Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước: Điểm sáng VNPT

Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước: Điểm sáng VNPT

(ĐTCK) Câu chuyện của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông - “hình mẫu bùng nổ trong viễn thông”, như cách gọi của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ có thể xem là một điển hình thành công của tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước.

Cuộc “lột xác” mạnh mẽ

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin chủ lực của Việt Nam, được xếp trong Top 10 doanh nghiệp lớn nhất tại Việt Nam. Hơn 5 năm qua, Tập đoàn thực hiện cấu trúc lại hoạt động trên cơ sở triển khai Quyết định số 888/QĐ-TTg năm 2014 và Quyết định số 2129/QĐ-TTg ngày 29/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ.

VNPT đã tách Công ty MobiFone và Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông ra khỏi Tập đoàn; đồng thời kiện toàn bộ máy hoạt động của các đơn vị phụ thuộc như VinaPhone, VTI, VTN, VASC. Khối viễn thông tại 63 tỉnh, thành phố cũng được sắp xếp lại, khối kinh doanh được tách biệt riêng để tạo sức mạnh mới trên thị trường.

Trên cơ sở đó, VNPT đã thành lập 3 tổng công ty trực thuộc là Tổng công ty Dịch vụ Viễn thông (VNPT-Vinaphone), Tổng công ty Truyền thông (VNPT-Media) và Tổng công ty Hạ tầng mạng (VNPT-Net), tạo thành 3 lĩnh vực rõ ràng là hạ tầng, kinh doanh và dịch vụ.

Nguồn lực về kinh doanh với gần 15.000 nhân viên được tập trung về VNPT - Vinaphone (trước tái cấu trúc, Tập đoàn chỉ có 4.000 nhân viên kinh doanh).

Việc sắp xếp lại mô hình tổ chức sản xuất - kinh doanh trong Tập đoàn đã có tác động lớn tới người lao động, từ nhân viên tới lãnh đạo các cấp. Hàng vạn nhân viên phải chuyển đổi sang làm kinh doanh, hàng trăm cán bộ quản lý các cấp phải thay đổi vị trí công tác. Có nhiều cán bộ chuyển từ cấp trưởng xuống cấp phó.

Ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNPT nhớ lại, trong bối cảnh đó, Tập đoàn xác định, vai trò người đứng đầu đơn vị là nhân tố quyết định trong việc tổ chức thực hiện và hoàn thành các mục tiêu sản xuất - kinh doanh của đơn vị trong từng thời kỳ, trong năm kế hoạch.

Vì vậy, Hội đồng thành viên Tập đoàn đã ban hành quy chế quản trị nhân sự quản lý; trong đó, quy định về quy trình xây dựng, điều chỉnh quy hoạch nhân sự quản lý, quy trình bổ nhiệm, luân chuyển, điều động cán bộ của Tập đoàn.

Đồng thời, chỉ đạo Ban Tổng giám đốc Tập đoàn xây dựng quy định đánh giá xếp loại, định mức thù lao trưởng đại diện và định mức trợ cấp đối với nhân sự luân chuyển.

Theo đó, những đơn vị có kết quả sản xuất - kinh doanh thấp nhất trong Tập đoàn, lãnh đạo đơn vị sẽ phải nhường vị trí quản lý cho người khác. Với người lao động, Tập đoàn xây dựng cơ chế phân công và đo lường hiệu quả công việc với các chỉ tiêu cụ thể. Người lao động nào không hoàn thành các chỉ tiêu trong nhiều tháng sẽ bị điều chuyển sang vị trí khác.

“Với cách làm như vậy, trong 5 năm qua, có hàng trăm cán bộ lãnh đạo cấp Tập đoàn được điều động về các đơn vị, hàng chục cán bộ từ cấp trưởng xuống cấp phó, nhưng tất cả đều chấp thuận sự sắp xếp của tổ chức. Bởi lẽ, bản thân họ đã thấy rất rõ mình không đủ sức để hoàn thành nhiệm vụ tại vị trí cũ. Sự tiên phong của lãnh đạo trong các đơn vị đã có tác dụng lan tỏa rất lớn trong đội ngũ cán bộ và người lao động. Nhờ đó, khi thực hiện sắp xếp lại tổ chức, gần như không có phản ứng tiêu cực từ người lao động”, ông Hùng cho biết.

Sự nêu gương của người lãnh đạo, sự đồng thuận của người lao động chính là nền tảng vững chắc cho thành công cho Tập đoàn. Trong 5 năm liên tiếp, VNPT đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 20%, nộp ngân sách nhà nước luôn vượt kế hoạch được giao. Tái cấu trúc đã mang lại cho VNPT một diện mạo hoàn toàn mới, giúp Tập đoàn thay đổi cả về chất và lượng.

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ khi đến thăm và làm việc tại VNPT vào đầu năm 2019, “thực lực doanh nghiệp được đo bằng các chỉ số cơ bản như nộp ngân sách và thu nhập người lao động. Với thu nhập bình quân người lao động của VNPT đạt 28 triệu đồng/tháng, một mức khá cao, nếu nhân cho hơn 37.000 cán bộ, nhân viên, mới thấy được sự đóng góp to lớn của VNPT với xã hội”.

Phó Thủ tướng đã đánh giá VNPT như một “hình mẫu bùng nổ trong viễn thông” khi vừa tái cấu trúc vừa sản xuất - kinh doanh mà vẫn tăng trưởng lợi nhuận cao và ổn định, đảm bảo đời sống cho hàng chục ngàn lao động, có nhiều đóng góp trong xây dựng chính phủ điện tử, giáo dục thông minh, y tế thông minh, thành phố thông minh… và nhiều chương trình xã hội quan trọng khác.

Thực hiện Quyết định số 2129/QĐ-TTg ngày 29/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án cơ cấu lại Tập đoàn VNPT giai đoạn 2018 - 2020 là cơ hội tiếp theo để VNPT tiếp tục tạo ra những đột phá mới.

Chuyển mình trong nền kinh tế số 

Trải qua giai đoạn 1, VNPT đang bước vào giai đoạn 2 của công cuộc tái cơ cấu. Với chiến lược phát triển phù hợp xu thế toàn cầu hóa và sự phát triển không ngừng của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Tập đoàn đã và đang từng bước chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang nhà cung cấp dịch vụ số (DSP), trở thành tập đoàn kinh tế năng động.

Tầm nhìn của VNPT là trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2025; trở thành trung tâm số (Digital Hub) của châu Á vào năm 2030; là lựa chọn số 1 của khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin - viễn thông (ICT) trên thị trường.

Để thực hiện mục tiêu này, VNPT tiếp tục các giải pháp tái cấu trúc hoạt động theo hướng tinh gọn bộ máy tổ chức, giảm các khâu trung gian, tập trung phát triển nguồn lực, tối ưu hóa mạng lưới và nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh.

VNPT đã thành lập Công ty VNPT IT, chuyên về lĩnh vực công nghệ thông tin, có nhiệm vụ chính là phát triển các phần mềm ứng dụng chính phủ điện tử, đô thị thông minh, y tế, giáo dục. Các sản phẩm, giải pháp công nghệ thông tin của VNPT đã và đang góp phần đáng kể nâng cao đời sống xã hội.

Tính đến thời điểm này, VNPT đã xây dựng và làm chủ nhiều sản phẩm, dịch vụ cốt lõi ở nhóm khách hàng Chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp, duy trì thị phần dịch vụ trên toàn quốc trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chính phủ điện tử.

VNPT cũng tập trung phát triển Công ty VNPT Technology để xây dựng đơn vị này thành một trụ cột của Tập đoàn về sản xuất thiết bị, sản phẩm công nghiệp công nghệ thông tin. Đến nay, VNPT Technology thực sự trở thành một trụ cột trong sản xuất thiết bị của Tập đoàn, thậm chí còn xuất khẩu thiết bị sang một số nước trong khu vực.

“Với VNPT, tái cơ cấu không phải là khó khăn, thách thức, mà là cơ hội để tập trung trí lực cho công cuộc phát triển bền vững trong tương lai. Từ tái cơ cấu, từ thực tiễn công tác đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp tại Tập đoàn trong thời gian vừa qua, VNPT đã rút ra được những bài học quý báu, tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm thực tiễn để tiếp tục chủ động, sáng tạo trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đáp ứng tiến trình không ngừng đổi mới và phát triển bền vững của Tập đoàn, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay”, ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch Tập đoàn khẳng định.

Tin bài liên quan