Một cửa hàng bán kính thời trang của MWG.

Một cửa hàng bán kính thời trang của MWG.

Doanh nghiệp bán lẻ tìm động lực tăng trưởng mới

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp bán lẻ đang niêm yết như CTCP Bán lẻ kỹ thuật số (FRT), CTCP Thế giới số (DGW), CTCP Thế giới di động (MWG)… đang mở rộng sang những mặt hàng mới như mỹ phẩm, hàng tiêu dùng nhanh, kính mắt… nhằm tìm kiếm động lực tăng trưởng mới.

DGW vừa lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản và ra Nghị quyết HĐQT bổ sung ngành nghề kinh doanh mới như hoạt động kho bãi và lưu giữ hàng hóa, bốc xếp hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ vận tải, bán máy móc - thiết bị - phụ tùng, bán buôn đồ dùng cho gia đình; bán lẻ thuốc, dụng cụ y tế, mỹ phẩm; dịch vụ liên quan đến in, vận tải hàng hóa bằng đường bộ…

Ông Đoàn Hồng Việt, Chủ tịch HĐQT DGW chia sẻ, ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) sẽ là động lực tăng trưởng chính trong thời gian tới và Công ty đang dần định vị trên thị trường này.

“Đây là lý do DGW bổ sung thêm các lĩnh vực kinh doanh mới như chăm sóc cá nhân, thức ăn, đồ uống, hàng tiêu dùng gia đình… Kỳ vọng từ 3-5 năm tới, doanh thu từ FMCG sẽ chiếm 15-20% trong cơ cấu doanh thu của DGW và tiếp tục tăng trưởng trong dài hạn”, ông Việt nói và thông tin thêm, DGW đang làm việc với các nhà cung cấp để triển khai các lĩnh vực này.

Trước đó, DGW đã bắt tay với Nestle để phân phố các sản phẩm sữa chuyên biệt dùng trong y tế.

Tại FRT, doanh nghiệp này cũng đang có những động thái mới trong mở rộng lĩnh vực kinh doanh. FRT bắt đầu kinh doanh lĩnh vực mỹ phẩm ngoại với hệ thống bán lẻ F.Beauty.

Đây là dự án mới nhất và FRT đã tiến hành tuyển dụng nhân sự từ cuối tháng 11/2019.

Hiện nay, thị trường làm đẹp tại Việt Nam khá sôi động và được xem là có dư địa tăng trưởng lớn.

Tuy nhiên, thị trường này còn sơ khai, chưa định hình những tên tuổi lớn và đây là cơ hội để FRT khai phá.

Giới quan sát nhìn nhận, bán lẻ mỹ phẩm ngoại là miếng bánh màu mỡ, nhưng không dễ “xơi”, FRT nhập cuộc sẽ đối mặt nhiều thách thức.

Trước đó, FRT đã mở sang các lĩnh vực khác như bán lẻ dược phẩm, kính thời trang, đồng thời bổ sung 2 ngành nghề bưu chính và chuyển phát.

Đáng chú ý, FRT đã gỡ mục "Điện máy" khỏi website Công ty sau hơn 6 tháng thử nghiệm hợp tác với hệ thống Nguyễn Kim.

Theo FRT, Công ty tạm hoãn hoạt động này để tập trung cho những mảng mang lại hiệu quả cao hơn.

“Riêng với mảng dược phẩm, FRT đã hoàn tất kế hoạch đạt 70 cửa hàng trong năm 2019 tính đến hết tháng 11. Thời gian tới, việc đầu tư cho chuỗi nhà thuốc Long Châu sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.

Doanh thu của chuỗi nhà thuốc này trong 9 tháng đầu năm 2019 đạt 496 tỷ đồng, tăng 90,4% so với cùng kỳ 2018. FRT kế hoạch mở thêm 270 nhà thuốc Long Châu trong năm 2020 và dự kiến đạt khoảng 1.900 tỷ đồng doanh thu”, đại diện FRT chia sẻ.

Để mở rộng dư địa tăng trưởng, MWG đang bán những mặt hàng trước đây chưa bao giờ kinh doanh.

Lãnh đạo MWG cho hay, nhu cầu về xe đạp điện của người dân rất cao và Công ty đang muốn thử nghiệm kinh doanh lĩnh vực này. MWG dự kiến sẽ bán mặt hàng này tại một số cửa hàng của MWG để đo lường sức mua, trước khi chính thức triển khai trên toàn hệ thống.

MWG cũng đang thử nghiệm chuỗi “Điện thoại siêu rẻ”. Hiện toàn hệ thống có 14 cửa hàng tại TP.HCM. Ngoài ra, MWG đã hoàn tất thay đổi trưng bày cho thêm 90 cửa hàng Điện máy xanh mini trong tháng 10/2019.

Với sản phẩm mắt kính, ông Đoàn Văn Hiểu Em, Tổng giám đốc chuỗi Thế giới di động và Điện máy xanh nhận định, nhu cầu về kính thuốc ở Việt Nam cao hơn đáng kể so với kính thời trang với tỷ lệ 7:3.

Bởi vậy, MWG đã lắp đặt máy đo thị lực tại một số cửa hàng để thử nghiệm kinh doanh.

Riêng mảng sản phẩm công nghệ, lãnh đạo MWG cho biết, kể từ tháng 9/2019, khi quyết định tập trung đẩy mạnh khai thác ngành hàng laptop, tổng doanh số trong tháng 9 và 10/2019 đạt 715 tỷ đồng, tăng trên 40% so với cùng kỳ 2018.

Luỹ kế 10 tháng, đã có hơn 220.000 sản phẩm laptop được bán tại các cửa hàng của MWG, mang về khoảng 2.000 tỷ đồng doanh thu.

Từ thử nghiệm đến mở rộng là cách MWG đang áp dụng cho các lĩnh vực mới.

Với mảng bán lẻ đồng hồ, tính đến 31/10/2019, MWG có 174 cửa hàng kinh doanh đồng hồ, với 245.000 sản phẩm đồng hồ các loại được bán tại chuỗi Thế giới di động và Điện máy xanh, đóng góp hơn 480 tỷ đồng doanh thu.

Dự kiến đến tháng 6/2020, MWG sẽ có 500 cửa hàng bán đồng hồ. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, MWG sẽ giữ được tốc độ tăng trưởng doanh thu 9% năm 2020 và 7% năm 2021.

Tin bài liên quan