Những gì mình làm là đóng góp thêm giá trị cho xã hội, tổ chức…

Những gì mình làm là đóng góp thêm giá trị cho xã hội, tổ chức…

(ĐTCK) “Năm 2019 đánh dấu SHB có những kết quả vượt bậc, là nền tảng vững chắc để Ngân hàng phát triển mạnh mẽ các năm sau. Trong đó, trọng tâm kế hoạch năm 2020 được đặt ra là SHB sẽ tiếp tục mua trước hạn trái phiếu VAMC, chất lượng tín dụng tốt với nợ xấu dưới 2%, tiếp tục trong Top 5 ngân hàng TMCP tư nhân lớn nhất Việt Nam xét về quy mô và thị phần hoạt động kinh doanh. Đồng thời, hoạt động kinh doanh SHB sẽ đáp ứng đầy đủ chỉ tiêu tài chính theo tiêu chuẩn Basel II”. Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với Báo Đầu tư Chứng khoán. 

Xử lý nợ xấu luôn đặt tình người vào công việc

Nhìn lại công tác điều hành Ngân hàng năm 2019, đâu là điểm ông muốn chia sẻ trước tiên?

Ðó là câu chuyện xử lý nợ xấu. Cụ thể, trong 2 tháng 10 và 11/2019, SHB đã mua lại 5.773 tỷ đồng trái phiếu VAMC đã được trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ 100%.

Ðây là những khoản nợ xấu đã bán cho VAMC, trong đó có một phần là nợ đến hạn và một phần là những khoản nợ được gia hạn trích lập dự phòng 8 năm theo Ðề án tái cơ cấu sau khi nhận sáp nhập Habubank do Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Việc mua lại nợ xấu của VAMC còn có ý nghĩa lớn hơn nữa bởi nhờ đó, Ngân hàng hội đủ điều kiện để chia cổ tức theo quy định của cơ quan quản lý. Những ngày cuối năm 2019, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho SHB chia cổ tức từ lợi nhuận giữ lại của năm 2017 và 2018 với tỷ lệ 20,9%.

Là người điều hành trực tiếp Ban quản lý và xử lý nợ xấu của toàn hệ thống SHB, điều gì khiến ông phải suy nghĩ trong quá trình xử lý nợ?

Công tác xử lý nợ xấu có hàng trăm, hàng nghìn trường hợp khác nhau và từng trường hợp cụ thể cũng khác nhau.

Có những day dứt là phải phối hợp giữa tình người và tính nhân văn trong công tác xử lý nợ xấu, trong khi đó, vẫn phải làm sao hài hoà giữa lợi ích của cổ đông và khách hàng.

Ngân hàng không thể vì việc một khách hàng vay vốn kinh doanh thua lỗ, dẫn đến nợ xấu mà đẩy người ta ra đường, để không có nhà ở trở thành người vô gia cư.

SHB thường bắt đầu từ bước thỏa thuận để thu nợ, sau đó mới khởi kiện tại toà, phát mại tài sản, thu giữ tài sản và Ngân hàng miễn giảm lãi vay, lãi quá hạn một phần tuỳ theo từng trường hợp để khách hàng có một khoản tiền sau khi thanh lý tài sản thế chấp, dùng để thuê nhà ở hay mưu sinh cuộc sống tiếp theo.

Hay nói cách khác, khách hàng tích cực, thiện chí trong việc xử lý nợ thì Ngân hàng nỗ lực tìm những cách tốt nhất hỗ trợ khách hàng, mà vẫn hài hoà lợi ích của Ngân hàng, khách hàng.

Có những khách hàng có khả năng trả nợ do vẫn còn tài sản nhưng cố tình chây ỳ, dùng những thủ thuật để ngăn chặn việc xử lý nợ xấu…

Tuy nhiên, Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội cho phép Ngân hàng thu giữ tài sản của khách hàng, chính vì vậy, công tác xử lý nợ xấu trong thời gian qua hiệu quả hơn so với những năm trước.

Những khoản nợ xấu của SHB, trong đó bao gồm của Habubank là không nhỏ?

Quả thực, nợ xấu SHB đang tập trung giải quyết chủ yếu của Habubank, phần của Vinashin vẫn đang xử lý theo đề án của Chính phủ phê duyệt là bán nợ cho DATC, còn lại Ngân hàng tự xử lý. Theo đó, SHB vẫn đang chủ động trích lập dự phòng xử lý dần.

Ngẫm lại thời gian xử lý nợ xấu không do mình gây ra vừa qua cũng thấy kinh khủng, nhưng đồng xu nào cũng có hai mặt.

Việc sáp nhập Habubank đã giúp hệ thống khách hàng, mạng lưới, quy mô tăng lên thì SHB cũng phải “gánh” một phần nợ của Habubank, góp phần vào tái cấu trúc, cơ cấu ngành ngân hàng.

Nỗ lực thực hiện lời hứa với cổ đông

Có khi nào cổ đông gọi điện, nhắn tin cho ông về vấn đề chia cổ tức?

Ông Nguyễn Văn Lê.

Tôi nhận được khá nhiều tin nhắn phàn nàn sao không chia cổ tức, đặc biệt là trước Ðại hội đồng cổ đông năm 2017 và 2018.

Tôi muốn chia sẻ lại, theo Thông tư 08 của Ngân hàng Nhà nước, đối với những ngân hàng gia hạn trích lập trái phiếu VAMC thì không được chia cổ tức nên 2 năm 2017 - 2018, SHB không được chia cổ tức.

Theo đó, SHB đã phải tập trung mọi nguồn lực năm 2019 nhằm tăng thu nhập thuần cho Ngân hàng để trích lập toàn bộ dự phòng rủi ro khoản nợ xấu và mua lại trái phiếu VAMC về để xử lý.

Ðến thời điểm này, SHB không còn trái phiếu gia hạn 8 năm tại VAMC và đồng thời với đó là đủ điều kiện theo Thông tư 08 được chia cổ tức với tỷ lệ là 20,9%. Còn việc chia cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu tùy thuộc vào quy định của cơ quan quản lý.

Dẫu vậy, thông tin được chia cổ tức là tin vui trong ngày đầu năm mới, để cổ đông có niềm tin hơn vào SHB đã hứa là sẽ thực hiện; hay đó là nỗ lực của toàn bộ Hội đồng quản trị, Ban điều hành, nhân viên hệ thống SHB, vì lợi ích của cổ đông.

Chuyển đổi số trong ngành ngân hàng đang trở thành một xu thế, nhưng SHB có vẻ như “chậm rãi” trong công cuộc chuyển đổi số?

Trong chiến lược phát triển kinh doanh, SHB luôn hoạch định rất rõ ràng theo từng giai đoạn, phù hợp xu thế phát triển của thị trường, việc chuyển đổi ngân hàng số là yếu tố tất yếu sống.

Cách đây 2 năm, SHB đã thuê tổ chức quốc tế uy tín để tư vấn chiến lược phát triển công nghệ thông tin của Ngân hàng.

Hiện tại, chúng tôi đang triển khai hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, trong đó, ngân hàng số nằm trong chiến lược phát triển kinh doanh của SHB những năm tới và trước mắt, một số hạng mục nghiệp vụ sẽ được vận hành trong năm 2020.

Ðây là xu hướng chung của thị trường từ nhiều năm trước và SHB đang đi theo, chú trọng phát triển ngân hàng số với một kế hoạch, chiến lược cụ thể.

Thế giới đang kỳ vọng xu thế phát triển mạnh mẽ của thị trường số nhằm đáp ứng nhu cầu, trải nghiệm của khách hàng.

Bên cạnh đó, ngân hàng số giúp tiết giảm chi phí quản lý, chi phí nhân sự, rút ngắn thời gian giao dịch của khách hàng, cũng như tiết kiệm chi phí cho chính khách hàng khi giao dịch với SHB.

Hoạt động công nghệ thông tin ngân hàng không thể đầu tư một sớm một chiều, cần 6 tháng đến 1 năm vận hành mới công bố và vận hành chính thức, nhưng tôi muốn tiết lộ, SHB sẽ có sự bứt phá về ngân hàng số trong những năm tới.

Ðược biết, thời gian ông ở Ngân hàng nhiều hơn ở nhà…

Không chỉ một mình tôi, mà cả Chủ tịch Hội đồng quản trị, Ban Tổng giám đốc và các cấp quản lý toàn hệ thống cũng thường xuyên làm việc muộn tại Ngân hàng.

Ðối với tôi, SHB là ngôi nhà thứ hai của mình, nơi đây tôi đã gắn bó hơn 20 năm qua, cùng với ý chí, tình cảm và lòng yêu nghề nghiệp, yêu ngôi nhà SHB, tôi cũng như toàn thể cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống SHB cũng không quản ngại khó khăn để cùng nhau đoàn kết một lòng và cố gắng trong hoạt động kinh doanh, nhằm đưa SHB phát triển mạnh mẽ theo đúng định hướng chiến lược của Ðại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị đề ra.

Tại SHB, chúng tôi làm việc từ 8h sáng tới 11h đêm là bình thường, thậm chí có hôm họp qua ngày mới, tới 1 - 2 giờ sáng.

Nhưng tôi không thấy stress, vì những gì mình làm là đóng góp thêm giá trị cho xã hội, tổ chức, nhân viên ngân hàng…, đó thậm chí còn là niềm vui và niềm hạnh phúc của mình.

Sự thành công của SHB trong thời gian qua đến từ nỗ lực của tập thể trong toàn hệ thống, gồm Hội đồng quản trị, Ban điều hành và gần 9.000 cán bộ, nhân viên, chứ không chỉ riêng cá nhân tôi. Tôi rất trân trọng sự đóng góp của toàn thể cán bộ, nhân viên SHB trong thời gian qua.

Tin bài liên quan