Biển báo đường cụt trên đường cao tốc từ Hà Nội đến cửa khẩu Hữu Nghị do đoạn Chi Lăng - Hữu Nghị chưa được đầu tư đồng bộ. (Ảnh; TP).
Việc Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (HHV) vừa có công văn gửi các cơ quan hữu quan tỉnh Lạng Sơn và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) kiến nghị một số vấn đề liên quan đến Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, mục đích của giao thông không đơn thuần chỉ là kết nối, mà còn tạo động lực và lan tỏa phát triển. Điều đó giải thích tại sao nguyên lý của giao thông là “đồng bộ”.
PGS.TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh: Mục tiêu chiến lược của tuyến cao tốc Hà Nội - Lạng Sơn là giải quyết vấn đề kết nối - đồng bộ, tạo động lực phát triển; để trên cơ sở đó, lan tỏa phát triển ra các địa phương khác trong vùng Đông Bắc và quốc tế, chứ không chỉ giới hạn trong phạm vi của tỉnh Lạng Sơn.
Trong khi đó, việc tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn hiện vẫn còn 30 km nữa mới đến thành phố Lạng Sơn đã đi ngược nguyên lý quan trọng nhất trong đầu tư giao thông.
"Nếu chúng ta không xử lý đồng bộ, thì vấn đề sẽ trở thành điểm nghẽn cho quá trình phát triển, phục hồi kinh tế sau đại dịch trên phạm vi cả nước", PGS.TS Trần Đình Thiên đánh giá.
Thực tế, tuyến cao tốc hướng tâm từ Hà Nội lên Lạng Sơn dài 110 km bao gồm 2 dự án là Hà Nội - Bắc Giang dài 45,8 km và Bắc Giang - Lạng Sơn (kết thúc tại huyện Chi Lăng) dài 64 km dù đã hoàn thành cách đây 2 năm vẫn đang bị coi là chưa đồng bộ khi chỉ còn cách thành phố Lạng Sơn 30 km và cửa khẩu Hữu Nghị 45 km.
Điều này khiến đoạn đường nối đến 2 đầu mối giao thông và giao thương quan trọng cuối tuyến vẫn phải đi “mượn” tuyến Quốc lộ 1 chỉ có 2 làn xe được cải tạo cách đây 20 năm và đã quá tải từ lâu.
Được biết, nhà đầu tư Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đã nhiều lần gửi văn bản đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền bày tỏ lo ngại về việc bị “đứt gãy” của một tuyến giao thông quan trọng, làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư dự án. Bên cạnh đó, do chưa được kết nối thông suốt nên việc triển khai tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) là chưa có cơ sở.
Trước đó, vào tháng 9/2020, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND tỉnh Lạng Sơn thực hiện điều chỉnh dự án thành phần 2 (đoạn Hữu Nghị - Chi Lăng) thuộc Dự án BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Cụ thể, Dự án đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng sẽ chuyển từ BOT không có vốn Nhà nước sang hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, có sự tham gia của vốn Nhà nước.
Cơ cấu nguồn vốn dự kiến tham gia trong Dự án PPP đường cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng có tổng mức đầu tư gần 8.000 tỷ đồng gồm vốn do nhà đầu tư huy động và vốn tham gia của Nhà nước.
Hiện nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ dự án trọng điểm, cấp bách của Quốc gia đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất và Thủ tướng Chính phủ cũng có ý kiến chỉ đạo về việc cân đối vốn cho Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng giai đoạn 2021-2025.
Đây là tiền đề rất thuận lợi để triển khai Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, qua đó góp phần đóng mạch toàn tuyến cao tốc Hà Nội -Bắc Giang - Lạng Sơn - Chi Lăng.
Liên quan đến việc nhà đầu tư HHV có ý định rút khỏi liên danh đầu tư xây dựng Dự án, ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch HĐQT HHV đã đưa ra những lý do cụ thể cho vấn đề này.
“Việc thời gian phê duyệt điều chỉnh Dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng bị kéo dài quá lâu với thời gian hoàn vốn có thể lên tới 40 năm đã làm giảm sút niềm tin của ngân hàng cấp tín dụng, giảm sút tính khả thi thực hiện dự án, nhiệt huyết của nhà đầu tư HHV và cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của vùng”, ông Thế thông tin.