Sự trở lại ấn tượng của doanh nghiệp dẫn đầu ngành sợi

Sự trở lại ấn tượng của doanh nghiệp dẫn đầu ngành sợi

(ĐTCK) Sau giai đoạn liên tục mở rộng quy mô sản xuất, trở thành doanh nghiệp có công suất thiết kế đứng thứ hai trong ngành sợi, CTCP Sợi Thế kỷ (STK) tiếp tục có bước tiến đáng kể về “chất” khi nghiên cứu và thử nghiệm thành công nhiều sản phẩm mới có nhu cầu cao và biên lợi nhuận tốt hơn.

Hồi phục mạnh mẽ

Vượt qua khó khăn năm 2016, Sợi Thế Kỷ đã ghi nhận kết quả kinh doanh 2017 ấn tượng với doanh thu thuần 1.989 tỷ đồng, tăng mạnh 46,5% và lợi nhuận sau thuế 99,6 tỷ đồng, tăng đột biến 248,6%. Kết quả này là nhờ sự phục hồi của thị trường dệt may nói chung và ngành sợi nói riêng, cũng như nỗ lực phát triển thị trường mới và khách hàng mới của Công ty.

Cụ thể, năm 2017, Sợi Thế Kỷ phát triển thêm 85 khách hàng mới là các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…, cũng như đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường trong nước. Doanh số ở thị trường nội địa tăng 30%, thị trường Hàn Quốc tăng 91% và thị trường Nhật Bản và Thái Lan tăng 39%.

Trong năm 2017, Sợi Thế Kỷ cũng đặt những nền tảng quan trọng cho tăng trưởng dài hạn thông qua việc hợp tác với các đối tác để làm sợi màu và sợi tái chế - xu hướng được các thương hiệu lớn rất chú trọng và có chiều hướng gia tăng sử dụng các nguyên liệu không gây ảnh hưởng đến môi trường.

Đầu tháng 1/2017, Unifi Manufacturing Inc. - một doanh nghiệp sản xuất sợi polyester và nylon niêm yết trên sàn chứng khoán NYSE, đã công bố chính thức về việc chỉ định Sợi Thế Kỷ là nhà sản xuất nhượng quyền thương hiệu REPREVE tại Việt Nam. Trong quan hệ hợp tác này, Unifi sẽ cung cấp hạt nhựa tái chế, Sợi Thế Kỷ sản xuất sợi và bán dưới thương hiệu REPREVE của Unifi. Sợi Thế Kỷ là doanh nghiệp duy nhất được Unifi ký hợp đồng nhượng quyền thương hiệu. Theo chỉ định của Unifi, ngoài sản xuất cho thị trường Việt Nam thì Sợi Thế Kỷ sẽ xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường khác như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc.

Đối với dự án sợi màu, Sợi Thế Kỷ hợp tác với E.DYE Limited (nhà cung ứng chính cho các thương hiệu thể thao lớn trên thế giới) theo hình thức BCC (tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh) trong hai dự án đầu tư nhà máy sản xuất sợi màu tại Khu công nghiệp Tây Bắc, Củ Chi, TP.HCM.

Kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận mạnh trong năm 2018

Nhiều dự báo cho rằng, năm 2018, nhu cầu về sợi của Việt Nam ở thị trường nội địa và một số thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục gia tăng nhờ các ưu đãi thuế quan của Việt Nam, cũng như sự dịch chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang Việt Nam; các đơn hàng đang đổ về Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế; công suất các nhà máy dệt nhuộm, may cao hơn rất nhiều so với tổng công suất nhà máy sợi… Các yếu tố này đều gián tiếp có lợi cho Sợi Thế Kỷ.

Trên cơ sở dự báo tích cực từ thị trường, Hội đồng quản trị Công ty dự kiến trình Đại hội đồng cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2018 tăng trưởng mạnh so với mức thực hiện năm 2017. Theo đó, chỉ tiêu doanh thu thuần trong năm nay là 2.354 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 125,85 tỷ đồng, tương ứng thu nhập trên mỗi cổ phần đạt 1.962 đồng.

Động lực tăng trưởng của Sợi Thế Kỷ trong năm 2018 chủ yếu đến từ việc khai thác hết công suất (60.000 tấn/năm), khai thác các thị trường sẵn có và đa dạng hóa sản phẩm. So với con số thực hiện năm 2017, kế hoạch doanh thu tăng 18,4%, nhưng tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế cao hơn, ở mức 26,3%. Điều này được lý giải từ sự thay đổi trong cơ cấu sản phẩm của Sợi Thế Kỷ, theo hướng gia tăng tỷ trọng các sản phẩm mới có giá trị gia tăng, đặc biệt là sợi tái chế.

Sự trở lại ấn tượng của doanh nghiệp dẫn đầu ngành sợi ảnh 1

 Ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Sợi Thế Kỷ.

Theo thống kê, sợi tái chế chỉ chiếm 6% trong tổng lượng sợi polyester được tiêu thụ toàn cầu trong năm 2016, nhưng dự báo sẽ có tăng trưởng rõ nét khi 45 doanh nghiệp hàng đầu trong ngành cam kết sẽ tăng tỷ trọng sử dụng nguyên liệu tái chế lên 25% vào năm 2020. Trong khi đó, ở Việt Nam, chỉ có hai doanh nghiệp sản xuất được mặt hàng này, trong đó có Sợi Thế Kỷ. Do vậy, sợi tái chế có thể được xem là điểm nhấn tăng trưởng của Sợi Thế Kỷ. Đây lại là loại sản phẩm có biên lợi nhuận cao hơn hẳn so với sản phẩm sợi thông thường, góp phần quan trọng trong việc nâng cao lợi nhuận Công ty.

Bên cạnh đó, với các thị trường đã phát triển được trong năm 2017, Sợi Thế Kỷ sẽ tiếp tục duy trì và khai thác mạnh mẽ hơn. Đồng thời, Công ty cũng có kế hoạch thêm các thị trường mới như Italy, Mexico, Tây Ban Nha, Serbia để đón đầu cơ hội từ các hiệp định như CPTPP, EVFTA.

Tiềm năng tăng trưởng trung và dài hạn

Nhìn lại quá trình hoạt động của Sợi Thế Kỷ có thể thấy, mô hình tăng trưởng của Công ty là sau một giai đoạn mở rộng về quy mô thì sẽ tập trung củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động và sau một thời gian tích lũy lợi nhuận, Công ty lại bước vào giai đoạn đầu tư mới, mở rộng quy mô. Trong năm 2017, Sợi Thế Kỷ đã “tạm xong” bước gia tăng công suất và nghiên cứu thành công các sản phẩm mới, có giá trị gia tăng và từ năm 2018, các sản phẩm mới này sẽ có sự đóng góp tích cực vào kết quả kinh doanh chung của Công ty.

Ông Đặng Triệu Hòa, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Sợi Thế Kỷ cho biết, trong giai đoạn 2019-2020, Công ty ước tính lợi nhuận tăng trưởng 20%/năm nhờ vào các dự án đã và đang thực hiện. Trong đó, dự kiến tỷ trọng sợi tái chế sẽ tiếp tục gia tăng lên 20% trong năm 2019 và 30% trong năm 2020. Dự án sợi màu và dự án Trảng Bảng 5 đi vào hoạt động cũng hứa hẹn gia tăng doanh thu, lợi nhuận cho Công ty.

Ông Hòa tự tin là kế hoạch tăng trưởng của Công ty hoàn toàn khả thi, vì nhu cầu sợi của Việt Nam tại thị trường nội địa và quốc tế được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên khi các hiệp định tự do thương mại như CPTPP, EVFTA có hiệu lực. Do thuế suất nhập khẩu sợi sẽ được cắt giảm ngay lập tức, Việt Nam sẽ có lợi thế khi xuất khẩu sợi sang một số quốc gia như Mexico, Italy, Tây Ban Nha. Trong khi đó, các hiệp định tự do thương mại đều có quy tắc xuất xứ hàng hóa, để hưởng ưu đãi thuế suất thì hàng may mặc phải làm từ vải hoặc từ sợi trở đi tại quốc gia thành viên của CPTPP. Vì vậy, nhu cầu về sợi ở thị trường nội đia sẽ tăng khi đơn hàng may mặc đổ về Việt Nam để hưởng ưu đãi thuế quan.

Thuế xuất nhập khẩu hàng may mặc của Việt Nam vào thị trường EU sẽ giảm từ mức 9,6% hiện nay xuống 0% khi EVFTA có hiệu lực và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này kỳ vọng sẽ tăng mạnh, từ khoảng 3% giá trị nhập khẩu hiện tại, lên mức xấp xỉ Bangladesh (13%).

Còn đối với CPTPP, thị phần của Việt Nam ở các thị trường này cũng rất khiêm tốn, từ 1% đến 5%. Do đó, nếu thuế suất thuế quan giảm từ 18% (trong trường hợp của Canada) xuống 0%, khả năng Việt Nam tăng gấp đôi thị phần ở các thị trường này là hết sức khả quan.

Với nội lực vững vàng, định hướng sản phẩm đúng đắn, Sợi Thế Kỷ đang hội đủ các yếu tố để nắm bắt và đón đầu xu hướng thị trường, mở ra dư địa tăng trưởng vững trong các năm tiếp theo.

Tin bài liên quan