Vì sao cổ phiếu TPB hấp dẫn nhà đầu tư?

Vì sao cổ phiếu TPB hấp dẫn nhà đầu tư?

(ĐTCK) Sáng ngày 19/4, cổ phiếu TPB của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) đã chính thức giao dịch trên sàn HOSE với mức giá chào sàn là 32.000/cổ phiếu. Trong phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu TPB đã thể hiện sự tích cực khi thanh khoản nằm trong top cao nhất thị trường.

Những con số ấn tượng

Không quá ngạc nhiên khi cổ phiếu TPB lại “hot” đến vậy. Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một cổ đông cho biết, nhìn vào Báo cáo tài chính của TPBank, có khá nhiều điểm nhấn giúp nhà đầu tư yên tâm đầu tư. Chẳng hạn, quy mô tổng tài sản của TPBank tăng trưởng mạnh qua các năm, cụ thể đạt 124.040 tỷ đồng năm 2017, tăng 17% so với năm 2016.

Phân tích của CTCK Sài Gòn (SSI) cho biết, sự tăng trưởng mạnh này chủ yếu đến từ tăng trưởng tín dụng khả quan. Hoạt động tín dụng năm 2017 của TPBank được đánh giá tốt với tình hình thực hiện các chỉ tiêu tài chính vượt kế hoạch đã đề ra, chi phí hoạt động và nợ xấu được kiểm soát tốt so với mức chung của toàn ngành. Chất lượng nợ tiếp tục được cải thiện và tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp, xấp xỉ 1% tổng dư nợ tại thời điểm cuối năm 2017.

Thực tế, đối với phân khúc khách hàng cá nhân, ngoài việc tiếp tục phát triển vững mạnh các lĩnh vực cho vay chủ đạo, các khối kinh doanh đã nắm bắt được những cơ hội trên thị trường để tăng trưởng dư nợ, gia tăng lợi nhuận và thị phần cho Ngân hàng. Trong năm 2017, TPBank cũng cho ra mắt nhiều sản phẩm mới phục vụ các đối tượng, phân khúc khách hàng khác nhau như thẻ TPBank World Mastercard Golf Privé & Club Privé…

Bên cạnh đó, phân khúc khách hàng doanh nghiệp có tăng trưởng dư nợ tốt. TPBank đã giới thiệu hàng loạt sản phẩm dịch vụ cốt lõi theo kế hoạch phát triển sản phẩm từ đầu năm: Cho vay mua ô tô phục vụ mục đích đi lại, cho vay mua ô tô phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh; sản phẩm thẻ tín dụng, trả lương qua thẻ; liên kết hỗ trợ vay mua nhà…

Theo đó, tổng thu nhập hoạt đồng thuần năm 2017 của TPBank đạt 3.609 tỷ đồng, trong đó thu nhập lãi thuần chiếm tỷ trọng cao nhất 88%, tương đương với 3.172 tỷ đồng. Thu nhập thuần ngoài lãi đạt 437 tỷ đồng, chiếm 12%. Lợi nhuận trước dự phòng rủi ro tín dụng đạt 1.668 tỷ đồng (năm 2017 trích lập 462 tỷ đồng). Nhờ việc đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ cung cấp, đồng thời tăng cường tập trung vào phân khúc có tỷ lệ lãi cao, nâng cao chất lượng tài sản và hiệu quả trong việc huy động vốn và sử dụng nguồn vốn, giúp cho tổng thu nhập hoạt động thuần của TPBank tăng nhanh.

Một điểm đáng chú ý là vốn điều lệ của TPBank thuộc dạng trung bình so với các ngân hàng thương mại cổ phần khác. Với tốc độ tăng trưởng hiện tại, tỷ lệ CAR đã ở mức trên 9%, cao hơn mức tối thiểu được Ngân hàng Nhà nước yêu cầu. Tuy nhiên, với quy mô vốn hiện tại, TPBank được giới phân tích đánh giá là có nhiều dư địa để tăng thêm vốn bằng việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Định hướng phát triển phù hợp

Năm 2017 là năm TPBank tăng tốc sau khi đã thực hiện thành công đề án tái cơ cấu đã được Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và HĐQT Ngân hàng phê duyệt. Giai đoạn 2013-2017 là giai đoạn phát triển nhanh và mạnh mẽ của TPBank với việc tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn đã được xác định, cũng như lĩnh vực TPBank có ưu thế cạnh tranh nổi trội so với các ngân hàng khác, với mục tiêu trở thành Ngân hàng số (Digital Banking) hàng đầu Việt Nam.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Đỗ Anh Tú, Phó chủ tịch HĐQT TPBank cho biết: “Đối với Ngân hàng số, triển khai quá sớm hay quá muộn đều không tốt, nên quan điểm của Ban lãnh đạo TPBank là 'đi trước nửa bước chân' và chúng tôi may mắn làm được điều này cách đây 5 năm. Nhờ có bước chuẩn bị từ sớm, nên việc triển khai số hóa ngân hàng hiện tại trở nên đơn giản hơn so với nhiều ngân hàng khác. Do vậy, nói đến Ngân hàng số, TPBank đã đi nhanh, đi tốt, không đắt và vượt trước nhiều so với ngân hàng bạn”.

Thực tế cho thấy, việc xác định xu hướng kỳ vọng của thị trường rất quan trọng trong việc đề ra chiến lược kinh doanh. Thời gian tới, các nhà phân tích đánh giá xu hướng ít sử dụng tiền mặt sẽ lên ngôi, bởi việc thanh toán bằng chuyển khoản sẽ giảm được thời gian giao dịch và chi phí hậu cần. Hay như xu hướng sử dụng quầy giao dịch tự động, thay vì quầy giao dịch truyền thống do tỷ lệ sử dụng Internet và điện thoại thông minh của Việt Nam có xu hướng tăng, điều này giúp cho việc sử dụng ngân hàng điện tử trở nên tiện lợi hơn.

Về dữ liệu lớn (Big Data), trong khi các nước công nghệ phát triển đã triển khai từ lâu, thì Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn khởi phát. Do vậy, đơn vị kinh doanh có kiến thức về phân tích dữ liệu sẽ có lợi thế cạnh tranh cao hơn khi nắm bắt được hành vi tiêu dùng của khách hàng và phân tích được xu hướng tiêu dùng để cho ra sản phẩm phù hợp. Trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển sẽ giúp thúc đẩy kết quả tốt hơn cho khách hàng, tăng hiệu quả cho các ngân hàng và giải quyết các thiếu sót về tài năng. Theo đó, chiến lược của TPBank là phát triển bán lẻ đa kênh (Omni-channel banking): Phát triển từ đa kênh (multi-channel), nhưng lại tập trung hơn vào những trải nghiệm mang lại cho các khách hàng khi họ thực hiện hành động tiêu dùng. TPBank sẽ đặt trọng tâm vào việc dự đoán nhu cầu và mong muốn của khách hàng, thay vì đơn thuần đáp ứng nhu cầu hiện có.

 Nhân sự là một trong những thế mạnh của ngân hàng. Được biết, tính tới ngày 31/12/2017, tổng số lao động tại TPBank hiện có là 4.848 người lao động (năm 2016 là 3.937 người, tăng 23,1%). Thu nhập bình quân đầu người của mỗi nhân viên TPBank năm 2017 là  178,32 triệu đồng/người (năm 2016 là 129,66 triệu đồng/người, tăng 37,5%).

Việc sử dụng các kỹ thuật phân tích những kênh thông tin khác nhau để nắm bắt được mục đích đằng sau các tương tác giữa các kênh, từ đó sử dụng những ý định của người tiêu dùng để nghiên cứu ra những sản phẩm mới có doanh thu tốt hơn, hoặc có chi phí hiệu quả hơn, quản lý rủi ro tốt hơn. Khi đó, cạnh tranh sẽ không phải về giá, mà về chất lượng. Với quy định hiện tại về tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng doanh thu trong tương lai sẽ đến từ chất lượng của khách hàng, chứ không phải số lượng.

“TPBank sẽ tận dụng cả tăng trưởng hữu cơ và chiến lược M&A để phát triển”, bà Bùi Thị Thanh Hương, Phó tổng Giám đốc TPBank nhấn mạnh. 

Vị thế của TPBank theo xếp hạng của các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế

Theo công bố của tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s vào ngày 23/6/2017, TPBank được Moody’s đánh giá là B2-Stable, đây là mức xếp hạng cao nhất của các ngân hàng thương mại cổ phần tại Việt Nam.

Đồng thời, theo danh sách xếp hạng 500 ngân hàng lớn nhất châu Á - Thái Bình Dương của The Asian Banker năm 2017, TPBank nằm trong nhóm 10 ngân hàng thương mại được xếp hạng mạnh nhất tại Việt Nam. Theo đó, bảng xếp hạng được thực hiện với 2 tiêu chí: Danh sách 500 ngân hàng hàng đầu trong khu vực theo quy mô tài sản và xếp loại 500 ngân hàng dựa trên sức mạnh của từng ngân hàng thông qua khả năng sinh lời lâu dài từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi (Strength Rank). 

Tin bài liên quan