lớn chưa có giấy phép trung gian và đang khủng hoảng ghế giám đốc điều hành, mà chính là ví của các công ty thương mại điện tử.

Hơn một năm trở lại đây, Sea (Singapore) đã tích hợp ví Airpay vào Now, ứng dụng gọi đồ ăn và Shopee, sàn thương mại điện tử ở Việt Nam để tăng độ phổ biến. Zalo, dù chưa thể hiện nhiều động thái, nhưng việc tích hợp với ZaloPay trong năm vừa qua cũng cho thấy, đây là đối thủ không thể bỏ qua.

Gần đây nhất, Alibaba, sau khi mua lại eMonkey, đã tích hợp ví này vào ứng dụng mua sắm Lazada ở Việt Nam để kích hoạt mua sắm không dùng tiền mặt. Cũng phải nói thêm là, Alibaba là một đối thủ đáng gờm nhất, bởi Ant Financial, công ty sở hữu ứng dụng thanh toán Alipay của Alibaba đã cực kỳ thành công ở Trung Quốc.

Năm 2015, Ant Financial đưa ra hệ thống chấm điểm tín dụng dựa trên lịch sử giao dịch 450 triệu người sử dụng Alipay với các website thương mại điện tử của Alibaba Group. Sau khi có trong tay điểm tín dụng của khách hàng, Ant Financial cung cấp các khoản vay mua nhà, ô tô với mức lãi suất tỷ lệ nghịch với điểm tín dụng họ có, điểm càng cao lãi suất càng thấp và ngược lại. Trong vòng 4 năm, định giá của Ant Financial hiện đã hơn 150 tỷ USD.

Alibaba không giấu tham vọng nhân rộng công thức thành công của Ant Financial sang các nước Đông Nam Á thông qua Lazada Group và việc mua lại giấy phép thanh toán trung gian của các công ty địa phương.

Đó là chưa kể, các nhà mạng, vốn có độ phủ hơn 90% dân số, cũng sẽ tham gia lĩnh vực thanh toán trực tuyến khi quy định về Mobile Money được thông qua trong thời gian tới.

Thay lãnh đạo cao cấp, Grab Việt Nam tham vọng gì? ảnh 1

Trường hợp thú vị

Hơn ai hết, Grab hiểu rõ những rào cản trên con đường tăng độ phủ của dịch vụ ở Việt Nam. Và để giải bài toán này, khi dư địa tăng trưởng ở hai thành phố lớn không còn nhiều, Grab phải mở rộng tất cả dịch vụ của mình trên phạm vi toàn quốc, tạo tiền đề cho thanh toán trực tuyến tăng theo.

Vậy còn ai phù hợp với một người có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành hàng FMCG?

Được biết, bà Nguyễn Thái Hải Vân có 17 năm kinh nghiệm ở Unilever Việt Nam, bà từng giữ chức Phó chủ tịch Tiếp thị ở đơn vị này, phần lớn thời gian của bà là đến từng nhà người tiêu dùng để tìm hiểu cách họ sinh hoạt, họ quan tâm cũng như mơ ước những vấn đề gì. Điều này giúp bà Hải Vân có những kinh nghiệm về chuyện làm sao giúp đưa các sản phẩm của doanh nghiệp đến với người tiêu dùng ở khắp cả nước, nhất là những vùng nông thôn.

Một điểm mạnh của bà Hải Vân là bà có rất nhiều kinh nghiệm triển khai các chương trình cộng đồng, hợp tác với chính quyền ở các địa phương nhằm nâng cao đời sống của người dân thời còn công tác ở Unilever Việt Nam. Dữ liệu có được trong quá trình quản lý tập khách hàng rộng lớn và đa dạng từ người dùng cuối, tài xế đến chủ các quán ăn kết hợp với kinh nghiệm của bà Hải Vân quả thực đang tạo ra nhiều lợi thế cho Grab Việt Nam so với các đối thủ cùng lĩnh vực.

“Grab vừa tung ra kế hoạch Grab vì cộng đồng. Tôi mong sẽ sớm công bố lộ trình này cụ thể hơn và triển khai ở Việt Nam với mức ảnh hưởng rộng rãi hơn nữa. Với chương trình Grab vì cộng đồng, chúng tôi có thể tạo điều kiện tăng thu nhập, cũng như mở ra thêm nhiều cơ hội kinh doanh cho các đối tác. Tất cả mục tiêu của chương trình phát triển này không chỉ giúp cho các đối tác có điều kiện gia tăng thu nhập, mà người dân cũng sẽ hưởng được những lợi ích để cuộc sống trở nên tiện dụng, thuận lợi hơn ở nhiều mặt của cuộc sống”, bà Hải Vân nói.

Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, không chỉ bà Hải Vân, nhiều nhân sự cao cấp của các công ty đa quốc gia khác sẽ sang đầu quân cho Grab Việt Nam. Đây là một trường hợp thú vị, vì thật khó để đánh giá quyết định của Grab Việt Nam ngay thời điểm hiện tại.

Ngoài ra, mô hình Grab vẫn đang khá mới, khung pháp lý điều chỉnh vẫn chưa được ban hành. Đây cũng được xem là thử thách cho bà Hải Vân và cả Grab Việt Nam trong thời gian tới.

Có một điều chắc chắn rằng, việc đầu tư mạnh vào tiếp thị để giành thị phần đã trở thành thương hiệu của những người ở Unilever, nên các đối thủ khác sẽ “mệt mỏi” với Grab trong thời gian tới.

Tin bài liên quan