VPBank sở hữu mạng lưới chi nhánh lớn nhất, với hơn 11.000 điểm giao dịch trên khắp 64 tỉnh, thành phố.

VPBank sở hữu mạng lưới chi nhánh lớn nhất, với hơn 11.000 điểm giao dịch trên khắp 64 tỉnh, thành phố.

“Thị giá cổ phiếu chưa phản ánh đúng giá trị và tiềm năng phát triển của VPBank”

(ĐTCK) Đó là quan điểm của bà Lưu Thị Thảo, Phó tổng giám đốc thường trực kiêm Giám đốc Khối Tài chính Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank (mã VPB, sàn HOSE). Cũng theo bà Thảo, sự biến động của thị giá cổ phiếu VPBank trong những tháng qua một phần do Ngân hàng thực hiện trả cổ tức và chia thưởng bằng cổ phiếu với tỷ lệ 61,82% vào tháng 6 vừa qua. Ngoài ra, giá cổ phiếu cũng chịu tác động từ xu hướng đi xuống của thị trường chung.

Đổi mới và tăng trưởng được chọn làm chủ đề chính trong Báo cáo thường niên của Ngân hàng VPBank năm 2017. Thông qua báo cáo thường niên này, cổ đông, nhà đầu tư được tiếp nhận thông điệp của Ngân hàng là sẽ duy trì đà tăng trưởng hiện tại và tìm ra động lực tăng trưởng mới cho giai đoạn 2018 - 2020. Xin bà chia sẻ cụ thể hơn về những yếu tố đang và sẽ là động lực tăng trưởng sắp tới tại Ngân hàng?

Năm 2017 là năm kết thúc kế hoạch 5 năm 2012 - 2017 của VPBank, với nhiều thành tựu lớn. VPBank đã trở thành một trong những ngân hàng thương mại cổ phần lớn nhất cả nước.

Xét về lợi nhuận, VPBank là ngân hàng đứng thứ 4 toàn thị trường. Động lực dẫn đến những thành tựu đó đến từ hoạt động tái cấu trúc và thành công trong hoạt động bán lẻ, tín dụng tiêu dùng.

Tuy nhiên, nền kinh tế đang trên đà phục hồi, và các ngân hàng khác cũng đang đẩy mạnh tăng trưởng, tạo ra áp lực cạnh tranh.

Sự phát triển của các công ty FinTech trong lĩnh vực thanh toán trực tuyến, cho vay ngang hàng cũng mang đến những thách thức không nhỏ cho Ngân hàng, đặc biệt trong phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tất cả những yếu tố đó đòi hỏi VPBank phải liên tục vận động, chuyển đổi và tìm kiếm động lực tăng trưởng mới nhằm bắt kịp với sự thay đổi của thị trường.

Chúng tôi đã xây dựng chiến lược 5 năm 2018 - 2022 với mục tiêu nâng cao chất lượng tăng trưởng, đảm bảo cho VPBank tiếp tục dẫn đầu về tăng trưởng và hiệu quả trên các phân khúc thị trường chủ đạo.

Động cơ tăng trưởng mới sẽ là tạo ra một hệ sinh thái giữa dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tiện ích khác và khai thác mạnh hơn vào nhóm khách hàng chưa được tiếp cận nhiều với các dịch vụ tài chính ngân hàng.

Đặc biệt, chúng tôi sẽ phát triển chiến lược ngân hàng số một cách mạnh mẽ nhất. Chúng tôi đặt mục tiêu đến năm 2022, VPBank sẽ trở thành ngân hàng thân thiện nhất với khách hàng nhờ ứng dụng công nghệ và lọt vào Top 3 ngân hàng giá trị nhất Việt Nam. 

Báo cáo thường niên 2017 của VPBank là một trong 30 báo cáo có số điểm cao nhất trong khối công ty niêm yết có vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam, nhưng chưa lọt vào Top 10 được vinh danh. Bà đánh giá như thế nào về áp lực khi phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin của một công ty niêm yết? Sau hơn 1 năm VPBank lên sàn, bà cảm nhận như thế nào về những áp lực và giá trị mà thị trường chứng khoán mang lại cho Ngân hàng?

Một trong những mục tiêu khi niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán của VPBank là nâng cao tính minh bạch thông tin của doanh nghiệp. Vì vậy, chúng tôi không cảm thấy áp lực về việc công bố thông tin. Trước khi niêm yết trên sàn chứng khoán, công bố thông tin đã là một nghĩa vụ mà VPBank buộc phải tuân thủ, vì chúng tôi là một công ty đại chúng.

Sau khi niêm yết, chúng tôi sẽ phải công bố thông tin nhiều hơn và chi tiết hơn. Với VPBank, công bố thông tin cũng chính là cách ngân hàng thể hiện tính minh bạch với các cổ đông và chúng tôi không coi đó là một áp lực.

Có thể thấy rằng, chỉ sau 10 tháng niêm yết, VPBank đã được chọn vào danh sách VN30, nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn và tính thanh khoản cao. Điều đó nói lên rằng các nhà đầu tư rất quan tâm tới cổ phiếu của VPBank và đánh giá cao tính minh bạch của Ngân hàng. 

Cổ phiếu VPBank đã được nhà đầu tư đón nhận rất tốt vào thời điểm mới lên sàn, với mức giá cao nhất lên tới gần 50.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, cổ phiếu VPBank hiện chỉ giao dịch quanh 23.000 - 25.000 đồng/cổ phiếu. Ngoài yếu tố điều chỉnh giá do Ngân hàng thực hiện trả cổ tức, theo bà, mức giá hiện tại của VPB đã phản ánh đúng giá trị và tiềm năng phát triển của Ngân hàng? Nếu thị trường chứng khoán tiếp tục diễn biến không tích cực, Ngân hàng sẽ làm gì để giúp các cổ đông bảo vệ giá trị danh mục đầu tư của mình?

Sự biến động về giá của VPBank trong những tháng qua một phần do Ngân hàng thực hiện trả cổ tức và chia thưởng bằng cổ phiếu với tỷ lệ 61,82% vào tháng 6 vừa qua. Ngoài ra, giá cổ phiếu cũng chịu tác động chung của xu hướng đi xuống của thị trường trong năm nay.

Chúng tôi tin rằng giá cổ phiếu hiện tại chưa phản ánh đúng với giá trị và tiềm năng phát triển của ngân hàng. Chúng tôi cũng nhận thức rõ rằng, để bảo vệ các nhà đầu tư tốt nhất là tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh của Ngân hàng. Đảm bảo làm sao từng đồng vốn đầu tư của các cổ đông sẽ được sử dụng một cách hiệu quả nhất, mang lại lợi nhuận cao nhất.

Hiện tại, các chỉ số về hiệu quả sử dụng vốn của Ngân hàng vẫn cho thấy VPBank đang là một trong những ngân hàng hoạt động hiệu quả nhất trên thị trường. Trong 9 tháng đầu năm 2018, chỉ số ROE (lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu) của VPBank là 22% và chỉ số ROA (lợi nhuận trên tổng tài sản) là 2,3%.

VPBank cũng đã được tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s nâng hạng đánh giá tín dụng cơ sở BCA từ B3 lên B2và nâng xếp hạng tiền gửi nội tệ dài hạn và nhà phát hành từ B2 lên B1 trong năm nay.

Bên cạnh đó, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) cũng bình chọn VPBank là một trong ba doanh nghiệp Việt Nam điển hình về quản trị doanh nghiệp tốt. Đây chính là nền tảng vững chắc minh chứng cho hiệu quả hoạt động của Ngân hàng và lợi ích cho các cổ đông. 

Lợi nhuận của VPBank có một phần đóng góp không nhỏ từ Công ty tài chính FE Credit. Trong bối cảnh nhiều ngân hàng khác đang tập trung vào phân khúc này, VPBank có cách gì để giữ vững thị phần số 1 và hiệu quả cao trong mảng dịch vụ tài chính cá nhân này, thưa bà?

Với thị trường gần 100 triệu dân và một phần không nhỏ trong đó chưa từng sử dụng hoặc khó tiếp cận với dịch vụ ngân hàng, dư địa tăng trưởng cho hoạt động kinh doanh tài chính tiêu dùng vẫn còn rất lớn.

Đứng trước cơ hội đó, nhiều ngân hàng đã bắt đầu tập trung vào phân khúc này. Tuy nhiên, FE Credit có lợi thế là công ty đi trước. Sau 8 năm hoạt động trên thị trường, FE Credit đang chiếm tới hơn 50% thị phần thị trường tài chính tiêu dùng.

Chúng tôi sở hữu mạng lưới chi nhánh lớn nhất với hơn 11.000 điểm giao dịch trên khắp 64 tỉnh, thành phố. FE Credit cũng là công ty có dữ liệu khách hàng lớn nhất với hơn 10 triệu khách hàng, trong đó số khách hàng hiện hữu chiếm tới 4 triệu người.

Nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi hài lòng với những thành quả mình có được ở phân khúc tài chính tiêu dùng.

Càng có nhiều công ty tài chính tham gia vào thị trường, áp lực cạnh tranh càng tăng thì càng tạo động lực cho FE Credit liên tục cải tiến dịch vụ, sản phẩm để duy trì vị thế của mình. Ngay thời điểm này, FE Credit đang triển khai một nền tảng cho vay hoàn toàn thông qua kỹ thuật số, cho phép khách hàng có thể tự lựa chọn sản phẩm phù hợp và nhận được phê duyệt khoản vay trong vòng 15 phút.

Công nghệ này được kỳ vọng sẽ  giữ vững được vị thế cạnh tranh của FE Credit so với các đối thủ về thời gian xử lý khoản vay cho khách hàng.

Tin bài liên quan