Thách thức và cơ hội khi Apple mở rộng điểm phân phối

Thách thức và cơ hội khi Apple mở rộng điểm phân phối

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau nhiều năm không quá quan tâm tới thị trường Việt Nam, Apple đã bắt đầu mở rộng đại lý phân phối sản phẩm tại đây.

Apple có thêm hai nhà phân phối tại Việt Nam

Mới đây, CTCP Thế giới số (DGW) công bố sẽ phân phối tất cả dòng sản phẩm của Apple tại Việt Nam. Theo đó, dự kiến từ tháng 6 tới cuối năm, DGW có thể phân phối khoảng 50.000 sản phẩm của Apple.

Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp dầu khí (PET) cũng công bố trở thành đối tác phân phối uỷ quyền tất cả các dòng sản phẩm chính hãng của Apple. PET dự tính trong thời gian từ tháng 5/2020 đến tháng 8/2021 sẽ tiêu thụ khoảng 100.000 sản phẩm các loại của Apple để chứng minh năng lực.

Trước nay, các chuỗi bán lẻ điện thoại trong nước có thể mua hàng bằng nhập khẩu trực tiếp từ Apple Singapore, thông qua Công ty phân phối Synnex FPT (thành viên của Tập đoàn FPT), hoặc Công ty TNHH Apple Việt Nam. Tuy nhiên, lượng hàng xách tay về nước vẫn tương đối lớn nhờ ưu thế về giá so với hàng chính hãng.

CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FRT), nhờ lợi thế có cổ đông lớn là CTCP FPT (sở hữu 47% vốn) đã xây dựng được chuỗi cửa hàng F.Studio - chuỗi bán lẻ uỷ quyền cao cấp của Apple tại Việt Nam, chuyên cung cấp các sản phẩm và phụ kiện của hãng.

Ngoài các công ty trên, trên sàn chứng khoán còn có CTCP Đầu tư Thế giới di động (MWG) tham gia mảng phân phối điện thoại di động và phụ kiện điện thoại, trong đó có các sản phẩm mang thương hiệu trái táo cắn dở này. Trong báo cáo tháng 5/2020, MWG cho biết đang sở hữu 998 cửa hàng Thế giới di động.

Cơ hội và thách thức với các chuỗi bán lẻ điện thoại

Việc Apple đổ bộ mạnh hơn vào thị trường Việt Nam mở ra cơ hội tham gia vào mảng phân phối sản phẩm điện thoại, đồ công nghệ xa xỉ này cho các doanh nghiệp như DWG, PET và người tiêu dùng Việt Nam có cơ hội mua các sản phẩm chính hãng của Apple với giá rẻ hơn.

Nhưng điều này cũng đặt ra nhiều thách thức với các công ty bán lẻ điện thoại đang niêm yết trên sàn chứng khoán.

Khi có thêm các đơn vị phân phối, áp lực cạnh tranh trên thị trường phân phối sản phẩm Apple ngày một gia tăng. Để thu hút khách hàng, các đơn vị phân phối ngoài việc cung cấp, duy trì ổn định lượng hàng thì phải đưa ra mức giá cạnh tranh.

Apple là một thương hiệu quá lớn, nên việc đàm phán giá, chiết khấu với đơn vị cung cấp sản phẩm sẽ có giới hạn.

Do đó, để có mức giá cạnh tranh hơn, các nhà phân phối phải tối ưu hóa chi phí, thậm chí phải hy sinh bớt lợi nhuận trên từng sản phẩm, không thể duy trì biên lợi nhuận cao như trước kia.

Tất nhiên, khi giá các sản phẩm tới tay người tiêu dùng có xu hướng giảm hơn do áp lực cạnh tranh của các đơn vị phân phối ngày một nhiều cũng có thể giúp các đơn vị phân phối lấy dần thị phần sản phẩm xách tay. (Theo khảo sát của phóng viên, hiện các sản phẩm xách tay thường có giá bán thấp hơn 5 - 10% sản phẩm chính hãng).

Về phía người tiêu dùng, việc tiếp cận các dòng sản phẩm của Apple sắp tới sẽ dễ dàng hơn. Lâu nay, một số dòng sản phẩm cao cấp của hãng như MACBOOK thường xuyên hết hàng, khách muốn mua thường phải chờ một thời gian nhất định. Mức giá hàng chính hãng cũng có thể được chiết khấu tốt hơn giai đoạn trước đó.

Tuy nhiên, Apple là dòng sản phẩm cao cấp, giá thường cao hơn rất nhiều các sản phẩm thay thế khác, nên dù mức giá có tốt hơn trước, khả năng tiếp cận sản phẩm dễ dàng hơn thì dung lượng thị trường khó có sự thay đổi lớn. 

Sản lượng tiêu thụ điện thoại Apple luôn có độ tương quan nhất định với tăng trưởng kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Đại dịch Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế toàn cầu và Việt Nam không là ngoại lệ.

Thu nhập người dân suy giảm, làm giảm nhu cầu chi tiêu các mặt hàng xa xỉ và Apple khó là ngoại lệ. Trong môi trường tổng nhu cầu sản phẩm suy giảm, các nhà bán lẻ chủ yếu cạnh tranh và lấy thị phần của đối thủ.

Thị trường phân phối điện thoại tại Việt Nam đã chứng kiến đà tăng trưởng rất mạnh nhưng vài năm trở lại đây bắt đầu có dấu hiệu bão hòa.

Hai “ông lớn” trên thị trường này là MWG và FRT đều nhận thấy điều đó và đang đi tìm động lực tăng trưởng mới. Nếu như MWG phát triển thêm hai chuỗi bán lẻ là Điện Máy Xanh và Bách Hoá Xanh thì FRT chọn phát triển chuỗi nhà thuốc Long Châu.

Như vậy, việc các công ty phân phối mới như PET và DGW tham gia thị trường từ thị phần là 0% có thể giúp nhóm doanh nghiệp này bổ sung thêm doanh số bán hàng, cũng như bổ sung lợi nhuận.

Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh giữa các nhà phân phối cũ và mới cũng tăng lên. Dường như thách thức với các chuỗi bán lẻ đang nhiều hơn là cơ hội gia tăng doanh số.

Tin bài liên quan