Thời kinh doanh bền vững và dài hạn

Thời kinh doanh bền vững và dài hạn

(ĐTCK) Ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MBS đánh giá, sự chuyên nghiệp của các nhà đầu tư đã được nâng lên đáng kể khi hoạt động đầu tư mang tính chọn lọc hơn rất nhiều. Năm 2020, TTCK sẽ có nhịp tăng trưởng tốt hơn năm 2019. Tại MBS, Công ty kiên định xây dựng các sản phẩm chuyên biệt, hiện đại với triết lý kinh doanh đi bền cùng nhà đầu tư và thị trường.

Năm 2019 sắp kết thúc với nhiều kế hoạch chưa thực hiện trọn vẹn, đặc biệt là câu chuyện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hay kế hoạch tăng vốn, thoái vốn, lên sàn của nhiều tổng công ty, doanh nghiệp lớn. Liệu cơ hội có dồn sang năm 2020?

Nhìn trên bình diện quốc tế, xu hướng điều hành của các ngân hàng trung ương vẫn tác động chính yếu đến kinh tế toàn cầu và thị trường chứng khoán (TTCK).

Trong đó, xu hướng giảm lãi suất và nới lỏng tiền tệ diễn ra trên toàn cầu khi Mỹ tiếp tục hạ lãi suất hỗ trợ tăng trưởng và EU, Nhật Bản tung ra các gói nới lỏng định lượng vào cuối 2019, đồng thời sẽ tăng cường vào năm 2020 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ðộng thái đó khiến xu hướng dòng tiền rẻ đổ vào các thị trường tài sản toàn cầu tăng lên và dòng tiền đầu cơ vẫn tìm kiếm các kênh có lợi suất cao.

Do đó, TTCK vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất trên toàn cầu trong thời điểm hiện tại.

Ðối với Việt Nam, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế ở mức cao so với khu vực với cân đối vĩ mô ổn định, xu hướng đi ngang trong 3/4 thời gian của năm 2019 có thể là giai đoạn tích lũy cho nhịp tăng tốt năm 2020 khi chúng ta đang có nhiều yếu tố kỳ vọng như: 1) Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung có hiệu lực;

2) Ðẩy mạnh quá trình IPO, thoái vốn các DNNN; 3) Các nhóm chỉ số phục vụ cho các quỹ ETF mới được đưa vào vận hành; 4) Dòng vốn đầu tư quốc tế quay lại các thị trường mới nổi và cận biên sau quãng thời gian rút ròng;

5) Các giải pháp nâng hạng thị trường được triển khai giúp Việt Nam có thể được nâng hạng sớm nhất vào 2021, kích thích dòng tiền. Trên cơ sở đó, chúng tôi đánh giá khả quan và tin tưởng về triển vọng TTCK năm 2020, cũng như trong tương lai dài hạn.

Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đang thúc đẩy các thành viên hợp sức làm mới nền tảng công nghệ, để tiến tới việc triển khai giao dịch trong ngày, bán chứng khoán trên đường chờ về… Tại MBS, bài toán công nghệ đang được làm mới như thế nào và nếu giải pháp trên được thực thi, liệu thị trường cổ phiếu có vượt qua được tình trạng thanh khoản giảm?

Ông Trần Hải Hà, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán MBS.

MBS luôn chú trọng đầu tư công nghệ nhằm triển khai các mô hình kinh doanh mới, nâng cao năng lực quản trị điều hành, nâng cao tiện ích dịch vụ tới khách hàng cũng như đáp ứng các yêu cầu của hệ thống nghiệp vụ mới của VSD.

Chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng và sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu từ VSD trong việc triển khai các dịch vụ mới như giao dịch trong ngày, bán chứng khoán trên đường chờ về, pre-funding…

Thanh khoản toàn thị trường năm 2019 vào khoảng 4.600 tỷ đồng/phiên, giảm 35% so với cùng kỳ năm trước do ảnh hưởng của nhiều nguyên nhân từ quốc tế đến Việt Nam.

Tuy nhiên, MBS dự báo năm 2020, thanh khoản sẽ được cải thiện và khả năng tăng mạnh trở lại nhờ các yếu tố mới được kích hoạt như vừa chia sẻ.

Ngoài ra, chúng tôi kỳ vọng khi hành lang pháp lý cho phép áp dụng các công nghệ mới, ví dụ áp dụng định danh khách hàng điện tử eKYC hay thanh toán qua tài khoản điện thoại, số lượng người dân được tiếp cận các sản phẩm tài chính chứng khoán sẽ gia tăng nhanh chóng.

Nhiều sản phẩm tài chính mới sẽ được xây dựng, giúp thanh khoản thị trường sẽ có bước tăng trưởng cao, ổn định trong những năm tới.

Với sự góp mặt của nhiều công ty chứng khoán 100% vốn nước ngoài, mức độ cạnh tranh trong ngành dịch vụ chứng khoán ngày càng mạnh mẽ. Trong bối cảnh này, triết lý kinh doanh của MBS là gì?

TTCK ngày càng phát triển, nên các công ty chứng khoán cũng phải cạnh tranh mạnh mẽ để tăng trưởng.

Theo tôi, mỗi công ty chứng khoán đều phải có chiến lược riêng để định vị mình trên thương trường. Các công ty chứng khoán nước ngoài có lợi thế khá tốt nhờ dòng vốn rẻ và dồi dào, nhưng bù lại thương hiệu và thị phần chưa thực sự được khẳng định.

Ðối với MBS, chúng tôi theo đuổi triết lý kinh doanh bền vững với tầm nhìn dài hạn, luôn luôn tiên phong trong tạo ra sản phẩm chuyên biệt trong hoạt động phân tích, tư vấn đầu tư với hệ thống sản phẩm dịch vụ đa dạng trong hệ sinh thái của MB Group, nhằm tạo ra vị thế riêng của MBS trên thị trường.

Năm 2019, TTCK có thêm sản phẩm phái sinh, chứng quyền có bảo đảm (CW) hay các chỉ số mới để làm nền cho các quỹ mới ra đời. Theo ông, không gian như vậy đã đủ cho các công ty chứng khoán thỏa sức phát triển, hay cần thêm yếu tố gì để tạo nền cho TTCK bứt phá? 

TTCK ngày càng có nhiều sản phẩm tiên tiến, tạo nên nhiều công cụ cho nhà đầu tư linh hoạt sử dụng hơn. Tuy nhiên, nhu cầu đầu tư tài chính luôn luôn thay đổi rất nhanh chóng trước sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.

Vì vậy, theo lộ trình phát triển, chúng ta cần những sản phẩm tiêu chuẩn với tầm cỡ khu vực và thế giới. Chúng tôi kỳ vọng những sản phẩm hướng tới nhà đầu tư nước ngoài, theo đó thu hút được dòng vốn lớn và dài hạn từ thế giới sẽ tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho TTCK Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước mới đây đã ban hành Thông tư 22/2019 quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng tại Việt Nam. Liệu nền tảng pháp lý mới có thể khiến các công ty chứng khoán trở nên khó khăn trong việc xoay nguồn vốn cho hoạt động margin?

Theo Thông tư mới được ban hành, một số ngân hàng có thể sẽ rà soát thay đổi chính sách, khẩu vị rủi ro về cho vay theo hướng hạn chế tài trợ các khoản vay có hệ số rủi ro cao để tăng tỷ lệ an toàn vốn như đối với công ty chứng khoán.

Tuy nhiên, các ngân hàng chỉ bị hạn chế không cho công ty chứng khoán vay kinh doanh trái phiếu chưa niêm yết và kinh doanh cổ phiếu của tổ chức tín dụng, còn các mục đích cho vay phục vụ hoạt động kinh doanh khác ngoài hai mục đích trên được hiểu là vẫn diễn ra bình thường.

MBS cũng như nhiều công ty chứng khoán hiểu rằng, cho vay margin là hoạt động đặc thù của công ty chứng khoán, phân biệt với hoạt động đầu tư tự doanh cổ phiếu/trái phiếu.

Thực tế, MBS không hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn vốn vay tổ chức tín dụng, mà chủ yếu vẫn dựa vào vốn chủ sở hữu và hình thức huy động khác như phát hành trái phiếu.

Do đó, MBS luôn có kế hoạch chủ động về vốn để tăng trưởng dư nợ margin.

MBS đã được Ðại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ lên 1.743 tỷ và sẽ thực hiện tăng vốn trong thời gian ngắn tới.

Ðây là cơ sở khẳng định MBS đã chuẩn bị nền tảng để phát triển ổn định, bền vững hơn trên TTCK. MBS luôn hướng tới đáp ứng tất cả các sản phẩm dịch vụ và luôn tiên phong trong cung cấp sản phẩm mới tới quý khách hàng, nhà đầu tư.

Năm 2019, MBS ghi tên mình là công ty chứng khoán số 1 về phát triển sản phẩm CW, sản phẩm trái phiếu và có rất nhiều nỗ lực kết nối, thúc đẩy các hoạt động kinh doanh. Liệu MBS có về đích các kế hoạch năm như đã định?

Trong những năm gần đây, MBS có nhiều bước chuyển tích cực mạnh mẽ, khẳng định là một công ty chứng khoán hàng đầu trong các lĩnh vực môi giới, IB và tư vấn đầu tư.

Trong năm 2019, Công ty đã đầu tư mạnh mẽ trong việc phát triển các sản phẩm mới là CW và trái phiếu, qua đó tạo ra thêm nhiều công cụ đầu tư hiệu quả cho các nhà đầu tư.

Trong mảng môi giới phát hành trái phiếu doanh nghiệp, MBS là 1 trong 3 công ty chứng khoán đứng đầu, mảng CW cũng ghi nhận nhiều thành tích khả quan khi nhiều đợt phát hành đều được các nhà đầu tư mua hết.

Năm 2019, MBS đặt mục tiêu đạt 1.171 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng hơn 11% so với thực hiện năm trước.

Cùng với đó, MBS đề ra chỉ tiêu lãi trước thuế khá tham vọng khi tăng tới hơn 77% so với thực hiện năm 2018, lên mức 360 tỷ đồng. Hiện tại, toàn Công ty đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch năm 2019 và tôi lạc quan về triển vọng đạt kế hoạch năm 2019 của MBS.

Ông tâm đắc nhất điểm mới nào trong Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội thông qua?

Một số điểm nổi bật theo đánh giá của tôi như sau: Thứ nhất về vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Luật Chứng khoán sửa đổi đã bổ sung thẩm quyền của cơ quan này.

Ðiều đó sẽ tăng cường bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, nhất là quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến tài sản của tất cả các cá nhân tham gia TTCK.

Luật Chứng khoán mới đã quy định theo hướng chỉ có 1 Sở Giao dịch chứng khoán duy nhất, là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán; bảo đảm tính thống nhất, giảm bớt đầu mối quản trị, điều hành và minh bạch, rõ ràng trong áp dụng quy định của pháp luật.

Thứ hai, Luật nâng cao chất lượng hàng hóa niêm yết, bảo đảm quy mô, tính đại chúng của công ty, tính khả thi trong thực hiện, sửa đổi điều kiện về cơ cấu cổ đông.

Theo đó, công ty đại chúng phải có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ cho phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế; đồng thời, nâng điều kiện về vốn điều lệ đã góp tối thiểu từ 30 tỷ đồng trở lên.

Thứ ba, Luật Chứng khoán mới đưa ra quy định rõ ràng, thống nhất với Luật Doanh nghiệp về phạm vi điều chỉnh hoạt động chào bán chứng khoán.

Theo đó, điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng được sửa đổi, bổ sung, chuẩn hóa theo hướng chặt chẽ hơn, phù hợp với thông lệ quốc tế, nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Tin bài liên quan