Doanh nghiệp bán lẻ không dễ kiếm tiền

Doanh nghiệp bán lẻ không dễ kiếm tiền

(ĐTCK) Bán lẻ với mô hình cửa hàng tiện lợi dù có triển vọng phát triển nhưng không dễ kiếm tiền như kỳ vọng, đòi hỏi các doanh nghiệp phải đầu tư lớn và trường vốn để trụ lại trong giai đoạn đầu kinh doanh khó khăn.

Mới đây, tại Nhật Bản, Seven & i Holdings, nhà vận hành chuỗi cửa hàng tiện ích 7-Eleven tuyên bố đóng cửa 1.000 cửa hàng không mang lại lợi nhuận và sa thải 3.000 nhân viên trong các bộ phận Công ty.

Đây là một phần của chiến dịch tái cơ cấu, tiến tới giảm mô hình cửa hàng 24/7 của Seven & i Holdings. Điều này phản ánh sự tăng trưởng chậm lại của thị trường cửa hàng tiện lợi xứ Hoa anh đào.

Tại Việt Nam, mô hình cửa hàng tiện lợi mới phát triển trong vài năm trở lại đây. Cửa hàng tiện lợi 7-Elveven đầu tiên được mở vào năm 2017 và Việt Nam trở thành nước thứ 19 góp mặt trong hệ thống chuỗi cửa hàng lớn nhất thế giới này.

Công ty cổ phần Seven System Việt Nam (SSV) là đại lý độc quyền về nhượng quyền 7-Eleven tại Việt Nam.

Theo danh sách cửa hàng 7-Elveven công bố trên website, Công ty có 33 cửa hàng, tập trung ở TP.HCM. Ông Vũ Thanh Tú, Tổng giám đốc SSV từng chia sẻ về kế hoạch có thể mở đến 100 cửa hàng trong vài năm.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bán lẻ với mô hình cửa hàng tiện lợi không dễ kiếm tiền như nhiều nhà đầu tư kỳ vọng.

Family Mart, chuỗi cửa hàng tiện lợi của Nhật từng tuyên bố sẽ có khoảng 1.000 cửa hàng tại Việt Nam vào năm 2020, nhưng đến năm 2017, lãnh đạo chuỗi này đã không thể đổ thêm tiền để đầu tư và cho biết, việc kinh doanh đang gặp thua lỗ.

Chuỗi cửa hàng tiện lợi Shop&Go đã phải bán lại cho Tập đoàn Vingroup với giá tượng trưng 1 USD vào tháng 4/2019, vì không thể tiếp tục chịu lỗ.

Shop&Go có mặt trên thị trường từ năm 2006, có thời điểm sở hữu mạng lưới 100 cửa hàng và tính đến khi chuyển nhượng cho Vingroup là 87 cửa hàng.

Ông Nguyễn Hoài Nam, người từng sở hữu chuỗi Shop&Go chia sẻ, mỗi tháng, Shop&Go lỗ 200.000 - 300.000 USD. Sức ép cạnh tranh lớn, Shop&Go càng làm càng đi xuống.

Năm 2016, hệ thống này ghi nhận doanh thu 267 tỷ đồng, lỗ gần 40 tỷ đồng, lỗ lũy kế 205 tỷ đồng. Các năm tiếp theo, tình hình kinh doanh cũng không khả quan.

“Cho đến bây giờ, tôi tin chắc vẫn chưa có công ty bán lẻ nào và chuỗi cửa hàng tiện lợi nào có lãi”, ông Nguyễn Hoài Nam phát biểu tại chương trình CEO - Chìa khóa thành công Forum 2019.

Với Tập đoàn Sơn Hà, năm 2011, Tập đoàn thành lập Công ty cổ phần Hiway Việt Nam, mở 10 siêu thị, tham vọng sẽ trở thành Top 5 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, nhưng sau 4 năm, chuỗi siêu thị này đã phải ngừng hoạt động vì thua lỗ.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội nhận xét, thị trường bán lẻ đang cạnh tranh rất khốc liệt, doanh nghiệp mạnh hay yếu, tồn tại hay không tồn tại sẽ sớm được phân định trong cuộc đua này.

Ông Phú khuyến nghị, thương mại điện tử đang phát triển mạnh mẽ, doanh nghiệp bán lẻ cần linh hoạt trong phát triển mô hình bán lẻ đa kênh, thay vì tập trung bán theo mô hình truyền thống. Tuy nhiên, để làm được điều này, đòi hỏi phải có nguồn lực đầu tư lớn, không phải doanh nghiệp nào cũng đáp ứng được.

Về triển vọng thị trường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, bán lẻ sẽ phát triển, các doanh nghiệp đang tập trung xây dựng năng lực cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng dịch vụ. Hoạt động mua bán - sáp nhập trong lĩnh vực này sẽ ít đi, vì những phi vụ lớn đã hoàn tất.

Theo ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, bất kỳ nhà bán lẻ nào kinh doanh tại thị trường Việt Nam cũng phải trải qua quá trình lỗ kế hoạch, tức phải đầu tư trước mắt, sau đó mới phát triển lên và thu lãi. Và làm bán lẻ, phải mở thật nhiều mới có lãi.

Bà Đỗ Thu Hằng, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu Savills Việt Nam nhìn nhận, thị trường bán lẻ đang là sân chơi chuyên nghiệp cho các đơn vị thực sự có năng lực. Một trong những “ông lớn” trên thị trường bán lẻ hiện nay là Tập đoàn Vingroup.

Trong năm qua, Công ty VinCommerce của Vingroup đã mua lại Shop&Go, Qeenland Mart. Tính đến hết tháng 9/2019, VinCommerce đã sở hữu hơn 2.300 siêu thị và cửa hàng tại 50 tỉnh, thành phố trên cả nước, vượt xa nhiều đối thủ cạnh tranh.

JLL Việt Nam cho biết, hiện nay, nhiều mô hình bán lẻ đã có sự chuyển hướng đến các sản phẩm tiện ích hơn dành cho khách hàng gia đình. Một số siêu thị tiện ích tái cấu trúc, có sức hấp dẫn lớn theo hướng tập trung phân khúc dành cho gia đình.

Việt Nam có dân số tăng trưởng tốt, ngành bán lẻ có triển vọng, nhưng bán thế nào, mô hình nào hiệu quả vẫn là bài toán khó của không ít nhà bán lẻ.

Tin bài liên quan