Đội ngũ lãnh đạo kế cận trẻ trung, năng động, là thế hệ bước vào nền tảng công nghệ mới được Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Thanh (đứng giữa) kỳ vọng sẽ giúp REE phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Đội ngũ lãnh đạo kế cận trẻ trung, năng động, là thế hệ bước vào nền tảng công nghệ mới được Chủ tịch Nguyễn Thị Mai Thanh (đứng giữa) kỳ vọng sẽ giúp REE phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

REE và mục tiêu vốn hóa tỷ USD trong 5 năm tới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Cơ điện lạnh - REE Corp (mã REE) có cơ cấu kinh tế bền vững xoay quanh 3 lĩnh vực trọng tâm là cơ điện lạnh, bất động sản, cơ sở hạ tầng điện và nước. Trong đó, cơ sở hạ tầng điện và nước sẽ là động lực giúp REE vươn tới mục tiêu vốn hóa 1 tỷ USD trong 5 năm tới, đảm bảo thực hiện cam kết thu nhập trên vốn chủ sở hữu (ROE) tối thiểu 15%/năm. 

Hạ tầng điện - nước là đầu tàu tăng trưởng

Thành lập năm 1977, xuất phát điểm là một xí nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ điện lạnh, một trong những dấu mốc lịch sử không thể không nhắc đến của Công ty là năm 2010, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Thị Mai Thanh cùng các thành viên Hội đồng quản trị quyết định mở rộng sản xuất - kinh doanh sang hạ tầng tiện ích điện và nước.

Quyết định nhanh nhạy này được đưa ra trong bối cảnh nhu cầu điện năng tăng trưởng hàng năm ở tốc độ hai con số, nhu cầu đầu tư các nhà máy điện rất cao để đáp ứng đủ nhu cầu điện năng phục vụ sinh hoạt của người dân và hoạt động sản xuất - kinh doanh. Hướng đi của REE là tập trung cho năng lượng tái tạo, năng lượng sạch.

Với REE, đầu tư vào điện - nước là đầu tư lâu dài, tận dụng cơ hội về nhu cầu điện và nước luôn tăng trưởng qua các năm.

Đơn cử như trong ngành nước, cổ tức thời gian đầu có thể không bằng một số ngành, nhưng trong tương lai, Chính phủ có chủ trương tư nhân hóa và cơ chế giá sẽ theo thị trường.

Nói cách khác, đây là những ngành có tiềm năng phát triển tốt và không bị ảnh hưởng nhiều bởi những biến động của nền kinh tế. Đó là điểm mà REE nhìn vào, chứ không phải nguồn thu trước mắt.

Đến nay, REE kinh doanh 3 lĩnh vực chính là cơ điện lạnh, bất động sản, hạ tầng tiện ích điện và nước. Doanh thu năm 2019 đạt 19.623 tỷ đồng, tương đương 820 triệu USD; lợi nhuận sau thuế 1.639 tỷ đồng. Giá trị sổ sách trên một cổ phiếu hơn 33.500 đồng.

Tại thời điểm cuối quý II/2020, REE đang đầu tư gần 8.000 tỷ đồng, tương đương 40% tổng tài sản vào các công ty liên doanh, liên kết, trong đó phần lớn là các công ty trong lĩnh vực hạ tầng điện, nước.

Tính đến nay, REE đã đầu tư vào khoảng 16 công ty, trong đó, tổng công suất lắp đặt các nhà máy điện trong hệ thống các công ty thành viên, liên kết của REE lên đến 4.000 MW, tỷ lệ sở hữu của REE tại các nhà máy khoảng 1.060 MW.

Hàng năm, các dự án mang lại lợi nhuận cho REE là 1.000 tỷ đồng/năm. Trong đó, phải kể đến những dự án gắn liền với sự đổi mới và phát triển của đất nước như Thủy điện Thác Bà, Thủy điện Thác Mơ, Nhiệt điện Phả Lại, Nhiệt điện Ninh Bình…

Đặc biệt là khoản đầu tư vào CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn Sông Hinh - đơn vị sở hữu Nhà máy Thủy điện Thượng Kontum - dự án phá mọi kỷ lục ở Việt Nam như dự án có tuyến năng lượng dài nhất, dự án có cột áp cao nhất, dự án phức tạp nhất…

Trong kế hoạch của REE sắp tới, Công ty tiếp tục phát triển hàng loạt dự án về năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời, điện rác.

Mục tiêu trong 5 năm tới, REE trở thành công ty hàng đầu Việt Nam về sản xuất năng lượng tái tạo, vượt mốc 1.000 MW  (hiện tại là hơn 500 MW) và đạt công suất sản xuất nước sạch 1 triệu m3/ngày tính theo tỷ lệ sở hữu vốn (hiện tại là 500.000 m3/ngày).

Hiện REE không còn là “người mới” đối với ngành điện và có nhiều đối tác trong cùng ngành hỗ trợ, chia sẻ. Bản thân REE cũng đã kinh qua những khó khăn và thách thức, nên dù gì cũng có những kinh nghiệm và có thể xem đó là lợi thế. Chiến lược của REE tập trung vào phát triển bền vững, lâu dài, không phải kiểu “làm xong rồi bán”.

“Những dự án REE xin thì Bộ Công thương rất hoan nghênh vì họ biết chúng tôi làm thật và lâu dài”, tân Tổng giám đốc Huỳnh Thanh Hải chia sẻ.

REE và mục tiêu vốn hóa tỷ USD trong 5 năm tới ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh chia sẻ cảm xúc với báo giới trong lễ chuyển giao thế hệ tại Tập đoàn.

Trong khi đó, đối với lĩnh vực truyền thống là cơ điện lạnh và bất động sản (tập trung các tòa văn phòng cho thuê với thương hiệu Etown), REE nhìn nhận, ngành bất động sản chưa thể phát triển mạnh, còn bị đè nén bởi chính sách, diễn biến này sẽ tác động đến mảng cơ điện lạnh.

Còn bất động sản cho thuê văn phòng của REE thường xuyên đạt tỷ lệ lấp đầy 100% ở các tòa nhà Etown, chỉ trong mùa dịch Covid-19 có bị ảnh hưởng nhẹ do các khách hàng bị tác động bởi đại dịch. Kể cả tòa nhà Etown5 mới đưa vào khai thác từ quý III/2019 cũng đã đạt tỷ lệ lấp đầy 97%.

REE đặt mục tiêu mở rộng vị thế là nhà phát triển văn phòng thương mại lớn nhất tại Việt Nam (tăng gấp đôi 150.000 m2 diện tích cho thuê hiện tại).

Năm 2020, REE sẽ hoàn thành thủ tục pháp lý và tiến hành khởi công xây dựng tòa nhà Etown 6 có quy mô 7 tầng hầm, 16 tầng cao, tổng diện tích xây dựng 88.000 m2 tại Khuôn viên Etown Cộng Hòa. Toàn cao ốc này dự kiến hoàn thành vào năm 2023, bổ sung hơn 38.000 m2 văn phòng.

Năng lượng ở REE không ngừng được tái tạo

Trên thị trường chứng khoán, REE là cổ phiếu thường xuyên kín room ngoại, là địa chỉ ưa thích của các nhà đầu tư giá trị. Đó cũng là lý do REE nhận được sự quan tâm đặc biệt khi có thông báo về việc sẽ có tân Tổng giám đốc.

Theo công bố thông tin của REE, ông Huỳnh Thanh Hải giữ chức vụ Tổng giám đốc nhiệm kỳ từ 1/8/2020 đến 31/7/2023.

Ông Hải đã gắn bó với REE từ những năm 1994, kinh qua nhiều vị trí. Trước khi được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty, ông Hải đảm nhiệm vị trí Phó tổng giám đốc REE kiêm Giám đốc điều hành REE M&E.

Chia sẻ tại buổi lễ chuyển giao thế hệ diễn ra cuối tuần trước, bà Mai Thanh cho biết, đây là thời khắc đặc biệt quan trọng và bà quyết định trao chìa khóa cho thế hệ thứ ba đầy năng động, khát vọng để tiếp tục đưa REE đi đến thành công.

“Tân Tổng giám đốc hãy cùng bước vào thập niên mới, thời cơ mới, nhưng đầy biến động cả về kinh tế, xã hội và chính trị. Ta luôn vững vàng và luôn biết rõ phải làm thế nào để củng cố và phát triển 3 lĩnh vực căn bản của chúng ta, về cả chiều rộng và chiều sâu. Đây là nguồn năng lượng mới, năng lượng không ngừng được tái tạo”, bà Thanh gửi gắm với người kế nhiệm.

Buổi lễ chuyển giao của REE được nhìn nhận là sâu lắng, đầy cảm xúc, trong đó có những bộc bạch, những “cảm xúc lắng đọng trong tim” của vị thuyền trưởng Mai Thanh cũng đã truyền cảm hứng đến cho những người tham dự.

“Tôi ước mơ xây dựng REE thành công ty uy tín, dù chưa lớn lắm, nhưng phải đẹp, cái gì làm ra cũng phải tốt và để đời. Khát vọng thành công và tinh thần tự hào dân tộc đã là động lực rất quan trọng, giúp tôi dẫn dắt REE thành công như hôm nay”, bà Thanh nói.

Đội ngũ kế thừa hôm nay - một đội ngũ theo bà Thanh là trẻ, năng động, là thế hệ bước vào nền tảng công nghệ mới để giúp REE phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu.

Rộng là mở rộng hoạt động trong các lĩnh vực, còn sâu là nhờ ứng dụng công nghệ vào nhà máy, sản phẩm, quản trị công ty và cả quy trình kinh doanh để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Công ty.

Tin bài liên quan