Ảnh Shutterstock.

Ảnh Shutterstock.

Người thắng, kẻ thua với EVFTA

(ĐTCK) Các doanh nghiệp sẽ có gì thay đổi khi Quốc hội phê chuẩn Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vào cuối kỳ họp đang diễn ra?

Hơn 1 tháng nay, showroom lớn nhất cả nước của một công ty dệt may lớn trên phố Trần Hưng Ðạo, Hà Nội đã đóng cửa. Hơn nửa năm trước, ông chủ tịch và nhiều lãnh đạo doanh nghiệp hồ hởi khai trương cửa hàng và tin tưởng về một địa chỉ mua sắm tấp nập trong tương lai.

Thực tế không dễ dàng như họ tưởng, riêng chi phí thuê mặt bằng đã là hơn 300 triệu đồng/tháng, chưa kể lương thưởng cho nhân viên. Dù rất tiếc nuối nhưng doanh số lèo tèo của cửa hàng khiến Công ty buộc phải ra quyết định: trả cửa hàng.

Tại đại hội cổ đông mới đây, ông chủ tịch doanh nghiệp cay đắng thừa nhận, Công ty đã thất bại trong mảng bán lẻ thời trang sau gần chục năm theo đuổi, tới đây sẽ thu hẹp các cửa hàng và chỉ thực hiện bán buôn.

Nhiều thương hiệu thời trang Việt rơi vào cảnh đìu hiu khi EVFTA có hiệu lực là một viễn cảnh có thể nhìn thấy trước. Hàng H&M, Mango, Zara… ồ ạt tràn vào, được hưởng ưu đãi thuế sẽ càng có giá cạnh tranh với hàng Việt.

Với các FTA, thị trường bán lẻ hàng may mặc nội địa là bài toán khó cho các doanh nghiệp dệt may trong nước. Theo Euromonitor, thị trường bán lẻ may mặc Việt Nam khá phân mảnh và có quy mô tương đối nhỏ (xấp xỉ 3 tỷ USD).

Một mặt là sự phổ biến của các sản phẩm không có thương hiệu, một mặt là sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu thời trang nước ngoài, đã khiến miếng bánh này ngày một xa tầm tay các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Không chỉ có hàng may mặc, đồ gia dụng, thực phẩm, làn sóng các loại sản phẩm khác có giá rẻ hơn từ châu Âu sẽ tràn vào Việt Nam do được miễn giảm thuế quan.

Người tiêu dùng, đặc biệt đối với tầng lớp trung lưu ở các khu vực thành thị, nơi những sản phẩm như vậy được bày bán, được hưởng lợi.

Song với không ít doanh nghiệp, EVFTA chắc chắn mang tới bài toán khó, cần phải tìm lời giải và nhanh chóng hành động, như doanh nghiệp dệt may trên là một ví dụ.

Chuyên gia Bùi Kim Thùy nhận xét, các hiệp định thương mại tự do (FTA) về bản chất thường không đối xứng. Dù các thỏa thuận này nhìn chung hứa hẹn rằng các bên sẽ cùng có lợi, nhưng điều đó không có nghĩa lợi ích sẽ luôn được chia đều. Sẽ có nhiều thay đổi xảy ra và không phải tất cả các bên liên quan đều có thể chuyển đổi một cách suôn sẻ.

Với hiệp định EVFTA, cần lường trước về việc có những người không thể chuyển đổi công việc (vì nhiều lý do như tuổi tác, điều kiện làm việc hay khả năng học kỹ năng mới) hoặc những doanh nghiệp ngừng hoạt động vì thiếu khả năng thích ứng với những xáo trộn do thay đổi gây ra.

Ông Bùi Việt Quang, Tổng giám đốc Công ty cổ phần May Sông Hồng đánh giá, với những cam kết mạnh mẽ từ cả hai bên, EVFTA hứa hẹn mang lại những cơ hội to lớn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Riêng trong lĩnh vực dệt may, nếu các nhà xuất khẩu tận dụng được nguồn nguyên liệu sản xuất ở Việt Nam, họ có thể hưởng lợi và gia tăng xuất khẩu vào châu Âu.

Giá trị xuất khẩu dệt may của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng kép 13,1% trong giai đoạn 2008 - 2017, vượt xa mức trung bình toàn cầu 4,9%.

Có EVFTA, thị trường xuất khẩu đa dạng sẽ giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ trong bối cảnh thị trường may mặc của Mỹ bão hòa (xuất khẩu sang Mỹ chiếm hơn 40% tổng xuất khẩu dệt may của Việt Nam).

Hiệp định cũng tạo động lực thu hút đầu tư sản xuất vải, điểm đứt gãy trong chuỗi cung ứng của dệt may Việt Nam.

Tuy nhiên, thuế quan thấp không phải là tất cả. Ông Quang lấy dẫn chứng, trong nhiều năm qua, các hãng thời trang lớn của EU như Zara, H&M, Mango… vẫn chuộng nhập khẩu từ Myanmar, Bangladesh, Campuchia. Không phải do các nước kia được lợi từ thuế mà do giá gia công của họ thấp hơn.

Cạnh tranh về chi phí nhân công và nhiều yếu tố khác sẽ không bao giờ là lợi thế của doanh nghiệp Việt Nam.

Thủy sản cũng được cho là lĩnh vực có nhiều tác động song không hề dễ dàng với các doanh nghiệp Việt Nam.

Lấy ví dụ, hiện mức thuế nhập khẩu đối với tôm chế biến vào châu Âu là 11%, với tôm đông lạnh là 4%. Chênh lệch tới 7% thuế khiến giá cả tôm chế biến đội lên rất cao và khách châu Âu thường mua tôm đông lạnh về chế biến.

Do phải rã đông trước khi chế biến nên tôm thường không giữ được màu sắc tươi đẹp, bị đen đầu, khiến giá bán và lợi nhuận nhà sản xuất thu được thấp hơn rất nhiều mức đáng lẽ họ có thể đàm phán được.

Thuế suất tôm chế biến giảm có thể đem lại lợi thế, nhưng doanh nghiệp Việt Nam phải có sự đầu tư lớn để đáp ứng được các tiêu chuẩn ngặt nghèo về vùng nuôi, phẩm chất nguyên liệu cũng như các điều kiện về trách nhiệm xã hội, tuân thủ các quy định về pháp luật lao động để đáp ứng đơn hàng lớn trong các mùa cao điểm thời vụ…

Ðại diện Euro Charm khuyến nghị, các nhà sản xuất càng nâng cấp sản phẩm (từ sản phẩm thô lên sản phẩm có thương hiệu) thì thu nhập của họ sẽ càng ổn định và sản phẩm của họ sẽ càng phổ biến hơn. Vậy nhưng, sản phẩm có thương hiệu lại chưa được mấy doanh nghiệp Việt quan tâm và đầu tư.

Tin bài liên quan