Những kinh nghiệm dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bán hàng qua kênh thương mại điện tử

Những kinh nghiệm dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bán hàng qua kênh thương mại điện tử

(ĐTCK) Nhiều lĩnh vực, ngành hàng của Việt Nam đang chú trọng hơn đến kênh bán hàng thương mại điện tử nhằm gia tăng lượng hàng xuất khẩu, nhưng số các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia là khá khiêm tốn.

Tiềm năng tận dụng nền tảng thương mại điện tử để xuất khẩu ra quốc tế

Chia sẻ về câu chuyện thành công của doanh nghiệp nhờ hoạt động kinh doanh trên kênh thương mại điện tử tại "Hội thảo xuất khẩu cùng nhà bán hàng toàn cầu Alibaba.com" vừa được tổ chức tại TP.HCM, bà Trần Bảo Ngọc, Giám đốc Công ty M.i.i.n Eyelash (sản xuất lông mi giả) cho biết, sau 3 năm thành lập đến cuối 2015 công ty rơi vào nguy cơ phá sản vì không tìm được khách hàng và hơn 20 công nhân có nguy cơ mất việc.

Trong quá trình tìm kiếm cách để cứu công ty, bà đã thử nghiệm bán hàng trên các kênh thương mại điện tử, trong đó có trang Alibaba.com. Chỉ sau một thời gian ngắn, sàn thương mại điện tử này đã đem lại khách hàng đầu tiên và nhanh chóng trở thành kênh tiêu thụ chính các sản phẩm của công ty ra thị trường quốc tế.

“Sau hai năm phát triển kênh xuất khẩu qua Alibaba.com, đơn hàng của công ty đã tăng lên nhanh chóng. Từ 20 công nhân ban đầu, đến nay tổng số lao động đã lên 100 người và công ty đang chuẩn bị xây thêm xưởng tại Bình Dương để đáp ứng nhu cầu của khách quốc tế", bà Bảo Ngọc chia sẻ.

Những kinh nghiệm dành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa bán hàng qua kênh thương mại điện tử ảnh 1

Tương tự, ông Vũ Trung Sơn, Giám đốc Công ty Vietnam Agarwood Centre cũng cho biết, thông qua sàn thương mại điện tử Alibaba.com, công ty đã thành công trong việc đưa các sản phẩm từ gỗ trầm hương Việt Nam ra thị trường thế giới. Hiện mỗi tháng công ty nhận được khoảng 100 lời chào mua hàng từ khách hàng khắp thế giới, trong đó 80% trở thành đơn hàng thực tế.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, hiện tại, các thị trường xuất khẩu lớn nhất Việt Nam hiện nay lần lượt là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức và tập trung vào may mặc, giày dép, đồ gỗ, nông sản… với giá trị đem lại là rất lớn, vì vậy, doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng nền tảng thương mại điện tử để xuất khẩu ra quốc tế một cách hiệu quả.

“Trong năm 2019, nhiều lĩnh vực, ngành hàng từ dệt may, da giày cho tới nông sản, thủ công mỹ nghệ... của Việt Nam đang chú trọng hơn đến kênh bán hàng này nhằm gia tăng lượng hàng xuất khẩu", ông Hưng thông tin.

Doanh nghiệp cần phải cải thiện nhiều vấn đề để khai phá thành công kênh thương mại điện tử

Hiện nay, mới chỉ có 12% trong số các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam đăng tải bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử, đồng thời nhiều doanh nghiệp còn thiếu kỹ năng và tự chủ khi bán hàng trực tuyến. Vì vậy, để tăng hiệu quả bán hàng trên thương mại điện tử, các doanh nghiệp cần sớm cải thiện tình trạng này.

Mặc dù châu Á - Thái Bình Dương là trung tâm của cuộc cách mạng thương mại điện tử khi chiếm hơn 50% doanh số bán lẻ trực tuyến toàn cầu, nhưng mua sắm trực tuyến phát triển quá mạnh thì yêu cầu của khách hàng cũng trở nên phức tạp hơn, đặt kỳ vọng cao hơn

- Bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số

Theo bà Nguyễn Thị Minh Huyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương), thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tăng lên mức 3.300 tỷ USD trong hai năm tới.

Do đó, xuất khẩu qua thương mại điện tử là xu thế tất yếu và cũng là phương thức giúp doanh nghiệp có được đơn hàng nhanh chóng. Tuy nhiên, để khai phá thành công kênh thương mại điện tử, doanh nghiệp cần phải cải thiện nhiều vấn đề.

Cũng theo bà Huyền, người mua trực tuyến cần sự hiển thị hàng hóa rõ ràng, bao gồm chi tiết sản phẩm, giá cả, phí vận chuyển và thời gian giao nhận, vì vậy doanh nghiệp cần phải nhanh chóng thích ứng.

Nhà bán hàng cũng cần chú trọng dịch vụ giao nhận và đổi trả hàng hóa linh hoạt, cũng như tận dụng sự phát triển của thương mại di động để tạo ra trải nghiệm mua sắm đa dạng hơn cho khách hàng...

Theo ông Zhang Kuo, Tổng giám đốc Alibaba.com, trước vị thế phát triển kinh tế của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có năng lực sản xuất lớn.

Tuy nhiên, ông Zhang cho biết, có rất ít doanh nghiệp tham gia thương mại toàn cầu bằng cách sử dụng những kênh kỹ thuật số, vì vậy, Alibaba.com tin rằng Việt Nam còn nhiều tiềm năng rất lớn để xuất khẩu, từ đó tập trung vào hoạt động B2B (giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp).

“Chúng tôi muốn giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam tiếp cận được với các thị trường quốc tế trên nền tảng Alibaba.com, giúp số hóa các doanh nghiệp và tăng thêm nhiều việc làm tại địa phương”, ông Zhang Kuo nói.

Tin bài liên quan