Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PV Oil giới thiệu cơ hội đầu tư vào PV Oil

Ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PV Oil giới thiệu cơ hội đầu tư vào PV Oil

PV Oil và chiến lược khai thác dư địa tăng trưởng

(ĐTCK) Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) xây dựng chiến lược phát triển thế nào, tự hoàn thiện những yếu tố nào để gia tăng doanh thu và lợi nhuận, phát triển bền vững hơn trong tương lai là những vấn đề được lãnh đạo PV Oil giải đáp một cách chi tiết cho nhà đầu tư tại buổi roadshow "Cơ hội đầu tư vào PV Oil", được tổ chức tại TP.HCM và Hà Nội trong hai ngày cuối tuần trước.

Chiến lược và mục tiêu phát triển

Cập nhật kết quả kinh doanh, ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc PV Oil cho biết, năm 2017, doanh thu hợp nhất đạt 55.979 tỷ đồng, vượt 65% kế hoạch trong bối cảnh PV Oil duy trì được sản lượng khả quan và giá dầu tăng cao.  Lợi nhuận hợp nhất đạt 419 tỷ đồng, vượt 25% so với kế hoạch. Nếu tính cả 220 tỷ đồng tiền thuế mà PV Oil sẽ được hoàn theo quy định thì lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2017 sẽ là 630 tỷ đồng.

Ông Dương chia sẻ, với 22% thị phần phân phối xăng dầu hiện nay thì dư địa để PV Oil phát triển còn nhiều. PV Oil đủ lớn để mua bán sáp nhập các công ty nhỏ khác nhằm gia tăng thị phần. “Khi thành lập năm 2008, PV Oil có chưa đầy 100 cửa hàng, sau đó bằng hoạt động mua bán, sáp nhập đã phát triển nhanh lên đến 540 của hàng xăng dầu hiện nay.

Điểm đáng tiếc là PV Oil chưa phát triển kinh doanh các dịch vụ non-oil như cửa hàng tiện lợi, quán ăn nhanh cà phê, dịch vụ chăm sóc xe. Đây chính là dư địa phát triển trong tương lai của PV Oil vì theo kinh nghiệm của các hãng xăng dầu trên thế giới, doanh thu đến từ dịch vụ này tạo ra dòng tiền rất tốt và đóng góp 40 - 50% tổng lợi nhuận”, ông Dương nói.

Về cơ sở hạ tầng, PV Oil hiện sở hữu gần 30 kho cảng xăng dầu trải dài từ Bắc vào Nam, với tổng sức chứa 1 triệu m3, mới chỉ khai thác 55 - 60% công suất, còn dư công suất đáp ứng cho việc nâng gấp đôi sản lượng trong tương lai.

Theo ông Dương, mục tiêu của PV Oil sau cổ phần hóa là mở rộng thị phần từ 22% lên 35%, nâng tỷ trọng bán lẻ từ 24% tổng sản lượng lên 35% và kênh bán lẻ công nghiệp chiếm 18% lên 35%. Nếu đạt được mục tiêu này thì PV Oil sẽ có những bước phát triển bền vững trong tương lai.

Điểm mạnh của PV Oil

Bà Đinh Thị Thùy Dương, Trưởng phòng Phân tích Công ty Chứng khoán Bản Việt cho biết, tiềm năng của ngành xăng dầu ở Việt Nam lớn vì xuất phát điểm thấp. Tiêu thụ xăng dầu trên đầu người hàng năm là 77 lít, chỉ bằng một nửa Indonessia, Thái Lan hay Singapore và thấp hơn nhiều nước khác. Dự báo tăng trưởng tiêu thụ xăng dầu bình quân đầu người ở Việt Nam đạt 4,7%/năm cao hơn so mức bình quân toàn thế giới là 1,3%.

Cơ hội phát triển của ngành nhiều thuận lợi do tăng trưởng kinh tế cao nên sản xuất công nghiệp sôi động, gia tăng nhu cầu vận chuyển hàng hóa. Tăng trưởng lượng hàng hóa đường bộ là 9,5%, còn tăng trưởng xe du lịch và xe thương mại khoảng 18% đến năm 2020. Xã hội có xu hướng chuyển dịch từ sử dụng xe máy sang xe ô tô, nên dự kiến tiêu thụ xăng dầu tăng nhanh hơn nữa.

Việc Chính phủ gia tăng kiểm soát gian lận thương mại trong kinh doanh xăng dầu đã thúc đẩy tăng trưởng tiêu thụ xăng dầu. Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Bản Việt, tăng trưởng tiêu thụ xăng dầu nửa cuối 2017 đạt 7 - 8%, cùng kỳ 2016 chỉ đạt 5 - 6%.

Điểm thuận lợi tiếp theo với PV Oil là từ 1/1/2018 sẽ thực hiện lộ trình triển khai kinh doanh xăng sinh học theo quy định của Chính phủ. Ước tính, riêng năm 2018, nhu cầu sử dụng xăng sinh học tăng 10 lần và tăng mạnh cho các năm sau.

Đến năm 2022, nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu sinh học dự báo sẽ đạt trên 400.000 m3, vượt công suất của các nhà máy nhiên liệu sinh học hiện tại. Khi triển khai sản xuất E10 thì nhu cầu Ethanol còn cao hơn nữa. Đây là điều kiện tốt để các dự án sản xuất nhiên liệu sinh học hoạt động hiệu quả.

Bà Dương nhấn mạnh, cổ phiếu PV Oil có 4 điểm chính hấp dẫn. Thứ nhất là Nhà nước thoái vốn xuống 35,1%, nên đối tác chiến lược sẽ có toàn quyền trong chiến lược phát triển. Về lâu dài, tỷ lệ vốn Nhà nước có thể giảm nữa, thậm chí xuống 0%.

Hiện có 3 nhóm nhà đầu quan tâm đặc biệt đến PV Oil là Shell và Puma (có ý nghĩa là đối trọng với các nhà đầu tư có cổ phần trong Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn là Idemisu và Kuwai); nhóm đối tác nước ngoài khác đến từ Nhật Bản, Singapre và nhóm nhà đầu tư trong nước.

Thứ hai là sự hấp dẫn về tài sản lớn. PV Oil sở hữu 22% thị phần, đứng cạnh Petrolimex có vẻ khiêm tốn, nhưng gấp 3 - 4 lần so với các doanh nghiệp còn lại thuộc Top 5. Ngoài ra, tại thị trường Lào, thị phần bán lẻ của PV Oil chiếm đến 20%. PV Oil sở hữu mạng lưới cửa hàng xăng dầu khắp cả nước với 1,4 triệu m2 đất, trong đó 600.000 m2 cửa hàng xăng dầu và 800.000 m2 kho xăng dầu.

Tài sản quan trọng nữa là hệ thống kho đáp ứng nhu cầu phát triển trong 5 - 7 năm tới. Vị thế độc quyền trong xuất nhập khẩu ủy thác dầu thô là tài sản đáng giá, đóng góp của mảng này vào lợi nhuận chiếm tỷ trọng là 1/3.

Thứ ba là tiềm năng tăng trưởng. PV Oil có tiềm năng tăng trưởng cao qua M&A. Theo Công ty Chứng khoán Bản Việt, số lượng cây xăng của PV Oil có thể tăng gần gấp 3 trong vòng 5 năm tới khi mà 80% số lượng cây xăng thuộc về các doanh nghiệp nhỏ hơn. Điều đó có nghĩa mức độ tăng trưởng sản lượng kép ở mức 15%, gấp 3 lần so với tăng trưởng bình quân của ngành.

Tiềm năng tăng trưởng của PV Oil cũng nằm ở mảng non - oil đang rất phổ biến trong khu vực. Mảng kinh doanh nhiên  liệu hàng không là mảng hấp dẫn nhà đầu tư nội như Sovico. Ngành hàng không tăng trưởng ấn tượng ở mức 24%/năm. Dự báo, nhu cầu tiêu thụ xăng máy bay ở mức 8,5% năm cao hơn gần gấp đôi so với tăng trưởng ngành. Khi tham gia vào lĩnh vực này hứa hẹn đem lại lợi nhuận tốt cho PV Oil.

Mục tiêu của PV Oil là nâng thị phần trong nước từ 22% lên 35% 

Điểm nhấn ấn tượng là tiềm lực tài chính dồi dào của PV Oil với hơn 5.000 tỷ đồng tiền mặt. Nếu trừ đi nợ thì số tiền này tương đương 38% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm 31/12/2016.

Theo bà Quỳnh, điều này đặc biệt có ý nghĩa với đối tác chiến lược, vì dù kế hoạch đầu tư, M&A của PV Oil tiêu tốn đến 11.000 tỷ đồng, nhưng đối tác chiến lược sẽ không phải tiêu tốn thêm tài chính để đầu tư mà sử dụng tiền mặt của doanh nghiệp. Và với nhà đầu tư cá nhân thì tiềm lực tài chính dồi dào giúp doanh nghiệp trả cổ tức từ 300 đồng đến 590 đồng, tức tỷ suất sinh lời từ 2 - 4%.

Những vấn đề nhà đầu tư quan tâm

Nhiều câu hỏi, thắc mắc của nhà đầu tư về PV Oil đã được ông Cao Hoài Dương giải đáp. Về việc PV Oil phải cam kết mua dầu của các nhà máy lọc dầu trong nước, ông Dương phân tích, giá bán cho PV Oil cũng giống như giá bán cho các đầu mối khác, mà không có sự phân biệt. Việc nhập khẩu xăng dầu từ khu vực ASEAN và Hàn Quốc từ khi ký hợp đồng về đến kho là 1 tháng có rất nhiều rủi ro về giá cả, vận chuyển, trong khi mua của Nghi Sơn và Dung Quất với giá cạnh tranh lại chỉ mất 3 - 4 ngày hàng hóa về đến kho, giảm nhiều rủi ro.

“Tôi cho rằng, việc mua dầu của Nghi Sơn và Dung Quất không phải là bị, mà phần nhiều là được”, ông Dương nhấn mạnh.

Thực tế năm 2017, lợi nhuận của PV Oil bị giảm khoảng 60 -70 tỷ đồng do Nhà máy lọc dầu Dung Quất dừng 1,5 tháng bảo dưỡng, Nhà máy Nghi Sơn dự kiến hoạt động cuối quý III/2017 nhưng chưa vận hành nên PV Oil phải bù đắp sản lượng bằng nhập khẩu, phải dùng tàu lớn vận chuyển về các kho lớn sau đó trung chuyển về kho nhỏ nên chi phí tăng lên. Việc mua xăng dầu của các nhà máy trong nước giúp PV Oil chủ động giảm thiểu rủi ro biến động giá. Công ty duy trì tồn kho ở mức hợp lý để giảm bớt rủi ro khi giá dầu xuống thấp, duy trì tỷ suất lợi nhuận ổn định và bền vững.

Đối với lĩnh vực kinh doanh nhiên liệu hàng không, ông Dương cho biết, hiện nay có hai doanh nghiệp cung cấp chính nên vẫn còn dư địa cho 1 - 2 đơn vị khác tham gia để tăng tính cạnh tranh. PV Oil đang có sự chuẩn bị để tham gia vào thị trường này. Các đối tác chiến lược cũng nhìn thấy ngay cơ hội này và bày tỏ sự quyết tâm sẽ tham gia vào lĩnh vực nhiên liệu bay.

“Với kinh nghiệm của các đối tác lớn, chúng tôi sẽ giành được một phần miếng bánh này. Nếu làm tốt thì lợi nhuận từ riêng lĩnh vực này sẽ dao động từ 100 đến 200 tỷ đồng”, ông Dương cho biết.

Về khoản tiền 226 tỷ đồng và 3 triệu USD đang gửi ở Ocean Bank, lãnh đạo PV Oil cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã cam kết đảm bảo và hiện trả lãi đầy đủ. Một thời gian nữa, hoạt động của Ngân hàng ổn định, PV Oil sẽ rút khoản vốn này về.

Tin bài liên quan