Tân Hiệp Phát, viết tiếp khát vọng vươn ra toàn cầu

Tân Hiệp Phát, viết tiếp khát vọng vươn ra toàn cầu

(ĐTCK) Sản phẩm Tân Hiệp Phát đã có mặt tại gần 20 quốc gia trên thế giới, nhưng doanh nhân Trần Uyên Phương vẫn không ngừng nỗ lực đi tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường mới để tăng doanh số xuất khẩu và nâng tầm Tân Hiệp Phát thành công ty toàn cầu. Trải lòng với Đầu tư Chứng khoán Xuân Mậu Tuất, Uyên Phương chia sẻ câu chuyện về "chìa khóa" để vượt qua thách thức, mở cánh cửa thị trường mới.

Sản phẩm Tân Hiệp Phát đã có mặt tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng dường như năm 2017, bà vẫn dành rất nhiều thời gian và nỗ lực đi tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường. Xin bà chia sẻ, vì sao Tập đoàn quyết tâm đưa sản phẩm của mình lan tỏa đến nhiều quốc gia?

Ngay từ khi thành lập, chúng tôi đã xác định sứ mệnh của Tân Hiệp Phát là được đóng góp cho sự phồn vinh của Việt Nam bằng cách tạo nên thương hiệu nước giải khát hàng đầu của quốc gia. Mục tiêu của chúng tôi là trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực thực phẩm và thức uống ở thị trường châu Á, song song với việc phục vụ người tiêu dùng toàn cầu.

Đây cũng là khát vọng của người sáng lập Tập đoàn, cha tôi, ông Trần Quí Thanh muốn đưa ngành nước giải khát Việt Nam vươn ra thế giới. Ông mong muốn  thương hiệu nước giải khát của Việt Nam có vị trị xứng đáng trên thương trường quốc tế.

 Bà Trần Uyên Phương

Hiện tại, các sản phẩm Tân Hiệp Phát đã khẳng định vị thế hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất nước giải khát tại Việt Nam và có sản phẩm xuất khẩu tới gần 20 nước trên thế giới, nhưng đây mới chỉ là bắt đầu. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa thương hiệu Việt đến với nhiều bạn bè quốc tế hơn.

Cách nào để mang chai nước từ Việt Nam sản xuất sang bán tại các thị trường nước ngoài, thưa bà?

Tân Hiệp Phát quyết tâm xây dựng dây chuyền sản xuất tốt nhất trên thế giới. Hiện Tập đoàn là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam sở hữu 10 dây chuyền công nghệ Aseptic của châu Âu. Đây là dây chuyền công nghệ sản xuất vô trùng tối tân nhất hiện nay, vận hành trên nguyên tắc tự động và khép kín từ khâu trích ly nguyên liệu, thổi chai đến chiết rót, đóng nắp, dán nhãn đến đóng thùng.

Quá trình trích ly được thực hiện trong điều kiện kiểm soát nghiêm ngặt về nhiệt độ, thời gian để giữ được toàn bộ các dưỡng chất có lợi cho sức khỏe, đồng thời lọc được tất cả các tạp chất để cho ra sản phẩm an toàn tuyệt đối về vi sinh theo tiêu chuẩn quốc tế, đảm bảo sức khỏe của người tiêu dùng.

Với công nghệ hiện đại, chúng tôi tự tin tiếp tục hướng tới các thị trường rất khó tính, nơi có những yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt nhất về chất lượng sản phẩm như Mỹ, Canada, các nước phát triển vùng Trung Đông.

Bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế khiến nhiều doanh nghiệp, doanh nhân mang khát vọng vươn ra biển lớn, vươn ra toàn cầu. Từ thực tế trải nghiệm của Tân Hiệp Phát, xin bà chia sẻ việc mang một sản phẩm Việt Nam sang bán ở thị trường nước ngoài có khó không?

Hội nhập là cơ hội để các doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ trên khu vực thị trường rộng, bên ngoài lãnh thổ mỗi quốc gia. Không phải chỉ sản phẩm Việt Nam mà việc mang bán bất kỳ một sản phẩm nào tại thị trường nước ngoài đều có thể gặp khó khăn nếu không làm một cách kỹ lưỡng và nghiêm túc.

Đơn cử như thời gian qua, ngay cả những thương hiệu quốc tế có tên tuổi như  Gloria Jean’s Coffees, NYDC (New York Dessert Café) và Illy cũng đã rời khỏi thị trường Việt Nam sau 10 năm hoạt động. Hay như Caffé Bene đến từ Hàn Quốc dự định mở khoảng 300 cửa hàng cafe tại Việt Nam, nhưng nay đã phải hạ xuống con số 100.

 Đoàn sinh viên quốc tế đến thăm Nhà máy Tân Hiệp Phát

Lẽ dĩ nhiên, việc mang các sản phẩm Việt còn non trẻ cạnh tranh với các thương hiệu đa quốc đã có bề dày hàng trăm năm ở thị trường nước ngoài là rất khó khăn. Để đảm bảo thành công, các doanh nghiệp cần có đủ nội lực để cung cấp các sản phẩm đạt chất lượng tiêu chuẩn và  đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng.

Những thách thức nào sẽ phải trải qua nếu muốn có được “chìa khóa” mở cánh cửa vào thị trường mới?

Theo kinh nghiệm của Tân Hiệp Phát khi  tham gia cạnh tranh trên các khu vực thị trường thì việc tìm hiểu thị trường cùng những nhu cầu thực tế của người tiêu dùng, từ đó có những chính sách phát triển lâu dài và phù hợp là chìa khóa quan trọng để mở cánh cửa thị trường mới.

Thách thức lớn nhất cần phải vượt qua là các rào cản về văn hóa, sở thích, thị hiếu, kế đến là vốn, kinh nghiệm kỹ năng marketing và xây dựng thương hiệu. Đó là chưa kể đến khó khăn khi phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh, ý định thâu tóm dần dần theo kiểu cá lớn nuốt cá bé, tiến tới xoá sổ các thương hiệu non trẻ trên thị trường để chiếm thế độc tôn.

Tại Việt Nam, với 200.000 điểm bán hàng, sản phẩm phủ hơn 90% thi trường 63 tỉnh thành, Tân Hiệp Phát đã xác lập được thị phần ngang ngửa Pepsi, vượt qua cả Coca-Cola. Trên con đường tương lai, nếu chọn đối tác chiến lược, Tân Hiệp Phát coi trọng tiêu chuẩn gì, thưa bà?

Để thực hiện khát vọng của mình, nhiều năm qua, chúng tôi đã và đang  tìm kiếm đối tác có đủ tiềm lực, tâm huyết để hỗ trợ chúng tôi hiện thực hóa khát vọng đưa thương hiệu Việt vươn tầm châu Á. Và nó cũng là yếu tố quan trọng nhất để chúng tôi quyết định lựa chọn và hợp tác với những đối tác phù hợp trên con đường tương lai.

Ở vị trí lãnh sự danh dự của Sudan tại Việt Nam, việc này giúp bà như thế nào trong việc phát triển các mối quan hệ quốc tế và mở rộng không gian phát triển của Tập đoàn Tân Hiệp Phát?

Đảm nhận vị trí lãnh sự, tôi có cơ hội tiếp xúc, tìm hiểu học hỏi nhiều về văn hóa  cũng như  môi trường kinh doanh quốc tế. Những kiến thức đó đặc biệt quan trọng và hữu ích đối với mục tiêu phát triển vươn tầm châu Á mà Tân Hiệp Phát đang nỗ lực thực hiện.

Là lãnh sự Sudan, tôi nhận thấy một trong những sự tương đồng giữa Việt Nam và Sudan là sự kết nối văn hóa và kinh tế. Tôi cũng hiểu thêm về ngoại thương Việt Nam cũng như Sudan và nhận thấy Sudan đang thiếu rất nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến.

Đây cũng là cơ hội doanh nghiệp các nước trong khu vực châu Phi và châu Á đang tìm kiếm thị trường... Sudan cũng được cho là cửa ngõ kết nối với thị trường với châu Phi để bán sản phẩm của mình với nhiều quốc gia khác. Đây cũng là một cơ hội cho Tân Hiệp Phát trong thực thi khát vọng vươn tầm.

Lịch sử 23 năm của Tân Hiệp Phát là bước nháp cho mục tiêu lớn hơn

Ông Trần Quí Thanh, Nhà sáng lập Tập đoàn Tân Hiệp Phát

“Lịch sử phát triển hơn 23 năm qua của Tân Hiệp Phát là bước nháp để bắt đầu cho mục tiêu lớn hơn: Đưa thương hiệu Việt vươn tầm châu Á, tiến tới tăng tỷ lệ xuất khẩu lên 10% và đạt doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2023; 3 tỷ USD vào năm 2027.

Tân Hiệp Phát hiện có ngân hàng sản phẩm với số lượng lên đến hàng trăm thức uống giải khát có lợi cho sức khỏe khác nhau, chỉ chờ thời điểm phù hợp để đưa ra thị trường.

Sản phẩm của Tân Hiệp Phát đã xuất khẩu sản phẩm tới gần 20 quốc gia từ nhiều năm qua, trong đó có những thị trường đặc biệt khó tính như Canada, Hà Lan, Úc, Hàn Quốc, Singapore…  và tôi mong thế hệ lãnh đạo thứ hai sẽ tiếp nối khát vọng vươn tầm châu lục. 

Tâm tình với doanh nhân Trần Uyên Phương

Trong công việc, phương châm hành động của Phương là gì?

Tân Hiệp Phát, viết tiếp khát vọng vươn ra toàn cầu ảnh 3
Là đam mê và giữ trọn chữ Tín. Tôi học được sự đam mê trong công việc của ba và má tôi. Ba tôi thường khuyên bảo tôi: “Làm bất cứ việc gì mà không có niềm đam mê, ý chí và quyết tâm làm đến cùng, chắc chắn công việc ấy chẳng đến đầu đến đũa. Hơn thế, trung thực, giữ trọn chữ TÍN - một chữ tín viết hoa là tiêu chuẩn hàng đầu của một doanh nhân
chân chính”. 

Phẩm chất kinh doanh nào trong con người Dr. Thanh - ông Trần Quí Thanh - mà Phương ngưỡng mộ và học tập?

Tôi rất ngưỡng mộ ba khi cảm nhận được ông đã rất  khát khao xây dựng thương hiệu cho các loại đồ uống “Made in Việt Nam” - người Việt phải sản xuất hàng Việt chất lượng, uy tín, không thua kém người nước ngoài, thậm chí hơn cả người nước ngoài sản xuất.

Tinh thần “yêu Tổ quốc Việt” trong ba tôi đã thành máu thịt. Trong con người Dr. Thanh “Không gì là không thể”; “Không cho phép dừng bước, phải tiến lên không ngừng”; “Ngày hôm nay phải hơn ngày hôm qua và không bằng ngày mai” … Tôi đã học được ở ba tôi tư chất kinh doanh này, coi đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt sự nghiệp, cuộc đời của mình.

Tên gọi Tân Hiệp Phát được bắt đầu từ đâu?

Ông nội tôi là Trần Văn Bưởi, rất giỏi buôn bán, thạo nghề cơ khí, đã tạo dựng lên vựa bán các loại vật liệu xây dựng gọi là Vựa Hiệp Phát, khách hàng nườm nượp, ghe tàu ăn hàng ngược xuối kênh rạch. Mọi người trong xóm Cầu Bông hồi đó thường gọi nội tôi là ông Tám Hiệp Phát.

Sau này, ba tôi lập nên sản nghiệp đồ uống, thành lập Tân Hiệp Phát, ba lấy tên Tân Hiệp Phát và có chữ Tân cũng với ý nghĩa hợp tác và cùng nhau phát triển. Đó cũng chính là nền tảng văn hóa của Tân Hiệp Phát.

Năm 2017, “Ngày hội kết nối giao thương” của Tân Hiệp Phát năm 2017 đã kết nối 2.000 đối tác tham dự. Tại sao Tập đoàn lại muốn kết nối các đối tác trên diện rộng như vậy?

Trong gần một phần tư thế kỷ qua, Tân Hiệp Phát đã kết nối các doanh nghiệp Việt để cùng phát triển. Thông điệp của Tân Hiệp Phát muốn đưa ra là các doanh nghiệp Việt hãy cùng ngồi lại với nhau, bắt tay nhau, liên kết với nhau để cùng nhau đem sản phẩm Việt Nam ra nước ngoài.

Lợi thế cạnh tranh sẽ là cả một chuỗi chứ không phụ thuộc vào một tính năng sản phẩm hay dịch vụ nào đó vượt trội. Đó chính là lý do để chúng tôi tổ chức ngày hội kết nối giao thương năm 2017 và sẽ tiếp tục được thực hiện trong tương lai.

Vì sao Tân Hiệp Phát lại muốn các đối tác công nghiệp phụ trợ là doanh nghiệp Việt?

Hợp tác với doanh nghiệp nội địa, chúng tôi sẽ được phục vụ nhanh hơn và công tác hậu mãi sẽ tốt hơn. Quan trọng hơn, khi chúng tôi mong muốn có một đội ngũ cùng tìm kiếm giải pháp cho dịch vụ, sản phẩm thì việc ngồi lại với nhau giữa doanh nghiệp nội địa sẽ nhanh và dễ dàng hơn là với đối tác nước ngoài.

Khi đó, các chủ doanh nghiệp sẽ cùng nhau tìm ra giải pháp chứ không chỉ là những người đại diện, văn phòng đại diện như của đối tác nước ngoài. Đây chính là lợi thế và nếu đồng hành, các đối tác sẽ cùng phát triển và Tân Hiệp Phát cũng ngày càng lớn mạnh.

Chuyện riêng của Phương thì sao? “Cô gái tỷ đô” có đang chờ một “chàng trai tỷ đô” không?

Tôi thích cuộc sống bình dị, đời thường. Tôi mong có được một người bạn đời giống ba tôi, những người có thể chia sẻ với mình về tầm nhìn, về con đường mình đi phía trước. Người đó cũng không hẳn phải là doanh nhân. Hiểu nhau, chia sẻ cùng nhau trong công việc, yêu thương nhau thì dù là doanh nhân, hoặc không doanh nhân cũng không còn là vấn đề nữa.

Tin bài liên quan