PME: Cổ đông lớn STADA muốn nâng tỷ lệ sở hữu

PME: Cổ đông lớn STADA muốn nâng tỷ lệ sở hữu

(ĐTCK) Theo cổ đông lớn, sở hữu 49% Công ty cổ phần Pymepharco (PME) là Stada Service Holding B.V - công ty con của Tập đoàn dược phẩm STADA Arzneimittel AG (STADA - Đức), PME sẽ là đơn vị sản xuất duy nhất của Tập đoàn tại Việt Nam.

Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của PME vừa qua, định hướng đầu tư của cổ đông lớn STADA đối với PME sẽ là mở rộng hay thu hẹp, đặc biệt trong bối cảnh STADA Arzneimittel AG bán toàn bộ vốn góp tại Công ty liên doanh STADA - Việt Nam, được các cổ đông khác đặc biệt quan tâm.

Đại diện STADA khẳng định, các sự việc đang diễn ra hiện nay không ảnh hưởng đến khoản đầu tư của STADA tại Việt Nam cũng như khoản đầu tư vào PME. Đồng hành cùng PME nhiều năm, STADA đã hỗ trợ phát triển về công nghệ cũng như nâng cấp tiêu chuẩn nhà máy cho Công ty. Đến đầu năm 2018, PME chính thức sở hữu 2 nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP-EU. Việc PME lên kế hoạch có thêm một nhà máy đạt chuẩn GMP-EU trong năm 2019 cũng sẽ có sự song hành, hỗ trợ của STADA.

“Chúng tôi muốn đi đường dài cùng PME, đặc biệt trong việc phát triển chuỗi công nghệ xanh”, đại diện STADA nói và cho biết, STADA muốn tăng đầu tư vào PME. Hiện nay, STADA Arzneimittel AG đã có thêm một số quỹ đầu tư mới rót vốn nên nếu được sự đồng ý của các quỹ này, STADA sẽ tăng sự hiện diện tại PME.

Theo STADA, PME sẽ là đơn vị sản xuất duy nhất của Tập đoàn tại Việt Nam, kế hoạch này thể hiện rõ vai trò quan trọng của PME đối với Tập đoàn. 

Ông Huỳnh Tấn Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị PME chia sẻ, đầu năm 2018, nhà máy thuốc bột pha tiêm kháng sinh Cephalosporin của PME được công nhận tiêu chuẩn GMP-EU. Theo đó, PME là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam có nhà máy cả thuốc tiêm và thuốc viên đạt tiêu chuẩn này. Ngoài ra, PME đang thực hiện kế hoạch có thêm nhà máy non-betalactam đạt chuẩn GMP-EU trong năm 2019.

Việc nâng cấp nhà máy cộng thêm hoạt động thực hiện đánh giá tương đương điều trị cho các sản phẩm thuốc tiêm được kỳ vọng sẽ gia tăng tỷ trọng đóng góp doanh thu của thuốc tiêm, qua đó thúc đẩy tổng doanh thu.

Ông Nam cho biết, khó để đưa ra con số chuẩn xác về sự đóng góp của nhà máy thuốc tiêm mới đạt chuẩn GMP-EU đầu năm nay, bởi Công ty phụ thuộc vào gói thầu ở các đơn vị đã ký, trong đó có nhiều thời hạn thầu từ 1 - 3 năm, nếu các gói thầu 1 năm thì thường thời điểm tháng 9 sẽ hết thầu. Nhưng ông Nam khẳng định, sự đóng góp của nhà máy này là quan trọng cho sự tăng trưởng ổn định của PME trong các năm sau. Ước tính, xưởng kháng sinh bột pha tiêm Cephalosporin được cấp chứng nhận thành công tiêu chuẩn GMP-EU đầu năm 2018 có thể giúp Công ty tăng 200 - 300 tỷ đồng doanh thu/năm.

Với lợi thế sở hữu nhà máy đạt chuẩn GMP-EU, mặc nhiên một số sản phẩm của PME được tham gia đấu thầu nhóm 2 dành cho thuốc generic vào kênh ETC và có thể tham gia nhóm 1 nếu xin được visa xuất khẩu. Đây sẽ là động lực quan trọng của PME trong việc duy trì doanh thu tích cực ở kênh ETC trong các năm tiếp theo.

Ông Nam chia sẻ, Công ty đang làm thủ tục xuất khẩu vào các nước thành viên nhóm ICH dược phẩm. Hiện sản phẩm của PME đã xuất khẩu vào thị trường châu Âu (theo đơn đặt hàng của STADA). Dù doanh thu xuất khẩu còn khiêm tốn, nhưng chất lượng sản phẩm của PME đã được khẳng định, số lần khách hàng nhập khẩu trở lại hàng năm rất ổn định.

Theo kế hoạch, PME sẽ tăng tỷ trọng doanh thu từ kênh OTC thông qua việc mở rộng kênh phân phối. Một số cổ đông chất vấn, Công ty đang có lợi thế trên kênh ETC, đồng thời các sản phẩm của PME có thể xem là thuộc phân khúc cao cấp, vậy việc mở rộng kênh OTC có mâu thuẫn?

Ông Nam cho rằng, thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam có chiều hướng gia tăng, người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến sức khỏe và chất lượng các sản phẩm thuốc, qua đó thúc đẩy các nhà thuốc nâng cao ý thức phân phối thuốc chất lượng. Do vậy, không chỉ kênh ETC, mà kênh OTC cũng đang dần có yêu cầu cao hơn về chất lượng sản phẩm. Nếu sản phẩm có chất lượng tương đương các thuốc ngoại nhưng giá cả hợp lý hơn thì dư địa để phát triển dòng sản phẩm này trên kênh OTC là rất lớn.

Đại hội đồng cổ đông PME đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với chỉ tiêu doanh thu thuần 1.784,6 tỷ đồng, tăng 10%; lợi nhuận 394,8 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2017; cổ tức tối thiểu 20%. Theo tờ trình phân phối lợi nhuận năm 2017, PME sẽ chi trả cổ tức với tỷ lệ 35%, bao gồm 20% bằng tiền mặt (đã tạm ứng 10% vào ngày 30/3/2018) và 15% bằng cổ phiếu. Sau khi phát hành thêm hơn 9,78 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, dự kiến thực hiện trong quý II hoặc quý III/2018, vốn điều lệ của PME sẽ tăng lên 750 tỷ đồng.

Tin bài liên quan