Thu hút FDI bền vững ở Việt Nam

Thu hút FDI bền vững ở Việt Nam

(ĐTCK) Trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, Việt Nam cần có những hành động và giải pháp mạnh mẽ, hiệu quả nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dòng vốn đầu  tư nước ngoài (FDI), trong đó chú trọng đến một số yếu tố quan trọng nhằm thúc đẩy thu hút FDI một cách bền vững.

Có thể nói Việt Nam là một trong những quốc gia thu hút FDI thành công trên thế giới. Với môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện, lực lượng lao động trẻ, chi phí lao động hợp lý, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, vị trí chiến lược…, Việt Nam ngày càng hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài mở rộng hoạt động đến đây.  

Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2019, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài là 29,11 tỷ USD, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Những nhà đầu tư hàng đầu thế giới đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội kinh doanh, đầu tư tại Việt Nam.

Trong những năm qua, FDI đã có đóng góp đáng kể cho quá trình phát triển kinh tế xã hội tại Việt Nam. Thực tế này đòi hỏi Chính phủ cần quan tâm hơn nữa đến một số yếu tố quan trọng trong thu hút FDI bền vững.

Cụ thể, Việt Nam nên tiến hành mời thầu chọn nhà đầu tư quốc tế rộng rãi và cân nhắc kỹ trước mọi đề nghị cấp bảo lãnh chính phủ cho các dự án. Nhiều nhà đầu tư sẵn sàng đầu tư hiệu quả lại không có đủ thông tin hay thời gian để gửi đề xuất đầu tư.

Các đại diện thương mại, các doanh nghiệp Việt Nam nên ra nước ngoài nhiều hơn, thành lập văn phòng đại diện ở nước ngoài nhiều hơn để tiếp cận chủ động các tập đoàn lớn thực sự có năng lực.

Chính phủ nên cho các nhà đầu tư đủ thời gian để nghiên cứu dự án và đề xuất đầu tư hiệu quả nhất.

Đối với các bên cho vay nước ngoài, có lẽ chọn được chủ đầu tư (nước ngoài hay trong nước) mạnh, có nguồn thu ổn định cho dự án và quyền chuyển đổi ngoại tệ quan trọng hơn so với bảo lãnh chính phủ.

Có hai lĩnh vực quan trọng đối với phát triển bền vững, đó là hạ tầng giao thông và năng lượng tái tạo. Việt Nam trong những năm gần đây đã chứng kiến sự phát triển đầu tư ở các tỉnh phía Bắc theo sau phát triển hạ tầng giao thông cảng biển và đường bộ.

Sự phát triển tiếp theo sẽ dành cho phía Nam và miền Trung, theo sau việc thông qua Luật Đầu tư theo hình thức hợp tác công - tư (PPP).

Các lĩnh vực PPP hiệu quả nhất sẽ là hạ tầng giao thông, giáo dục và y tế, bởi lẽ, các lĩnh vực này không có nguồn thu ổn định, không như lĩnh vực xây dựng nhà máy phát điện (có hợp đồng mua bán điện (PPA).

Để PPP hấp dẫn nhà đầu tư hạ tầng giao thông, cần có cơ chế đảm bảo nguồn thu ổn định để họ trả chi phí tài chính cho dự án.

Có nghĩa là Luật PPP cần có cơ chế chia sẻ rủi ro hay bảo đảm doanh thu tối thiểu (MRG) cho các dự án đường giao thông, ít nhất là 5 năm đầu tiên. 

Để xây dựng được cơ chế này, Nhà nước cần sử dụng các nhà tư vấn quốc tế có uy tín để tính toán chi phí tài chính cho dự án, cũng như ước tính doanh thu hay rủi ro một cách thực tiễn, và Bộ Tài chính cần xây dựng một quỹ bình ổn (VGF) để bù đắp các khoản thiếu hụt doanh thu nhằm mục đích trả nợ tài chính cho các dự án.

Việt Nam cần nâng cao kinh nghiệm quản lý dự án. Việt Nam nên thuê các tư vấn quốc tế có trình độ từ các nước OECD để giám sát nhà thầu. Ngoài việc sử dụng các kỹ sư giám sát quốc tế, Việt Nam cũng cần có các luật sư trong nước có kinh nghiệm sâu khi làm việc với các đối tác
nước ngoài.

Sau cùng, Việt Nam cần sử dụng hiệu quả các xu thế công nghệ mới trên thế giới, như fintech hay năng lượng tái tạo.

Ngày nay, chi phí sản xuất điện gió ở Anh đã rẻ hơn điện than và fintech đang phủ sóng rộng khắp mọi mặt trong đời sống. Là đối tác với nhiều quốc gia trên toàn thế giới đã và đang cho Việt Nam cơ hội để tiếp thu những điều tốt đẹp nhất.

Công ty Luật LNT & Thành viên được ALB Thomson Reuters công nhận là Công ty Luật Việt Nam của năm 2019

Tin bài liên quan