Chuyên gia “mổ xẻ”, hiến kế cứu nền kinh tế

Chuyên gia “mổ xẻ”, hiến kế cứu nền kinh tế

Tăng trưởng thấp, tổng cầu giảm, doanh nghiệp khó khăn... đang là điểm nghẽn trong nền kinh tế. Theo nhiều chuyên gia, nguy cơ thiểu phát sẽ thành hiện thực nếu không kích cầu và giải quyết được hàng tồn kho.

Tăng trưởng GDP quý I đạt 4%, mức khá thấp trong nhiều năm gần nay. Ngay từ cuối tháng 3, Chính phủ đã điều hành chính sách theo hướng nới lỏng dần để tiếp sức cho nền kinh tế. Trần lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh giảm, kéo theo là mặt bằng lãi suất cho vay, nhất là với những lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ…

 

Bên cạnh đó, chính sách thuế, giá cả được điều hành linh hoạt để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, ước tính GDP quý II chỉ tăng 4,66%. Tính chung tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2012 đạt khoảng 4,38% so với cùng kỳ 2011. Đây là mức tăng trưởng khá thấp so với mục tiêu Quốc hội đề ra cho cả năm 2012 (6-6,5%).

 

Chuyên gia “mổ xẻ”, hiến kế cứu nền kinh tế ảnh 1Cần kích cầu, giải quyết hàng tồn để mở lối thoát cho nền kinh tế

 

Khi mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới một con số được chú trọng, dường như lại tạo áp lực rất lớn cho tăng trưởng 2 quý tiếp theo (tối thiểu mỗi quý phải đạt trên 6%). Theo ông Trần Xuân Giá, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư, đây là năm có mức tăng GDP 6 tháng đầu năm thấp nhất trong hơn 10 năm qua.

 

"Điều quan trọng là đang có nhiều dấu hiệu cho thấy kinh tế nước ta khó tăng trưởng cao trong các quý tiếp theo như những năm trước, mà ngược lại có nhiều biểu hiện tiếp tục đà suy giảm", ông Giá nói. Nếu tình hình tiếp diễn như những tháng qua, GDP năm 2012 có thể chỉ tăng 4,5-4,7% so với năm 2011. Điểm sáng kinh tế vĩ mô từ đầu năm đến nay là đã cơ bản kiềm chế được lạm phát, vốn là nỗi ám ánh trong suốt cả năm 2011.

 

Trong khi đó, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, nhận định, những khó khăn của kinh tế Việt Nam đã chạm đáy và hiện đang trong giai đoạn hồi phục. Đến thời điểm này, chỉ số phát triển doanh nghiệp bắt đầu bớt tiêu cực hơn. Ngoài ra, hàng tồn kho cũng có xu hướng giảm dần, từ mức cao 34,9% của tháng 3 xuống lần lượt 32,1% và 29,4% trong tháng 4 và 5. Và đến ngày 1/6 chỉ còn khoảng 26,4%.

 

Lãi suất cho vay tính đến cuối tháng 6 cũng giảm gần 3%. "Nhu cầu tiêu dùng bắt đầu quay trở lại, kích thích sản xuất. Một số yếu tố khách quan như giá dầu thô đã ổn định, kinh tế Hoa Kỳ cũng đã khởi sắc và điều đó giúp Việt Nam tăng xuất khẩu, đầu tư. Rõ ràng khủng hoảng đã chạm đáy và sự phục hồi đang diễn ra" - ông Lịch phân tích.

 

Tại cuộc họp mới đây của Tổ Điều hành thị trường trong nước, bà Trần Thị Hằng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho rằng lạm phát tăng trưởng âm trong tháng 6 là điều khác thường, vì theo quy luật, tháng 3, 4 và 5 mới là những tháng có CPI thấp nhất. Điều đó biểu hiện doanh nghiệp và cả nền kinh tế đang gặp khó khăn, tổng cầu và sức mua đều giảm sút.

 

Rõ nhất là tồn kho ở nhiều ngành vẫn tiếp tục tăng cao. Số liệu tính đến ngày 1/6 cho thấy tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 26%, tập trung vào các ngành ngành khai thác than, giấy, bao bì, chế biến sản phẩm rau quả, sản phẩm plastic, phân bón, xi măng, thép…

 

Thống kê ở một số thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM cũng cho thấy doanh số bán hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại giảm tới 50%. Bên cạnh đó, các mặt hàng sản xuất tiêu dùng, phục vụ cho sản xuất tồn kho tăng đến 30-40%.

 

Vậy nền kinh tế đã rơi vào tình trạng giảm phát? TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng đánh giá như vậy có phần vội vàng. "Cần phân biệt rõ thiểu phát với giảm phát. Thiểu phát là giá cả vẫn tăng, nhưng thấp, trong khi giảm phát là giá cả đi xuống", ông nói. Theo chuyên gia này, mới chỉ có một tháng CPI giảm, những tháng trước đó vẫn tăng, dù thấp, thì chưa thể nói ngay là giảm phát mà mới chỉ là "nguy cơ thiểu phát".

 

Đối với một nền kinh tế đang tăng trưởng cao như Việt Nam , lạm phát ở khoảng 3-4% mỗi năm có thể coi là thiểu phát, nhưng về dài hạn là bình thường, ngưỡng 4-6% mỗi năm là hợp lý nhất. Trong khi đó, CPI 6 tháng đầu năm giảm ở mức thấp không phải do chi phí sản xuất giảm mà do tổng cầu giảm vì sức mua yếu.

 

Do đó, tất cả những yếu tố này chỉ mang tính tạm thời, nếu việc điều hành không cẩn thận, lạm phát rất dễ bùng phát. Và vòng luẩn quẩn chống lạm phát lại giảm phát, đến khi chống giảm phát lại lạm phát đã tái diễn ra từ năm 2007 đến nay.

 

Để ngăn chặn đà suy giảm kinh tế, một số chuyên gia kinh tế cho rằng cần tập trung tăng tỷ trọng vốn đầu tư toàn xã hội một cách hợp lý và hiệu quả. Đồng thời, có những biện pháp hữu hiệu để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Hỗ trợ doanh nghiệp xử lý cả hai đầu vào và ra. Đầu vào là hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí qua công cụ thuế và lãi suất. Đầu ra là hỗ trợ trực tiếp và gián tiếp giúp doanh nghiệp tiêu thụ được sản phẩm.

 

Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, hiện, lạm phát ở Việt Nam không còn nằm ở nguyên nhân do chi phí đẩy hay cầu kéo như trước đây, mà do tổng cầu sụt giảm mạnh. Sức mua giảm sút rõ rệt cho thấy dấu hiệu thiểu phát.

 

Kích cầu buộc phải làm nếu không muốn nền kinh tế rơi vào cảnh đình trệ kéo dài. "Từ trước đến nay chúng ta vẫn kích vào khu vực sản xuất chứ không phải tiêu dùng. Nhưng năm 2012 cội nguồn của đình trệ xuất phát từ phía cầu, chứ không phải cung", ông Ánh nói. Vì thế, chuyên gia này cho rằng Chính phủ cần nhìn nhận thẳng thắn về mức độ suy giảm của nền kinh tế và phải có ngay giải pháp để kích đúng chỗ. Kiến nghị này hoàn toàn có lý, bởi hiện nay doanh nghiệp vẫn không mặn mà với các giải pháp hỗ trợ đã được đưa ra.

 

Ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, cho biết chính sách để cứu doanh nghiệp đưa ra vừa qua tương đối đầy đủ nhưng không tới được doanh nghiệp. Chẳng hạn chính sách cho phép giảm, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng hiện nay phần lớn doanh nghiệp thép, xi măng đều lỗ, lấy gì để giảm, giãn thuế. "Lẽ ra, Nhà nước phải tính đến biện pháp hiệu quả nhất là giảm thuế giá trị gia tăng để giảm giá, kích cầu, giải phóng hàng tồn kho", ông Nghi nói.

 

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng thời gian tới cần có biện pháp kích thích sức mua chứ không thể hô hào "thắt lưng buộc bụng". Thành lập quỹ cho vay tiêu dùng là việc nên làm, nhưng không nên giới hạn chỉ mua nhà mà có thể cho vay mua nhiều mặt hàng tiêu dùng khác.