Thành viên Hội đồng quản trị PVIRe nhiệm kỳ 2018 - 2023

Thành viên Hội đồng quản trị PVIRe nhiệm kỳ 2018 - 2023

Sức sống mới của doanh nghiệp tái bảo hiểm hàng đầu Việt Nam

(ĐTCK) Thị trường tái bảo hiểm Việt Nam đang chứng kiến cuộc đua “song mã” của 2 doanh nghiệp nội là Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam (Vinare) và Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm PVI (PVIRe).

Chứng tỏ sức bật

Theo số liệu từ Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), quy mô thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam năm 2017 đã tiệm cận mức 2 tỷ USD; doanh thu phí bảo hiểm gốc đạt 43.653 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2016. Trong đó, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm được các công ty bảo hiểm phi nhân thọ giữ lại chiếm 68%, đồng nghĩa với việc phần rủi ro các công ty này tự chịu; 32% còn lại, các công ty bảo hiểm nhượng lại cho các nhà tái bảo hiểm để san sẻ bớt rủi ro. Điều này hình thành nên một thị trường thứ cấp phía sau ít được công chúng Việt Nam chú ý, đó là thị trường tái bảo hiểm.

Trên thế giới, thị trường ngách đặc thù này đang là sân chơi của các tập đoàn tài chính lâu đời và có quy mô lên đến hàng trăm tỷ USD như Swiss Re, Munich Re… Trong đó, không thể không nhắc tới tập đoàn có doanh thu lớn thứ 2 nước Mỹ là Berkshire Hathaway của tỷ phú, huyền thoại đầu tư Warren Buffett.

Tại Việt Nam, quy mô thị trường tái bảo hiểm năm 2017 đạt 13.066 tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2016. Các nhà tái bảo hiểm nước ngoài nắm giữ 72%, phần còn lại thuộc về Vinare (thành lập năm 1994) và PVIRe (thành lập năm 2011).

Vinare niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội từ năm 2006, với mã chứng khoán VNR, nên dường như được nhiều người biết đến hơn. Tuy nhiên, do cơ cấu cổ đông khá cô đặc (cổ đông nhà nước SCIC, cổ đông nước ngoài Swiss Re và các tổ chức khác nắm giữ gần 96% cổ phần) nên tính thanh khoản của cổ phiếu VNR khá thấp.

Trong khi đó, non trẻ hơn về tuổi đời, nhỏ hơn về quy mô vốn, nhưng với thương hiệu và thế mạnh của công ty mẹ PVI, PVIRe đang chứng tỏ được sức bật rất tốt. Năm 2014, sau 3 năm thành lập, PVIRe đã đạt được quy mô doanh thu phí nhận tái bảo hiểm xấp xỉ với Vinare (hơn 1.600 tỷ đồng).

3 năm gần đây (2015 - 2017), PVIRe đã chủ động điều chỉnh chính sách khai thác, nhận tái bảo hiểm theo hướng hiệu quả, vì vậy quy mô phí nhận tái bảo hiểm đạt bình quân 1.300 tỷ đồng, nhưng hiệu quả hoạt động vẫn được đảm bảo. Cụ thể, tỷ lệ kết hợp của PVIRe luôn đạt từ 80 - 82%, là mức tốt nhất trên thị trường bảo hiểm Việt Nam và thấp hơn nhiều tỷ lệ kết hợp bình quân của ngành tái bảo hiểm thế giới là khoảng 95% (tỷ lệ kết hợp càng thấp thì hiệu quả hoạt động của công ty tái bảo hiểm càng cao)..

Xây nền móng, vững bước đi

Sau 7 năm hoạt động, PVIRe đã tạo dựng được một nền móng vững chắc để vững bước trên đường đua. Công ty có hệ thống quản trị hiện đại, theo mô hình mới của Luật Doanh nghiệp với 1 thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) độc lập. Đội ngũ quản lý và nhân viên PVIRe là những người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành bảo hiểm và tái bảo hiểm tại Việt Nam. Hệ thống công nghệ thông tin được cải tổ và đổi mới mạnh mẽ đang là chìa khóa giúp Công ty hoạt động hiệu quả trong một ngành mà sự thành bại dựa phần nhiều vào dữ liệu thống kê.

Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2018 của PVIRe họp ngày ngày 15/5/2018 vừa qua đã thông qua việc điều chỉnh mức trả cổ tức năm 2017 bằng tiền mặt lên 16% từ mức 14% trong kế hoạch đầu năm. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, PVIRe trả cổ tức trên 14%, mức cao nhất trong ngành bảo hiểm.

Với mục tiêu đẩy mạnh tăng trưởng nhận tái bảo hiểm trong nước và các thị trường tương đồng với Việt Nam như Lào, Campuchia, Myanma, nhưng vẫn tập trung khai thác hiệu quả, ĐHĐCĐ PVIRe đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2018 với chỉ tiêu doanh thu nhận tái bảo hiểm 1.210 tỷ đồng và cổ tức dự kiến cho năm 2018 là 14% bằng tiền mặt.

Đại hội cũng đã bầu Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới 2018 - 2023 với các gương mặt kỳ cựu trong giới bảo hiểm Việt Nam như ông Nguyễn Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng quản trị PVI, ông Phạm Khắc Dũng - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bảo hiểm nhân thọ PVI Sunlife (nay là Sunlife), ông Dương Thanh Danh Francois - Giám đốc khu vực châu Á - Úc của HDI Global…

Với tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) trong 3 năm qua đạt từ 14 - 16%/năm, Hội đồng quản trị PVIRe cam kết duy trì mức ROE không thấp hơn 14%/năm trong nhiệm kỳ mới.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh doanh, PVIRe đã đề ra kế hoạch tăng vốn, tìm kiếm cổ đông chiến lược, niêm yết trên sàn chứng khoán. Hội đồng quản trị Công ty kỳ vọng, kế hoạch này có thể giúp PVIRe nâng cao năng lực đối với thị trường trong nước, mở rộng nhận tái bảo hiểm từ thị trường nước ngoài, tận dụng tối đa sức mạnh từ hệ thống của PVI. Đây là những bước đi đầu tiên trong kế hoạch đưa PVIRe trở thành công ty tái bảo hiểm hàng đầu tại Việt Nam và có uy tín trong khu vực.

Tin bài liên quan