Nhựa Pha Lê đã hoàn thiện 90% việc di chuyển, lắp đặt 4 máy nghiện bột CaCO3 siêu mịn từ Nhà máy Hải Phòng tới Nhà máy Nghệ An.

Nhựa Pha Lê đã hoàn thiện 90% việc di chuyển, lắp đặt 4 máy nghiện bột CaCO3 siêu mịn từ Nhà máy Hải Phòng tới Nhà máy Nghệ An.

Nhựa Pha Lê bắt đầu gặt “quả ngọt”

(ĐTCK) Kết quả kinh doanh nửa đầu năm 2018 với doanh thu và lợi nhuận tăng vọt cho thấy chiến lược mở rộng đầu tư của CTCP Sản xuất và công nghệ Nhựa Pha Lê (mã PLP) đang đi đúng hướng. Tiềm năng của Công ty còn rất lớn, đặc biệt khi có thêm các nguồn lực hỗ trợ cho kế hoạch đầy tham vọng đã được hoạch định với tầm nhìn xa.

Bước chuyển thông minh

Sản phẩm chủ yếu của Nhựa Pha Lê trước đây là đá CaCO3 ở dạng nguyên liệu khai thác trực tiếp từ mỏ đá tại Thung Hung, Nghệ An. Tận dụng lợi thế về nguồn nguyên liệu, năm 2014, PLP đã quyết định đầu tư dây chuyền sản xuất hạt phụ gia CaCO3 (Filler masterbatch).

Sau khi nhà máy sản xuất Filler của PLP đi vào hoạt động, cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của công ty đã có sự thay đổi rõ rệt với tỷ trọng lớn đến từ sản phẩm hạt phụ gia CaCO3.

6 tháng đầu năm 2018, Nhựa Pha Lê đạt 245 tỷ đồng doanh thu và 31 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 69% và 25% so với cùng kỳ, hoàn thành 58% kế hoạch doanh thu và 51% kế hoạch lợi nhuận cả năm.

Trong cơ cấu doanh thu của PLP, Filler Masterbatch vẫn là sản phẩm chủ đạo đóng góp hơn 215 tỷ đồng, tăng gần 80% so với cùng kỳ. Sản phẩm hạt nhựa của Pha Lê được tiêu thụ 45% tại thị trường nội địa và xuất khẩu 55% với 3 thị trường xuất khẩu chính là Brazil, Trung Quốc và Dubai.

Lãnh đạo Công ty cho biết, doanh thu hạt nhựa tăng mạnh đến từ việc 4 dây chuyền Filler Masterbatch tại Hải Phòng đã hoạt động với công suất tối đa chỉ sau hơn 1 năm vận hành, sớm hơn kế hoạch ban đầu hơn 1 năm.

Việc tối đa công suất của dây chuyền sản xuất sản phẩm chính đã giúp cho quá trình sản xuất được ổn định, giảm thời gian ngừng máy và giảm tỷ lệ hàng lỗi, tiết kiệm các chi phí phát sinh.

Đồng thời, Nhựa Pha Lê cũng đã hoàn tất việc chuyển 4 dây chuyền nghiền bột đá ở Hải Phòng về Nghệ An giúp giảm giá thành sản phẩm bột đá siêu mịn và tăng công suất thiết kế của cả hai nhà máy hạt phụ gia và bột đá siêu mịn; tạo khoảng trống cho 2 dây chuyền Filler thế hệ mới chuẩn bị lắp đặt.

Công ty đang liên hệ với nhà cung cấp để nhập mua dây chuyền tuyển đá về nhà máy Nghệ An nhằm nâng cao công suất, dự kiến sẽ bổ sung doanh thu và lợi nhuận cho mảng sản phẩm từ đá CaCO3 trong 6 tháng cuối năm. 

Cộng hưởng nguồn lực cho hành trình tham vọng

Bột đá CaCO3 là nguyên liệu chính trong sản xuất hạt phụ gia Filler Masterbatch. PLP đang sở hữu và khai thác mỏ đá CaCO3 có diện tích trên 5,24 ha tại Nghệ An trong thời gian 22 năm từ tháng 8/2015.

Đây là một trong những mỏ đá CaCO3 được đánh giá là tốt nhất thế giới với độ trắng cao khoảng 97%, và trữ lượng dồi dào khoảng 5 triệu mét khối, sản lượng khai thác khoảng 200 nghìn tấn/năm.

Việc sở hữu mỏ đá còn giúp PLP có thể quản lý chất lượng sản phẩm tốt hơn từ khâu nguyên liệu. Chủ động được nguồn nguyên liệu bột đá CaCO3 với chất lượng tốt giúp tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.

Năm 2018, PLP đặt kế hoạch doanh thu 420 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 61 tỷ đồng, tăng lần lượt 34% và 18% so với 2017. Đến thời điểm này, với những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm cũng như động thái đầu tư quyết liệt của Công ty, giới phân tích tài chính nhận định, kế hoạch tăng trưởng 2 con số của Công ty hoàn toàn trong tầm tay.

Nhà máy sản xuất hạt phụ gia CaCO3 sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của PLP, khi tới đây Công ty hoàn thành việc đầu tư nâng công suất nhà máy thêm 50% và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ngoài 2 dây chuyền sản xuất hạt phụ gia nói trên, PLP còn đầu tư thêm 2 dây chuyền tráng phủ axit cho sản phẩm bột đá ở Nghệ An. Đây là công nghệ tiên tiến giúp tăng hiệu suất của quá trình sản xuất hạt phụ gia, giảm tỷ lệ hàng lỗi và tăng tính đồng nhất của sản phẩm hạt phụ gia.

Bên cạnh đó, Công ty đang thực hiện hiệu chỉnh lại dây chuyền nghiền thức ăn gia súc và lắp đặt hoàn thiện 02 dây chuyền bột bả, bột tôm nhằm tận thu nguồn nguyên liệu khoáng sản sẵn có.

Theo kế hoạch, PLP sẽ trả cổ tức 10% năm 2017 và 20% trong năm 2018. Với kết quả kinh doanh bán niên khả quan, EPS 6 tháng đầu năm của cổ phiếu PLP đạt 2.072 đồng.

Trên thị trường chứng khoán, PLP hiện giao dịch với PE 6,5x. Đây là mức định giá hấp dẫn so với doanh nghiệp trong ngành sản xuất vật liệu và mức PE trung bình của thị trường (15x).

Về chiến lược phát triển thời gian tới, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo PLP cho biết, Công ty đang tìm kiếm đối tác chiến lược để hỗ trợ tài chính và hoạt động kinh doanh, đặc biệt là hỗ trợ về công nghệ, thị trường đầu ra, đầu vào…, hướng tới tầm nhìn Top 10 Doanh nghiệp sản xuất Filler Materbatch lớn nhất toàn cầu và doanh nghiệp quốc tế hàng đầu sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc CaCO3 dựa trên nền tảng công nghệ cao.

Tin bài liên quan