Doanh nghiệp giải trình nguyên nhân việc cây xăng treo biển hết xăng tại Quảng Nam

(ĐTCK) Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) vừa cho biết, mới đây đã kịp thời kiểm tra, chấn chỉnh xử lý hiện tượng thiếu hụt cung ứng xăng dầu cục bộ tại Quảng Nam, đảm bảo đầy đủ nguồn cung ứng để tránh tình trạng mua bán tích trữ gây phức tạp trên địa bàn.
Doanh nghiệp giải trình nguyên nhân việc cây xăng treo biển hết xăng tại Quảng Nam

Cụ thể, theo phản ánh từ nhiều nguồn thông tin báo chí và địa phương trong những ngày gần đây cho thấy, tại Quảng Nam có hiện tượng một số cây xăng thông báo và treo biển hết xăng. Vụ Thị trường trong nước đã liên hệ với Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam và doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh Quảng Nam để làm rõ tình hình.

Theo thông tin chính thức, sáng ngày 30/3, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có hiện tượng cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Tuyết Mai treo biển hết xăng.

Báo cáo nhanh của Công ty tại Công văn số 07/BC-TM cho biết, từ 7h30 đến 9h15 ngày 30/3 tại Cửa hàng xăng dầu Kế Xuyên thuộc xã Bình Trung, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam xảy ra tình trạng thiếu mặt hàng xăng để phục vụ người dân, đối với mặt hàng dầu Diesel đơn vị vẫn cung cấp hàng bình thường.

Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên do lượng xăng người dân mua về dự trữ (mang can mua về) tăng đột biến tại khu vực nêu trên, song trước thời điểm kỳ điều hành giá xăng dầu được dự báo giảm nên doanh nghiệp không tích trữ mặt hàng này nhiều. Sau khoảng thời gian gần 2 giờ, tất cả các cửa hàng xăng dầu và hệ thống đại lý bán lẻ trực thuộc Công ty đều hoạt động cung cấp hàng bình thường trở lại.

Vụ Thị trường trong nước khẳng định, hiện nay, nguồn cung các mặt hàng xăng dầu trên địa bàn cả nước vẫn đủ để cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng của người dân. Hiện tượng thiếu mặt hàng xăng tại cửa hàng trên là trường hợp cục bộ tại Quảng Nam, không phải hiện tượng phổ biến, chỉ xảy ra trong khoảng thời gian ngắn và cũng đã được xử lý kịp thời, bảm đảm nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường.

Để tránh xảy ra hiện tượng tương tự, Vụ Thị trường trong nước cho biết, đã qua trao đổi, đề nghị Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam phối hợp với Cục Quản lý thị trường trên địa bàn tăng cường kiểm tra, kiểm soát để không xảy ra tình trạng thiếu hàng nêu trên.

Trước đó, cũng liên quan đến tình hình kiểm tra giám sát chấn chỉnh hoạt động kinh doanh xăng dầu tại các địa phương, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hoà Bình cho biết, ngày 27/2/2020, Đoàn kiểm tra của Đội QLTT số 1 - Cục QLTT Hòa Bình tiến hành kiểm tra đột xuất tại Cửa hàng kinh doanh xăng dầu Hoàng Sơn, địa chỉ Quốc lộ 6, xã Trung Minh, thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình do Công ty TNHH MTV Phúc Chấn thuê của Công ty cổ phần Đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn.

Kết quả kiểm tra phát hiện Cửa hàng xăng dầu Hoàng Sơn thuộc Công ty TNHH MTV Phúc Chấn có hành vi kinh doanh xăng dầu khi không có Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.

Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính và hoàn thiện hồ sơ trình Cục trưởng Cục QLTT Hòa Bình Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối Cửa hàng xăng dầu Hoàng Sơn thuộc Công ty TNHH MTV Phúc Chấn.

Ngày 23/3/2020, Cục trưởng Cục QLTT Hòa Bình đã ban hành Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 272 với tổng số tiền hơn 54 triệu đồng và áp dụng hình thức xử phạt bổ sung đình chỉ hoạt động kinh doanh xăng dầu của cửa hàng bán lẻ xăng dầu 2 tháng.

Lãnh đạo Tổng cục Quản lý Thị trường khẳng định, trong thời gian tới sẽ tiếp tục yêu cầu các Cục Quản lý thị trường tại các địa phương sát sao chỉ đạo các các Đội QLTT chủ động quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát và phối hợp lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh hành hóa nhập lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng hóa kém chất lượng, không có nguồn gốc xuất xứ, gian lận thương mại...

Đồng thời, xử lý các hành vi thu gom, mua vét, găm hàng, tăng giá bất hợp lý đối với nhóm mặt hàng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, thuốc tân dược, các loại vật tư, trang thiết bị y tế, bảo vệ sức khỏe dùng để phòng, chống dịch Covid-19 và chữa bệnh, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn biễn phức tạp hiện nay.

Tin bài liên quan