Các diễn giả tham gia Toạ đàm "Thị trường chứng khoán: Cơ hội, rủi ro và giải pháp thúc đẩy phát triển bền vững” diễn ra sáng 31/3 đã phần nào đưa ra câu trả lời cho vấn đề này.
Dòng tiền tìm nơi tăng trưởng cao
TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế chia sẻ, sau giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, nền kinh tế thế giới đang có sức bật rất mạnh. Chính phủ nhiều quốc gia công bố các gói hỗ trợ đại dịch quy mô khủng, thậm chí giá trị tương đương 20% GDP quốc gia. Nguồn tiền này tạo động lực hỗ trợ doanh nghiệp và sự hồi phục của nền kinh tế.
Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, các chương trình hỗ trợ là chưa đáng kể, quy mô chưa tới 1% GDP.
“Trong 2 năm vừa qua, doanh nghiệp Việt Nam phải tự dùng tới 'giọt máu' cuối cùng để tồn tại, nên sức bật chỉ lóp ngóp”, TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam sẽ bật dậy chậm hơn so với kinh tế thế giới, thị trường chứng khoán cũng sẽ có diễn biến tương tự.
"Chúng tôi đã 4 lần phân tích mô hình dự báo và kết luận: tăng trưởng kinh tế năm 2021 không thể vượt quá 5,5%, trong khi Chính phủ kỳ vọng là 7%", TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Đây là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư nước ngoài tạm thời rút vốn để đưa tiền về các thị trường có sức bật cao hơn Việt Nam.
Trong khi đó, ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) chia sẻ, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá quy mô "bơm tiền" của Việt Nam không lớn, hỗ trợ thời kỳ Covid-19 chủ yếu đến từ hoãn, giãn thuế, cũng tức là doanh nghiệp sẽ phải đóng thuế trở lại từ năm 2021 và điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Rủi ro tỷ giá, hàng hoá không đa dạng
Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho biết, trong thời gian qua, dòng tiền rút ra khỏi các thị trường mới nổi đã đạt hơn 100 tỷ USD. Một trong những nguyên nhân là việc lãi suất trái phiếu gia tăng, giá cả phục hồi và lạm phát nhích lên.
"Lợi suất trái phiếu chính phủ tăng lên đã làm cho đồng tiền ở tất cả các thị trường mới nổi mất giá nhanh, USD có xu hướng tăng cao trở lại. Chính vì rủi ro tỷ giá, nhất là thị trường như Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Brazil… ghi nhận tỷ giá thay đổi hơn 3%, khiến cho các nhà đầu tư quốc tế ngay lập tức nghĩ đến bảo toàn vốn và nhanh chóng rút ra", ông Sơn cho biết.
Một khi rủi ro tại các thị trường mới nổi gia tăng, dòng tiền sẽ có xu hướng quay về chính quốc. Đây là lý do đa phần các thị trường chứng khoán châu Á đều sụt giảm 7 - 8% trong thời gian qua.
Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Sơn cho biết, trước đây, khối ngoại sở hữu khoảng 21-22% tổng số cổ phiếu đang lưu hành trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Hiện nay, tỷ lệ này còn khoảng 18,5%.
Qua trao đổi với một vài nhà đầu tư nước ngoài, nguyên nhân đầu tiên mà họ đề cập là lo lắng việc Việt Nam bị liệt kê vào nhóm quốc gia thao túng tiền tệ có thể ảnh hưởng lớn đến sự ổn định của tỷ giá. Vì thế, các quỹ đầu tư có hành động sớm để kiểm soát rủi ro.
Bên cạnh đó, theo ông Trần Hoàng Sơn, thị trường Việt Nam tồn tại 2 rủi ro chính. Thứ nhất, P/E của thị trường Việt Nam đang tiệm cận 18 - 19 lần, gần mức đỉnh cao năm 2018. Một khi cung tiền có dấu hiệu chững lại, dòng tiền sẽ nhanh chóng rút ra khi định giá đã cao.
Thứ hai, hàng hoá tại thị trường Việt Nam chưa đa dạng, thiếu sức níu chân nhà đầu tư. Hiện tại, thiếu vắng các doanh nghiệp vốn hoá đủ lớn để nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy tiềm năng. Chưa có lớp doanh nghiệp mới kế cận thế hệ doanh nghiệp lớn trước như FPT, VNM… để tạo nên những rổ cổ phiếu mới, giúp nhà đầu tư nước ngoài có thể rót vốn lớn.
“Theo quan sát của tôi, cần đẩy mạnh thêm các sản phẩm trên thị trường. Chẳng hạn, khi thị trường phái sinh mở ra, VN-Index từ mức 600 điểm lên 900 điểm. Khi sản phẩm chứng quyền có bảo đảm (CW) ra đời, VN-Index tiến lên mức 1.100 điểm. Việc có thêm các sản phẩm mới sẽ tạo nên cơ hội bứt phá trong thời gian tới”, ông Sơn chia sẻ.