Nhân lên những hạt giống tốt sau cổ phần hóa

Nhân lên những hạt giống tốt sau cổ phần hóa

(ĐTCK) Những doanh nghiệp chuyển đổi thực chất, có sự lớn mạnh về quy mô và chất lượng tăng trưởng sau cổ phần hóa đang góp phần vào việc tăng năng suất quốc gia và đóng góp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế.

Cất cánh nhờ nguồn lực đầu tư mới 

Trong phân xưởng Nhà máy Dệt Seamless CTCP Thương mại dịch vụ thời trang Hà Nội (Hafasco) rộng mênh mông chỉ thấp thoáng vài bóng công nhân làm việc, bởi các công đoạn dệt gần như được tự động hóa hoàn toàn. Hafasco đang sử dụng dòng máy dệt điện tử hiện đại nhất hiện nay trong dệt liền mảnh - máy Santoni Fast 2 của Italy.

Ông Peter Tay, Giám đốc Global Brand Partners (Singapore) sau khi khảo sát nhà máy đã chia sẻ, Global Brand Partners muốn hợp tác bao tiêu toàn bộ sản phẩm của Hafasco, đưa thêm các mẫu mã thiết kế mới để nhà máy sản xuất và xuất khẩu, cũng như tiêu dùng trong nước.

Nhiều đối tác khác đã sẵn lòng hợp tác với Hafasco như vậy chỉ sau hơn nửa năm nhà máy đi vào hoạt động.

Sau khi cổ phần hóa, với cổ đông chiến lược là Tập đoàn BRG, Hafasco đã tích cực triển khai tái cơ cấu hoạt động, sắp xếp lại nhân sự, cũng như hợp tác với nhiều đối tác nước ngoài từ Pháp, Singapore, Israel, Hồng Kông… để mở rộng, phát triển sản phẩm mới và nâng cao chất lượng sản phẩm đến khách hàng.

Nhà máy Dệt Seamless, chuyên sản xuất đồ lót liền mảnh cao cấp, được đầu tư giai đoạn 1 gần 40 tỷ đồng với 20 máy dệt.

Sang giai đoạn 2, nhà máy sẽ được đầu tư thêm 30 máy và tiến tới đầu tư tổng cộng 100 máy, mục tiêu trở thành doanh nghiệp đứng đầu ở Việt Nam trong lĩnh vực sản phẩm seamless cao cấp.

Theo ông Lê Thanh Tân, Giám đốc Hafasco, nếu không có nhân lực và vật lực từ nhà đầu tư chiến lược, rất khó để doanh nghiệp có quy mô nhỏ như Hafasco bật lên, vì tiếp cận vốn ngân hàng khi không có tài sản bảo đảm là vô cùng khó khăn.

Tầm nhìn và tư duy thị trường rộng mở

Sức sống mới cũng lan tỏa mạnh mẽ tại Công ty cổ phần Cơ khí ô tô Thống Nhất - Thừa Thiên Huế (Haeco).

“Năm 2016, sản lượng của chúng tôi đạt 150 xe, nhưng từ khi “làm mới” chiến lược kinh doanh cũng như có sự chỉ đạo sát sao của Tập đoàn BRG, sản lượng đã tăng lên 250 - 300 xe/năm, mừng nhất là khách hàng thường đặt trước, sản xuất ra đến đâu, lấy luôn đến đấy, không có sản phẩm lưu kho", ông Nguyễn Văn Quang, Tổng giám đốc Haeco cho biết.

Haeco là một trong các doanh nghiệp thành viên của Tổng công ty Công nghiệp ô tô Việt Nam (Vinamotor sở hữu 51% vốn). Trong 3 năm gần đây, doanh nghiệp đã trở thành một điểm sáng của tỉnh Thừa Thiên - Huế, đứng thứ 3 về nộp nghĩa vụ ngân sách cho tỉnh (hơn 50 tỷ đồng/năm).

Đặc biệt, kể từ khi Vinamotor cổ phần hóa, Công ty đã xây dựng định hướng rõ rệt trong sản xuất -  kinh doanh, tập trung vào các dòng xe thương mại, chất lượng cao, đón đầu nhu cầu phát triển, đổi mới của các doanh nghiệp. Một trong những sản phẩm đánh trúng nhu cầu khách hàng là xe Haeco Limousine.

Được mệnh danh là “khách sạn di động”, Haeco Limousine hoán cải từ xe 47 chỗ xuống 32 chỗ, vẫn giữ được những đặc tính ưu việt của dòng xe Universe nổi tiếng, nhưng nội thất xe được làm lại tiện nghi, sang trọng và đẳng cấp hơn rất nhiều. Dòng xe này được các công ty du lịch ưa chuộng.

Có mặt ở Nhà máy Haeco, dễ dàng cảm nhận được không khí phấn khởi của người lao động khi nhà máy ngày càng phát triển, đời sống công nhân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người đạt xấp xỉ 10 triệu đồng/tháng, thuộc nhóm doanh nghiệp tốt nhất tại Thừa Thiên - Huế.

Không chỉ có Haeco, các nhà máy khác của Vinamotor cũng đang có sự đổi mới mạnh mẽ. Ông Bùi Văn Dũng, Tổng giám đốc Vinamotor lấy ví dụ về một thay đổi mà tất cả các công ty thành viên phải triển khai.

Trước đây, doanh nghiệp thường giảm giá để đấu thầu bán hàng cho doanh nghiệp nhà nước, nhưng nay đã chuyển hướng kinh doanh sang bán hàng cho khối tư nhân, công ty ngoài quốc doanh. Việc chuyển hướng này buộc các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng, đón đầu nhu cầu và xu hướng thị trường để thay đổi trong hoạt động sản xuất - kinh doanh.

Tại Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ sau cổ phần hóa.

Ngay sau Đại hội đồng cổ đông lần đầu chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần vào tháng 6/2018, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn BRG - cổ đông chiến lược của Hapro - đã chỉ đạo kiện toàn bộ máy nhân sự trên cơ sở giữ nguyên bộ máy lãnh đạo cũ, đồng thời bổ sung nhiều cán bộ dày dạn kinh nghiệm của Tập đoàn nhằm hỗ trợ Hapro nhanh chóng triển khai đồng bộ các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm mở mang thị trường, tăng tốc cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu.

Các cuộc họp chỉ đạo được tổ chức định kỳ hàng tháng nhằm soát xét các chỉ tiêu tăng trưởng và đưa ra những quyết định chiến lược như mở rộng nhà máy gạo tại Đồng Tháp hay mở rộng nhà máy may xuất khẩu Hafasco…

Tạo động lực cho sự tăng trưởng

Còn nhiều doanh nghiệp mà các nhà đầu tư chiến lược như BRG bỏ vốn đang được dày công đầu tư, tái cấu trúc để bứt phá.

Thực tế hơn 20 năm triển khai cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã cho thấy, việc chuyển đổi doanh nghiệp không chỉ là sự chuyển đổi về cơ cấu cổ đông và chủ sở hữu, mục tiêu quan trọng hơn là đạt được sự thay đổi về chất trong hoạt động, quản trị của các doanh nghiệp.

Song hành trình đưa các doanh nghiệp nhà nước "lột xác" và gia tăng hiệu quả hoạt động, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất, đòi hỏi nỗ lực đường dài của nhà đầu tư.

Ông Lee ChoongHwan, đại diện Quỹ MAGBI Fund cho rằng, thường chỉ có các nhà đầu tư chiến lược, tính chuyện đi đường dài với doanh nghiệp mới bỏ vốn và tâm huyết đồng hành cùng doanh nghiệp, ngược xuôi đưa doanh nghiệp tiến lên với nhiều mục tiêu áp lực.

Mặt khác, các nhà đầu tư chiến lược vào doanh nghiệp rất tốn kém, từ thuê tư vấn khảo sát, kiểm toán, định giá doanh nghiệp, chấp nhận mức giá bằng hoặc cao hơn giá thị trường dù mua lượng lớn cổ phần.

Bởi thế, không chỉ có nhà đầu tư nhỏ lẻ, các nhà đầu tư chiến lược cũng cần được bảo vệ quyền lợi, để họ nhiệt huyết đóng góp cho doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, cải thiện hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. 

Việt Nam đang nỗ lực cải thiện năng suất lao động để thoát bẫy thu nhập trung bình. Có nhiều bằng chứng cho thấy rằng, các doanh nghiệp lớn hơn và được quản trị tốt hơn có xu hướng tăng tích cực về hiệu quả hoạt động và năng suất. Những lợi thế kinh tế cho phép công ty có quy mô lớn hoạt động hiệu quả hơn.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn cũng phát triển vượt trội nhờ công tác quản trị công ty tốt hơn (do đó có khả năng tiếp cận tốt hơn tới nguồn vốn và nhân lực), công nghệ tiên tiến hơn, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển nhiều hơn, sáng tạo hơn - tất cả các yếu tố tiên quyết để đảm bảo một doanh nghiệp có năng suất cao.

Do đó, có sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược, có tầm nhìn dài hạn trong quá trình đổi mới, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước luôn đóng vai trò quan trọng đối với cải cách kinh tế ở Việt Nam.

Tin bài liên quan