Sau sáp nhập với MDB, Maritime Bank trở thành 1 trong 5 ngân hàng lớn nhất trong khối các ngân hàng TMCP

Sau sáp nhập với MDB, Maritime Bank trở thành 1 trong 5 ngân hàng lớn nhất trong khối các ngân hàng TMCP

Sáp nhập tự nguyện: Làn sóng mới trong M&A ngân hàng

(ĐTCK) 6 tháng đầu năm 2015, thị trường chứng kiến làn sóng mua bán sáp nhập (M&A) mới trong lĩnh vực ngân hàng với những cuộc “kết duyên” thân thiện, nhằm tìm kiếm điểm mạnh và bổ sung cho nhau tốt hơn. Với xu hướng như vậy, bản đồ thị trường được dự báo sẽ có nhiều thay đổi mạnh mẽ trong thời gian tới.

M&A không chỉ là chủ trương mà đã trở thành nhiệm vụ sống còn đối với nhiều ngân hàng khi Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu giảm 50% số lượng ngân hàng thương mại trong vòng 3 năm tới. Bởi vậy, ngay từ đầu năm 2015, thị trường đã chứng kiến nhiều thương vụ bắt tay đình đám giữa các ngân hàng. Đơn cử như MHB sáp nhập vào BIDV; PGBank về với VietinBank…

Đặc biệt, một yếu tố nổi bật của các thương vụ M&A ngân hàng diễn ra trong năm nay là những mối duyên tự nguyện. Chẳng hạn, cổ đông MDB đã bỏ phiếu đồng thuận phương án sáp nhập vào Maritime Bank với tỷ lệ trên 90%; hay 93,7% cổ đông Sacombank đồng ý kế hoạch sáp nhập Sacombank -  Southernbank, dù trước đó phương án này bị cổ đông phản đối dữ dội.

Vậy lý do nào khiến các ngân hàng không còn e ngại với M&A và cổ đông của ngân hàng lại có sự chuyển biến tâm lý nhanh như vậy? Câu trả lời được lý giải bởi những thuận lợi cho chính các nhà băng khi bắt tay với những đối tác phù hợp.

Trong trường hợp của Sacombank, trước đây, cổ đông không đồng thuận bởi e ngại sau sáp nhập, Sacombank phải gánh chịu những phát sinh tài chính vì hoạt động kinh doanh của Southernbank không hiệu quả.

Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của Southernbank vào tháng 11/2013 lên tới hơn 5%. Tuy nhiên, cổ đông đã được thuyết phục khi mối lợi cho cuộc hôn nhân này được lãnh đạo 2 ngân hàng nhấn mạnh, đó là Sacombank được hệ thống chi nhánh của Southernbank để tăng độ phủ lên tới gần 600 điểm giao dịch, cùng hơn 4.000 lao động không phải đào tạo.

Với MDB và Maritime Bank, MDB tuy là ngân hàng có quy mô nhỏ nhưng hoạt động lành mạnh, không thuộc diện buộc phải tái cấu trúc. Sáp nhập MDB, Maritime Bank không phải chịu gánh nặng nợ xấu. Hơn nữa, MDB có thế mạnh trong các sản phẩm tín dụng nông nghiệp nông thôn, mạng lưới chủ yếu ở phía Nam, đặc biệt vùng đồng bằng sông Cửu Long, trong khi Maritime Bank phát triển mạnh hơn ở các vùng miền còn lại…

Quan trọng hơn, 2 ngân hàng có sự tương đồng về đường lối quản trị, văn hóa kinh doanh. Ngoài ra, với sự gia nhập của cổ đông chiến lược là Công ty Đầu tư tài chính Fullerton Financials Holding (FFH) - công ty 100% vốn của Temasek Holdings - tập đoàn tài chính hàng đầu của Singapore, đã giúp MDB tiếp cận được với những thông lệ quản trị hiện đại.

Từ năm 2010, MDB đã xây dựng chiến lược phát triển theo hướng quản trị hiện đại, chú trọng mảng ngân hàng bán lẻ, triển khai áp dụng những thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế của ngành ngân hàng. Mô hình quản trị này theo nhận xét của lãnh đạo ngân hàng này, là phù hợp với mô hình hiện tại mà Maritime Bank đang áp dụng.

Xu hướng M&A thân thiện trong lĩnh vực ngân hàng theo dự báo của các chuyên gia, sẽ tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trên thị trường trong thời gian tới. Trước mắt, đó là sự có mặt của những ngân hàng lớn, có hệ thống sản phẩm đa dạng và mạng lưới phủ rộng khắp cả nước. Sau sáp nhập với MDB, Maritime Bank tăng mạnh về quy mô, trở thành 1 trong 5 ngân hàng lớn nhất trong khối các ngân hàng TMCP xét về vốn điều lệ và mạng lưới.

Với 50 chi nhánh MDB được nhập về hệ thống, Maritime Bank có thêm nhiều cơ hội hơn trong việc thu hút và phục vụ khách hàng, đồng thời nâng cao uy tín, sự nhận diện thương hiệu, mà nếu phát triển theo con đường thông thường có thể sẽ phải mất tới 10 năm. Còn với Sacombank, sau sáp nhập, vốn điều lệ của Ngân hàng đạt 18.853 tỷ đồng, mạng lưới hoạt động rộng khắp với số nhân sự lên đến 15.510 người. 

Một hệ thống ngân hàng bao gồm những ngân hàng lớn mạnh sẽ đem đến nhiều sản phẩm dịch vụ có lợi cho khách hàng, chất lượng hoạt động được cải thiện đáng kể, đặc biệt sẽ giúp ngăn chặn các cuộc cạnh tranh không lành mạnh, như cuộc chạy đua tăng trưởng tín dụng trước đây đã tạo ra những hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế.

Triết lý đầu tư của những thương vụ M&A theo hướng thân thiện là nhằm tạo ra những DN có tiềm lực mạnh hơn về vốn, tài chính, tiết kiệm chi phí, nhân lực..., để phát triển thành DN dẫn đầu trong lĩnh vực hoạt động. Định hướng tái cấu trúc của các nhà băng theo xu hướng này chắc chắn sẽ tạo ra những gương mặt mới, đầy sức cạnh tranh trên thị trường tài chính Việt Nam và tiến tới thị trường khu vực.

Tin bài liên quan