Tài sản thương hiệu tạo nên doanh nghiệp tỷ USD

Tài sản thương hiệu tạo nên doanh nghiệp tỷ USD

(ĐTCK) Phần lớn doanh nghiệp có quy mô vốn hóa thuộc Top đầu thị trường đang được định giá cao hơn nhiều quy mô tài sản, giá trị sổ sách trên báo cáo tài chính. Đóng góp quan trọng vào kết quả này đến từ những giá trị tài sản vô hình mà doanh nghiệp sở hữu, trong đó đáng kể nhất là giá trị thương hiệu.

Thương hiệu, cấu phần tạo nên các doanh nghiệp tỷ USD

Báo cáo tài chính soát xét bán niên 2019 của Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, tính đến 30/6/2019, Công ty có quy mô tài sản 40.186 tỷ đồng (khoảng 1,7 tỷ USD). So với mức thị giá cổ phiếu 130.000 đồng/cổ phiếu trên sàn chứng khoán thời điểm giữa tháng 10/2019, quy mô tài sản của Vinamilk thấp hơn 5,5 lần vốn hóa thị trường (230.000 tỷ đồng, tương đương gần 10 tỷ USD). Xét theo giá trị sổ sách (Book Value), chênh lệch so với thị giá thậm chí lên đến 7,8 lần.

Giá trị của những tài sản vô hình, trong đó đáng kể nhất là thương hiệu, là yếu tố quan trọng khiến Vinamilk được các nhà đầu tư định giá với mức P/B gấp 3,2 lần mức P/B bình quân thị trường.

Ngày 24/9/2019, Công ty tư vấn thương hiệu Mibrand Việt Nam kết hợp với Brand Finance công bố danh sách Top 50 thương hiệu giá trị nhất Việt Nam 2019. Trong lần đánh giá này, thương hiệu Vinamilk đứng vị trí thứ 3 với định giá 1,6 tỷ USD, chỉ sau Viettel và VNPT. Trước đó, trong xếp hạng của Forbes Việt Nam với các thương hiệu hàng đầu Việt Nam công bố tháng 7/2019, giá trị thương hiệu Vinamilk được định giá hơn 2,2 tỷ USD, dẫn đầu danh sách.

Khác với những tài sản hữu hình có thể nhanh chóng xác định giá trị dựa trên các phương pháp kế toán như phương pháp giá gốc, giá trị thanh lý hay phương pháp thay thế, giá trị thương hiệu vốn là tài sản vô hình có phần khó xác định, tùy thuộc vào cách tiếp cận, phương pháp định giá sẽ cho ra kết quả khác nhau. Tuy vậy, có thể thấy rằng, đối với Vinamilk, yếu tố thương hiệu thực sự góp phần quan trọng trong mức định giá tỷ USD của doanh nghiệp.

Tài sản thương hiệu tạo nên doanh nghiệp tỷ USD ảnh 1

Trong khi đó, với vị thế chiếm hơn 50% thị phần bán lẻ trên thị trường sữa Việt Nam, thương hiệu Vinamilk đã tạo được chỗ đứng trong tâm trí người tiêu dùng, rất có giá trị đối với những nhà đầu tư tổ chức nước ngoài muốn mở rộng thị phần tại Việt Nam, đồng thời là khoản đầu tư hấp dẫn các nhà đầu tư tài chính.

Tính đến cuối tháng 10/2019, thị trường chứng khoán Việt Nam có hơn 1.700 doanh nghiệp niêm yết và đăng ký giao dịch, với khoảng 30 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD, trong đó 15 doanh nghiệp có vốn hóa trên 3 tỷ USD. Hầu hết doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD này đang có mức vốn hóa cao hơn nhiều giá trị sổ sách, với sự đóng góp đáng kể từ giá trị của những tài sản vô hình như thương hiệu.

Trong công bố của Brand Finance, Top 10 thương hiệu Việt Nam giá trị nhất năm 2019, ngoài Vinamilk còn có 5 tên tuổi khác, bao gồm Vinhomes (giá trị thương hiệu 1,269 tỷ USD, xếp thứ 4), Sabeco (giá trị thương hiệu 1,225 tỷ USD xếp thứ 5), VietinBank, BIDV, Petrolimex giữ các vị trí thứ 7, 9, 10 với giá trị thương hiệu lần lượt là 625 triệu USD, 450 triệu USD và 447 triệu USD.

Trên sàn chứng khoán, Vinhomes đang có quy mô vốn hóa hơn 296.000 tỷ đồng (tương đương 12,7 tỷ USD), gấp 2,1 lần quy mô tổng tài sản và 5 lần giá trị sổ sách thời điểm cuối tháng 6/2019. Sabeco được thị trường định giá ở mức 165.000 tỷ đồng, gấp 6,9 lần tổng tài sản và 8,9 lần giá trị sổ sách…

Xây dựng và bảo vệ thương hiệu, chìa khóa nâng sức cạnh tranh

Vì sao thương hiệu lại là yếu tố quan trọng tạo lên giá trị của doanh nghiệp? Nhiều nghiên cứu về hành vi của người tiêu dùng chỉ ra rằng, giá cả, chất lượng và độ phổ biến, độ ưa chuộng (thị hiếu) là 3 yếu tố quan trọng quyết định hành vi mua hàng của khách hàng.

Người tiêu dùng sẵn sàng chi trả một mức giá cao hơn cho sản phẩm được họ đánh giá chất lượng hơn, ưa thích và mong muốn sở hữu hơn, dù với từng loại mặt hàng khác nhau, với từng nhóm người tiêu dùng khác nhau sẽ có tỷ trọng yếu tố chi phối hành vi khác nhau.

Tổng hòa những yếu tố này được thể hiện qua sự ưa thích, tin tưởng của khách hàng với thương hiệu của doanh nghiệp. Nếu một thương hiệu được tin tưởng và ưa chuộng, sản phẩm sẽ được người tiêu dùng đánh giá có chất lượng cao hơn và sẵn sàng chi trả mức giá cao hơn, thậm chí cao hơn nhiều so với sản phẩm của thương hiệu khác có cùng tính năng.

Tại Việt Nam, người tiêu dùng cũng đang thay đổi cách mua sắm, lựa chọn những sản phẩm chất lượng, uy tín dựa trên thương hiệu, thay vì tập trung vào so sánh giá cả. Họ sẵn sàng mua sản phẩm sữa Vinamilk với giá cao hơn sản phẩm tương tự khác, vì tin tưởng vào thương hiệu, dù không phân tích, đánh giá định lượng dinh dưỡng trong từng loại sữa trước khi ra quyết định mua hàng. Họ cũng sẵn sàng chọn gửi tiền, sử dụng dịch vụ tại những ngân hàng Top đầu như BIDV, Vietcombank, VietinBank…, vì tin tưởng thương hiệu của các ngân hàng này, mặc dù lãi suất thấp hơn, phí dịch vụ cao hơn nhiều ngân hàng khác.

Sở hữu thương hiệu mạnh, một mặt giúp doanh nghiệp xây dựng được tệp khách hàng trung thành, là cơ sở duy trì tăng trưởng doanh thu, thị phần, mặt khác tạo được vị thế, niềm tin với các nhà cung cấp, đảm bảo được nguồn hàng ổn định với giá ưu đãi, từ đó sản phẩm có biên lợi nhuận tốt hơn, tăng sức cạnh tranh và quay trở lại củng cố được thương hiệu.

Rõ ràng, thương hiệu mạnh là một lợi thế quan trọng quyết định triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp. Do đó, giá trị thương hiệu chiếm phần quan trọng trong xác định giá trị của doanh nghiệp là dễ hiểu. Tất nhiên, không dễ có được kết quả này.

Do những giới hạn về tính toán và nguyên tắc kế toán hiện nay, nhiều tài sản vô hình, cụ thể là thương hiệu, chưa được lượng hóa đầy đủ và chính xác trên các báo cáo tài chính. Tuy vậy, đây vẫn là một yếu tố quan trọng được nhà đầu tư thêm vào khi định giá doanh nghiệp.

Điều này thể hiện qua giá trị vốn hóa thị trường của các doanh nghiệp hàng đầu lớn hơn khá nhiều so với giá trị tài sản sổ sách mà báo cáo tài chính ghi nhận. Trong các thương vụ thoái vốn, bán vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp lớn những năm qua như Vinamilk, Sabeco, Nhựa Bình Minh…, nhà đầu tư đã mua cổ phần với mức định giá trên lợi nhuận, tài sản cao hơn nhiều khi so sánh với những doanh nghiệp cùng ngành.

Ngoài việc không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ thì phát triển thương hiệu chính là chủ đề được các chuyên gia khuyến nghị các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược đầu tư bài bản để tăng “giá trị mềm” và sức cạnh tranh. Thậm chí, doanh nghiệp được tư vấn nên coi thương hiệu là một trong những tài sản giá trị nhất, để từ đó có tư duy quản trị và bảo vệ giá trị thương hiệu phù hợp.

Tuy vậy, thực tế là hiện nay, không ít doanh nghiệp chưa dành nguồn lực thích đáng cho công tác xây dựng cũng như bảo vệ thương hiệu, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Hệ quả, doanh nghiệp có sản phẩm chất lượng nhưng không được đông đảo người tiêu dùng biết đến, kém cạnh tranh với các thương hiệu cùng ngành, nhất là của nước ngoài.

Tin bài liên quan