Anh TTXVN

Anh TTXVN

Hiệp hội Da giày - túi xách: Doanh nghiệp chỉ cầm cự được đến tháng Tư

Gửi báo cáo đến Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Hiệp hội Da giầy - túi xách Việt Nam cho biết đến cuối tháng 4/2020 thì toàn bộ doanh nghiệp hội viên có thể phải dừng việc với khoảng 1,2 triệu lao động bị ảnh hưởng.

Theo báo cáo, ngành Da giầy - Túi xách Việt Nam năm 2019 đạt kim ngạch xuất khẩu 22 tỷ USD, tăng 12% so với 2018. Số liệu Hải quan cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2020, toàn ngành xuất khẩu đạt 3.299 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù có đà tăng trưởng của năm 2019, nhưng mức tăng kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm 2020 là thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước.

Lý do là từ sau Tết Nguyên đán đến giữa tháng 3/2020, ngành phải chống chọi với tình hình thiếu nguyên vật liệu đầu vào, do phần lớn được cung ứng từ Trung quốc, Hàn quốc, Đài loan…là những nước bị ảnh hưởng năng bởi dịch covid -19. Đến nay, tình hình nguyên liệu đang dần có dấu hiệu cải thiện.

Tuy nhiên, đến đầu tháng 3/2020, dịch đã chuyển sang tấn công vào châu Âu, Hoa kỳ là những thị trường tiêu thụ lớn của ngành (chiếm trên 70% tổng giá trị xuất khẩu). Chính phủ các nước này đã ra những thông báo cấm tụ tập, mua sắm và nhiều trung tâm mua sắm, các cửa hiệu đã bị đóng cửa để tránh lây lan.

Từ ngày 10/3/2020 nhiều nhãn hàng thời trang (giày dép, túi xách, quần áo…) đã ra lệnh các nhà máy dừng mua vật tư, không cho phép sản xuất và thậm chí không nhận hàng. Khách hàng đã tạm dừng giao hàng nhiều lô hàng dự kiến giao vào cuối tháng 3 để hạn chế thiệt hại từ phía họ và đã dừng phần lớn đơn hàng dự kiến sẽ sản xuất trong tháng 4/20.

Theo nắm bắt sơ bộ của Văn phòng Hiệp hội đến thời gian này nhiều nhà máy đã phải cho công nhân nghỉ việc luân phiên do thiếu việc làm. Với tình hình thị trường như hiện tại, sẽ có hơn 50% doanh nghiệp hội viên cầm cự đến cuối tháng 3/2020, khoảng 30% có thể kéo dài đến giữa tháng 4/2020 và số còn lại cũng chỉ kéo dài đến cuối tháng 4/2020 hoặc chậm nhất tuần đầu tháng 5/2020, Hiệp hội nêu những con số đáng chú ý. 

Dự báo thiệt hại được  nêu tại báo cáo là đến cuối tháng 3/2020 sẽ có khoảng 50% doanh nghiệp dừng việc, khoảng 600 ngàn lao động bị ảnh hưởng. Những con số tương tự đến giữa tháng 4/2020 là khoảng 70-80% doanh nghiệp và khoảng 800 ngàn lao động, đến cuối tháng 4/2020 thì toàn bộ doanh nghiệp dừng việc với khoảng 1,2 triệu lao động bị ảnh hưởng.

Những doanh nghiệp còn sản xuất trong tháng 4/2020 là tương ứng với vật tư đã tự mua và sẽ phải chịu rủi ro là không thể xuất hàng được, báo cáo của Hiệp hội lưu ý.

"Chúng tôi chưa thể thống kê các thiệt hại về kinh tế vì cần có thời gian đánh giá cũng như cập nhật sát tình hình thị trường trên thế giới", báo cáo nêu.

Từ thực trạng trên, Hiệp hội kiến nghị cần có chính sách hỗ trợ đối với lao động thất nghiệp trên tinh thần nhà nước và nhân dân cùng làm (nhà nước – doanh nghiệp – người lao động cùng chia sẻ).

Hiệp hội cũng kiến nghị miễn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế lợi tức, thuế VAT của năm 2020. Miễn trả lãi (0%) các khoản vay ngân hàng trong năm 2020. Giãn thời hạn trả nợ các khoản vay trước năm 2020.

Kiến nghị nữa từ hiệp hội là chậm thời gian đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động và bỏ các khoản phạt chậm đóng bảo hiểm trước đó.

Cuối cùng, Hiệp hội này đề nghị cho phép doanh nghiệp giữ lại toàn bộ khoản phí công đoàn 2% để sử dụng trong việc hỗ trợ thu nhập và trả các chi phí liên quan đến tình huống này cho người lao động. 

Tin bài liên quan