Chuyên gia HSBC dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 7,6% trong năm 2021

Chuyên gia HSBC dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 7,6% trong năm 2021

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bà Yun Liu, chuyên gia kinh tế phụ trách thị trường Đông Nam Á của HSBC cho rằng, mặc cho những khó khăn kéo dài, HSBC vẫn lạc quan về triển vọng phát triển của Việt Nam khi đưa ra dự báo mức tăng trưởng GDP năm 2021 lên tới 7,6%.

Trong phân tích của mình, bà Yun Liu đề cập tới nhiều sự kiện quan trọng và nhiều vấn đề kinh tế vĩ mô cần quan tâm trong trong năm 2021 của Việt Nam.

Cụ thể, sau khi chứng kiến ​​sức bật kinh tế diễn ra trong năm 2020, Việt Nam sẽ bắt đầu năm 2021 bằng một sự kiện chính trị quan trọng: Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Theo HSBC, trong mỗi kỳ đại hội, các mục tiêu kinh tế chính, bao gồm tăng trưởng GDP và GDP bình quân đầu người trong năm năm tới sẽ được công bố. Trước những thách thức của đại dịch, tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 của Việt Nam chỉ đạt 6%, chưa đạt được mục tiêu đề ra 6,5 - 7% của Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ XII vào năm 2016.

Vào tháng 10/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam đề xuất mục tiêu tăng trưởng 6,5 - 7% cho giai đoạn 2021 - 2025 và mục tiêu GDP bình quân đầu người từ 4.700 - 5.000 USD vào năm 2025.

Trong năm 2021, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng là 6,5%. Về trung hạn, Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia có mức thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và sau đó là nước có thu nhập cao vào năm 2045.

Theo bà Yun Liu, phát triển cơ sở hạ tầng vẫn là một vấn đề then chốt và đây là một trong những nhiệm vụ kinh tế trọng tâm trong Nghị quyết số 1/2021 của Chính phủ.

Trước đó, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, cơ sở hạ tầng được coi là ưu tiên kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực như giao thông và năng lượng. Trong đó, đề cập rõ ràng đến việc xây dựng 3 dự án trọng điểm quốc gia là đường cao tốc Bắc Nam, đường sắt Bắc Nam và Sân bay quốc tế Long Thành.

Tuy nhiên, một số dự án đang triển khai chậm trễ, chẳng hạn như giai đoạn 1 của sân bay Long Thành dự kiến ​​bắt đầu trong giai đoạn 2016 - 2020, nhưng mãi tới ngày 5/1/2021 vừa qua, dự án mới được phát lệnh khởi công.

Đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, nhưng một tình huống khó xử mà Việt Nam đang phải đối mặt đó là không gian tài chính hạn chế do nợ công tăng cao. Tuy nhiên, điểm tích cực là các nhà chức trách Việt Nam đã theo đuổi cải cách cơ cấu trong lĩnh vực này.

Cụ thể, năm 2020, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) được mong đợi từ lâu đã được thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, nhằm giải quyết các vấn đề còn tồn tại liên quan đến các nhà đầu tư tư nhân và khuyến khích họ tham gia vào các dự án lớn.

Một trọng tâm chính khác, theo chuyên gia của HSBC là quá trình cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước. Trong giai đoạn 2011 - 2015, gần 600 doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa, đạt 96% mục tiêu. Tuy nhiên, quá trình này đã bị đình trệ khi từ năm 2016 đến tháng 9/2020, chỉ có 37 trong số 128 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa, chưa đạt 30% so với mục tiêu đề ra.

"Bên cạnh sự ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các yếu tố như kiểm toán và quản lý đất đai là một trong những nguyên nhân làm chậm quá trình này", bà Yun Lin nói và cho biết thêm, Bộ Tài chính đang xây dựng kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 có thể chuyển thành một lộ trình chi tiết hơn. Kế hoạch này dự kiến sẽ được trình Đại hội 13 sắp tới.

Bà Yun Liu tin rằng, Việt Nam sẽ hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ổn định và công nghệ sẽ dẫn đầu quá trình phục hồi.

"Chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 với mức tăng trưởng GDP đạt 7,6%. Trong khi đó, áp lực lạm phát có khả năng tiếp tục ở mức vừa phải, trung bình khoảng 3,3% vào năm 2021, thấp hơn mức trần lạm phát 4% của Ngân hàng Nhà nước", chuyên gia của HSBC dự báo.

Tin bài liên quan