Nhà máy sản xuất tre ép công nghiệp BWG tại Mai Châu của SJF

Nhà máy sản xuất tre ép công nghiệp BWG tại Mai Châu của SJF

Sao Thái Dương lên sàn, cơ hội mới cho nhà đầu tư

(ĐTCK) Ngày 5/7/2017, 66 triệu cổ phiếu SJF của Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM (HOSE). Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 11.600 đồng/cổ phiếu. Trước thềm sự kiện này, ông Nguyễn Tấn Đạt, Tổng giám đốc SJF đã có những chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán về triển vọng hoạt động của Công ty. 

SJF đăng ký kinh doanh với nhiều ngành nghề như sản xuất tre ép công nghiệp, sản xuất nông nghiệp công nghệ sinh học Nhật Bản, chuyển giao công nghệ bao tiêu sản phẩm và thương mại nông sản và vật tư nông nghiệp. Vậy đâu mới là mảng kinh doanh cốt lõi của Công ty, thưa ông?

Lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của SJF bao gồm hai mảng chính là sản xuất thực phẩm sạch công nghệ Nhật Bản và sản xuất các sản phẩm tre công nghiệp.

Đối với lĩnh vực sản xuất thực phẩm sạch, Công ty kết hợp sản xuất trực tiếp cùng hợp tác chuyển giao công nghệ sinh học và bao tiêu sản phẩm. Đi kèm với đó là cung cấp vật tư nông nghiệp tốt để hỗ trợ sản xuất nông nghiệp. Công ty mong muốn công nghệ tiên tiến của Nhật có thể được ứng dụng rộng rãi, tạo ra ngày càng nhiều sản phẩm an toàn và dinh dưỡng cho thị trường, trước mắt là trong nước và hướng đến xuất khẩu.

 Ông Nguyễn Tấn Đạt

Trong khi đó, sản xuất tre công nghiệp là lĩnh vực mới ở Việt Nam cũng như trên thế giới, nhưng tiềm năng rất lớn do nhu cầu về các sản phẩm sinh thái ngày càng cao, nhưng lại có rất ít nhà cung cấp có khả năng sản xuất được hàng đủ chất lượng xuất khẩu. SJF là doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực này tại Việt Nam. Việc hợp tác với các đối tác lớn trên thế giới giúp SJF có thể phát triển bền vững, giúp phát triển rừng tre vùng Tây Bắc góp phần xoá đói giảm nghèo và bảo vệ rừng đầu nguồn.

Cổ đông, nhà đầu tư có thể kỳ vọng gì vào tiềm năng tăng trưởng SJF trong thời gian tới, đặc biệt là khi dự án nhà máy tre công nghiệp BWG Mai Châu đã chính thức đi vào hoạt động?

Nhà máy tre công nghiệp BWG Mai Châu đi vào hoạt động là một bước phát triển quan trọng của chúng tôi, vì đây là lĩnh vực đang phát triển mạnh trên thế giới do nhu cầu rất lớn về thay thế các sản phẩm gỗ truyền thống bằng các sản phẩm tre sinh thái vừa đẹp, bền, lại góp phần bảo vệ môi trường sinh thái. Khi nhà máy đạt công suất thiết kế có thể mang lại doanh thu ổn định hàng năm lên đến con số vài ngàn tỷ đồng, đem lại giá trị lớn cho cổ đông, nhà đầu tư và địa phương.

Lợi thế của BWG Mai Châu là có khả năng sản xuất một số dòng sản phẩm có nhu cầu lớn (vượt xa khả năng sản xuất của các nhà máy hiện tại của SJF), mà chỉ duy nhất chúng tôi có thể sản xuất được ở Việt Nam, như sản phẩm ván sàn ngoài trời bằng tre và sản phẩm tấm lót đường bằng tre.

Chúng tôi đang tiếp tục tự động hoá Nhà máy, nâng công suất và chất lượng sản phẩm để sản xuất được nhiều sản phẩm chất lượng cao hơn, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn gần đây đã chuyển hướng sang sản xuất - kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao. SJF đang định vị mình như thế nào trên thị trường và đâu là lợi thế cạnh tranh của Công ty?

Có thể nói, chúng tôi là doanh nghiệp đi đầu trong ứng dụng công nghệ sinh học của Nhật Bản trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam. SJF khác với các doanh nghiệp khác là nắm được nhiều công nghệ tiên tiến của Nhật Bản, mà các doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp sạch ở Việt Nam đều cần đến khi đi vào sản xuất quy mô lớn. Ví dụ công nghệ bảo quản sau thu hoạch, các doanh nghiệp có thể đầu tư lớn tạo ra nhiều sản phẩm, nhưng việc bảo quản, điều tiết phân phối là bài toán khó có lời giải.

 Các chuyên gia Nhật Bản làm việc cùng cán bộ SJF và bà con nông dân tại vườn cam Cao Phong, trồng theo công nghệ sạch của Nhật 

Đó cũng chính là vấn đề đau đầu nhất của Việt Nam hiện nay, sản xuất dư thừa, được mùa mất giá. SJF sở hữu độc quyền công nghệ bảo quản tiên tiến của Nhật Bản, có thể bảo quản hoa quả từ 3 - 6 tháng mà không cần dùng chất bảo quản. Điều này giúp điều hoà phân phối và gia tăng giá trị sản phẩm. Chúng tôi mong muốn hợp tác win-win với các doanh nghiệp lớn sản xuất nông nghiệp để cùng hợp tác phát triển, chứ không phải cạnh tranh nhau.

An toàn vệ sinh thực phẩm và ô nhiễm môi trường là những vấn đề “nóng” nhất hiện nay. Được biết, SJF đang định hướng trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong góp phần giải quyết vấn đề này, nhưng bằng cách nào, thưa ông?

Chúng tôi xác định sứ mệnh là giúp "nâng cao sức khoẻ con người và trái đất", thông qua việc tạo ra và giúp tạo ra ngày càng nhiều thực phẩm an toàn chất lượng cao hơn cho xã hội, đồng thời phát triển ngành tre để phát triển rừng tre, giúp bảo vệ môi trường sinh thái. Cây tre là cây tốt nhất để bảo vệ rừng đầu nguồn, giữ đất và lọc sạch nước. Phát triển nông nghiệp sạch hữu cơ cũng chính là cách tốt nhất để bảo vệ môi trường đất, nước, đặc biệt là với một nước phát triển nông nghiệp theo chiều rộng như Việt Nam, sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ và thuốc trừ sâu.

Ngoài ra, chúng tôi còn sở hữu nhiều giải pháp xử lý môi trường tiên tiến của Nhật trong xử lý rác thải và nước thải. Các giáo sư Nhật Bản đã làm việc với Bộ Tài nguyên và Môi trường thí điểm dự án xử lý rác thải, tương tự như nhà máy xử lý rác thải của Nhật Bản. Nhà máy này cho ra nhiều sản phẩm giá trị kinh tế cao từ rác thải, với tư duy Nhật Bản là "không có gì là rác".

Hiện tại, chúng tôi cũng đang thử nghiệm công nghệ xử lý làm sạch buồng đốt động cơ của ô tô, xe máy của Đức..., giúp tiết kiệm nguyên liệu và giảm lượng khói bụi đang gây ô nhiễm nghiêm trọng các thành phố lớn của Việt Nam. Đây là công nghệ duy nhất hiện nay trên thế giới làm được điều này. Dự kiến, công nghệ này sẽ được triển khai trên toàn quốc trong năm 2018.

Việc đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HOSE với những quy chuẩn về công bố thông tin là cơ hội để nhiều nhà đầu tư biết tới SJF. Vậy Công ty có kế hoạch tìm kiếm đối tác chiến lược trong thời gian tới không, thưa ông?

Chúng tôi mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp lớn, các trang trại lớn muốn sản xuất thực phẩm an toàn để cùng phát triển thực phẩm công nghệ Nhật Bản, trong tất cả các khâu của sản xuất nông nghiệp: nuôi trồng, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

Với nền tảng công nghệ tiên tiến của Nhật Bản cùng với mối liên kết chặt chẽ với các viện nghiên cứu nông nghiệp của Việt Nam, chúng tôi tin tưởng rằng, sự hợp tác với các đối tác chiến lược lớn trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tạo ra những đột phá giúp thay đổi nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng phát triển bền vững hơn.

Tin bài liên quan