Vietbank trở thành thành viên thứ 14 đạt tiêu chuẩn Basel II

Vietbank trở thành thành viên thứ 14 đạt tiêu chuẩn Basel II

(ĐTCK) Ngày 4/11/2019, Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thương Tín (Vietbank) chính thức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt áp dụng tiêu chuẩn quốc tế Basel II trước thời hạn.

Trong suốt quá trình hoạt động, Vietbank luôn đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu, đảm bảo cho sự phát triển bền vững. Vì vậy, với nội lực vững mạnh, từ đầu năm 2019, Ngân hàng đã chủ động triển khai hệ thống tính toán tài sản có rủi ro, tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II.

Việc tuân thủ Basel II giúp Vietbank nâng cao năng lực quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế, đồng nghĩa với việc Ngân hàng đáp ứng các quy định khắt khe về quản trị và công nghệ.

Ông Nguyễn Thanh Nhung, Tổng giám đốc Vietbank chia sẻ, việc được Ngân hàng Nhà nước cho phép áp dụng trước hạn Thông tư 41/2016/TT-NHNN là một dấu mốc quan trọng trong sự phát triển của Vietbank cho giai đoạn sắp tới, đảm bảo Ngân hàng phát triển bền vững và minh bạch.

Thông tư 41/2016/TT-NHNN về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài quy định, 1/1/2020 là thời điểm tất cả các ngân hàng phải tuân thủ các quy định của Basel II. Tuy nhiên, trong số 10 ngân hàng được thí điểm áp dụng Basel II từ năm 2016 đến nay vẫn còn một số nhà băng chưa đáp ứng được yêu cầu.

Mục tiêu Chính phủ đề ra cho các ngân hàng cổ phần là đến cuối năm 2020 cơ bản có mức vốn tự có theo chuẩn mực quy định của Basel II, trong đó ít nhất 12 - 15 ngân hàng áp dụng thành công Basel II phương pháp tiêu chuẩn trở lên.

Tới cuối năm 2025, tất cả các ngân hàng thương mại áp dụng Basel II tiêu chuẩn, thí điểm áp dụng Basel II nâng cao tại ngân hàng thương mại nhà nước và ngân hàng cổ phần có chất lượng quản trị tốt.

Với tiêu chuẩn Basel II, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cần đạt mức tối thiểu 8% - giảm 1% về mặt số học so với Basel I, nhưng việc tính toán phức tạp hơn.

Tại Việt Nam, theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ CAR tối thiểu là 9%. Hiện nay, CAR của khối ngân hàng quốc doanh là 9,4%, khối ngân hàng thương mại cổ phần là hơn 11,3%. Sang năm 2020, khi Basel II được triển khai rộng rãi, CAR của nhiều ngân hàng sẽ bị đánh giá giảm theo công thức mới.

Basel II giúp ngân hàng nâng cao năng lực quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế.   

Lợi ích rõ rệt nhất mà Basel II mang lại cho các ngân hàng Việt Nam là tăng cường cạnh tranh lành mạnh và tính minh bạch của hệ thống, tăng cường sức đề kháng của ngân hàng trước những bất ổn và biến động của thị trường. Khả năng quản trị rủi ro của ngành ngân hàng tốt hơn sẽ giảm thiểu nguy cơ vỡ nợ hay khủng hoảng, góp phần giúp nền kinh tế hoạt động bền vững hơn.

Tính đến nay, có 14 ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt áp dụng Thông tư 41 quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh nước ngoài gồm: Vietcombank, ACB, MBBank, Techcombank, VPBank, HDBank, TPBank, SeABank, MSB, Bản Việt, OCB, VIB, Shinhan Bank, Vietbank.

Một số ngân hàng lớn vẫn chưa hoàn tất áp dụng Basel II, vì gặp khó khăn trong việc tăng vốn, nhất là khi cổ phiếu đã lấp đầy “room” ngoại  và không được chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Với BIDV, khó khăn tăng vốn đã qua khi ngân hàng này vừa hoàn tất phát hành hơn 603 triệu cổ phiếu, tương đương 15% vốn điều lệ sau chào bán, cho đối tác Hàn Quốc là Ngân hàng KEB Hana Bank, thu về ròng hơn 2.200 tỷ đồng (đã trừ chi phí phát hành).

Tin bài liên quan