Thị trường bán lẻ Việt Nam sắp có thêm mô hình siêu thị chuẩn Nhật Bản

Thị trường bán lẻ Việt Nam sắp có thêm mô hình siêu thị chuẩn Nhật Bản

(ĐTCK) Thương hiệu FujiMart cùng triết lý và phong cách kinh doanh nổi tiếng tận tụy của Nhật Bản sẽ tạo ra những sắc màu mới trên thị trường bán lẻ Việt Nam. Được phát triển bởi Tập đoàn Sumitomo (Nhật Bản) và Tập đoàn BRG, chuỗi siêu thị này hứa hẹn đem đến người tiêu dùng một trải nghiệm mua sắm tiện lợi và đầy thú vị.

Phong cách mới

Mô hình chuỗi siêu thị của Sumitomo với quy mô hàng trăm cửa hàng nổi tiếng ở triết lý kinh doanh và dịch vụ vì cộng đồng được thực hiện nghiêm ngặt và xuyên suốt trong suốt 65 năm hoạt động, đến năm 2017 mô hình kinh doanh này đã đạt xấp xỉ 300 tỷ yen.

Liên tục được cải tiến, làm mới nhưng vẫn dựa trên sợi chỉ đỏ “Phục vụ chân thành”, lần cải tiến gần nhất của hệ thống  được người tiêu dùng đánh giá cao khi tập trung vào việc tạo ra độ phong phú tối đa về các mặt hàng tươi sống, thực phẩm, đồ ăn được sơ chế sẵn với độ tươi ngon gần như không hệ thống cửa hàng nào ở Nhật Bản theo kịp.

Không chỉ vô định về độ phong phú của hàng hóa theo mùa, hệ thống siêu thị này còn gây ấn tượng với khách hàng khi bộ quy tắc hoạt động của họ được tuân thủ chính xác đến từng ly trong việc lựa chọn hàng hóa, bày biện, bảo quản và phục vụ…

Dù cuộc sống có biến đổi ra sao, phần lớn người tiêu dùng vẫn thích mua sắm với những trải nghiệm thích thú khi được nhìn thấy và chạm tay, thậm chí nếm thử đồ, hòa mình vào không khí náo nhiệt ở các điểm mua sắm…

Bởi vậy, nếu tạo ra một làn gió mới về hàng hóa, chất lượng và dịch vụ, các mô hình bán lẻ mới vẫn có thể chen chân vào thị trường tưởng như đã vô cùng chật chội này. Cửa hàng xăng dầu Denmitsu Q8 của Nhật Bản, với hình ảnh vị giám đốc cầm ô gập người cúi chào khách hàng, đã tạo ấn tượng mạnh với người tiêu dùng Việt Nam đã cho thấy khát khao được phục vụ đúng với tinh thần “thượng đế” lớn đến mức nào.

Khác với các tập đoàn bán lẻ đa quốc gia vào Việt Nam theo hình thức 100% vốn đầu tư nước ngoài, Sumitomo chọn cách đi mới. Đó là liên doanh với BRG, một tập đoàn lớn trong nước, có thế mạnh về sự am hiểu thị trường nội địa cũng như mạng lưới các nhà sản xuất lớn tại Việt Nam.

Nhắc lại một chút về mối hợp tác kinh doanh giữa Tập đoàn BRG và Sumitomo, ngay từ khi ký kết hợp tác kinh doanh năm 2016, ngoài việc phát triển Thành phố Thông minh là điểm nhấn cho sự hợp tác giữa 2 tập đoàn thì ngành nông nghiệp công nghệ cao, kinh doanh bán lẻ và các lĩnh vực khác để tối ưu hóa sức mạnh của hai bên trên thị trường Việt Nam cũng đã được BRG và Sumitomo cam kết hợp tác.

Trong hệ sinh thái của BRG, mảng xuất xuất và thương mại đang có tỷ trọng đáng kể, có thể kể đến các doanh nghiệp thành viên như Tổng Công ty Xuất nhập khẩu Hà Nội (Hapro) với thế mạnh về nguồn nguyên liệu nông sản và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ cùng các đầu mối xuất nhập khẩu uy tín và rộng khắp trên thế giới.  Intimex chuyên về bán lẻ, với vùng nguyên liệu nông sản được liên tục đầu tư mở rộng.

Đại diện BRG chia sẻ, qua thương hiệu FujiMart, những triết lý kinh doanh phục vụ tối đa khách hàng cũng như phong cách quản lý chuỗi siêu thị sẽ được tuân thủ nghiêm ngặt tại thị trường Việt Nam, đặc biệt là tính cẩn trọng tuyệt đối của Sumitomo về độ an toàn và tươi ngon của thực phẩm.

Với hiểu biết và mối quan hệ rộng khắp của mình với các nhà sản xuất Việt Nam, BRG sẽ là cầu nối để đưa hàng Việt chất lượng đảm bảo có mặt trong hệ thống cửa hàng này. Không đặt trọng tâm trở thành những tụ điểm mua sắm đình đám như các đại siêu thị, FujiMart mong muốn phục vụ tốt và có được các khách hàng trung thành ở các khu dân cư nơi cửa hàng có mặt.

Triển vọng rộng mở

Nhìn nhận về những cái bắt tay giữa các tập đoàn lớn của nước ngoài với các tập đoàn trong nước, ông Nguyễn Công Ái, Phó tổng giám đốc KPMG Việt Nam nhận xét, sự lớn mạnh của các tập đoàn trong nước như BRG là lý do thu hút được sự hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài khi họ muốn mở rộng hoạt động tại Việt Nam.

Không chỉ có tầm vóc về tài chính, không chỉ về doanh thu và lợi nhuận, mà các đối tác địa phương còn lớn mạnh ở khía cạnh hiểu biết về kinh doanh quốc tế, hiểu biết về thông lệ quốc tế và biết cách hợp tác hiệu quả với các nhà đầu tư nước ngoài. Đây là yếu tố còn quan trọng hơn cả sức mạnh tài chính bởi khi các tập đoàn Việt Nam đóng góp hiểu biết của mình vào các liên doanh, khả năng thành công chắc chắn sẽ gia tăng.

Theo Savills, năm 2017, doanh số bán lẻ của Việt Nam đạt 129 tỷ USD, tăng mạnh 11% so với cùng kỳ năm ngoái, mức rất cao so với khu vực ASEAN. Từ đó có thể thấy tiềm năng của thị trường bán lẻ Việt Nam là rất lớn. Trong giai đoạn 2018-2021, thị trường bán lẻ được dự đoán sẽ tăng trưởng ổn định nhờ nhu cầu giải trí tăng (10%/năm), cửa hàng tạp hóa hiện đại (9%/năm) và hàng may mặc (6%/năm).

Cuộc chơi trên thị trường bán lẻ vẫn tiếp tục tăng nhiệt với một loạt động thái mua bán – sáp nhập, mở rộng hệ thống, bên cạnh đó là hàng loạt các khoản đầu tư mới và lớn đến từ nước ngoài với tham vọng mở rộng thị phần một cách nhanh nhất tận dụng quãng thời gian thị trường có tốc độ phát triển nhanh chóng.

Chính vì lẽ đó, những cách làm mới như việc hợp tác giữa BRG và Sumitomo để đem đến giá trị tốt hơn cho khách hàng sẽ khiến thị trường bán lẻ Việt Nam ngày càng sôi động, và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.