Nhiều người bán hàng nhỏ lẻ đã sử dụng MoMo trong hoạt động thanh toán hàng ngày.

Nhiều người bán hàng nhỏ lẻ đã sử dụng MoMo trong hoạt động thanh toán hàng ngày.

Người sử dụng hạnh phúc là tiêu chí MoMo hướng tới

(ĐTCK) Đây là một trong những chia sẻ của ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch MoMo với Đầu tư Chứng khoán về hoạt động của Công ty năm 2019 trong ngày đầu Xuân. 

Cần hệ sinh thái để cùng phát triển

Còn nhớ, Uber - công ty công nghệ hoạt động trong lĩnh vực vận tải tại hơn 70 quốc gia và MoMo đã ký kết hợp tác chiến lược, theo đó, Ví điện tử MoMo trở thành một trong ba phương thức thanh toán chính của dịch vụ Uber tại Việt Nam. Tuy nhiên, hợp tác này đã phải chấm dứt sau việc Uber và Grab sáp nhập, ông có cho rằng MoMo đã mất mát lớn?

Là ví điện tử thứ 2 trên thế giới, ví đầu tiên ở Đông Nam Á kết hợp với Uber, điều này thể hiện trình độ của MoMo. Để “cả đội” phải lớn lên, tương thích, chuẩn mực nhằm hợp tác được với các đối tác toàn cầu, MoMo đã tái cơ cấu toàn bộ hệ thống công nghệ, nâng cấp sản phẩm lên một đẳng cấp mới.

 Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch MoMo

Thực tế, đây là điều MoMo đã có kế hoạch triển khai và sự hợp tác với Uber là cơ hội để thúc đẩy tiến trình này nhanh hơn, do có đối tác kiểm tra hoạt động tái cơ cấu.

Việc Uber và Grab sáp nhập, nghĩa là họ có chính sách điều chỉnh và đây là điều MoMo không thể kiểm soát, nhưng nhờ thương vụ này, chúng tôi đã trở thành một người khác. “Nếu muốn kết hôn với hoàng tử, bạn phải là nàng công chúa”, với MoMo cũng tương tự. Điều này đồng nghĩa với việc một khi MoMo hợp tác được với các tổ chức đẳng cấp, chúng tôi sẽ còn làm được nhiều việc khác. Rõ ràng, đây vẫn là thương vụ hời đối với Công ty. 

Có thể hiểu MoMo đã lớn mạnh nhưng hệ sinh thái FinTech xung quanh vẫn chưa lớn?

Lĩnh vực FinTech đã chờ đợi rất nhiều điều, trong đó có yếu tố pháp lý. Tuy nhiên, hiện tại, chưa có cơ sở pháp lý tại quốc gia nào đáp ứng được mô hình FinTech, bởi hoạt động này thay đổi rất nhanh. Thường các quốc gia có 2 cách: một là lờ đi, sau đó siết lại; hai là tạo regulatory sandbox - xây dựng một cơ chế quản lý thử nghiệm có kiểm soát để các doanh nghiệp vận hành trong đó, nếu ổn sẽ cung cấp ra thị trường và mở rộng ra các lĩnh vực khác.

Tôi rất mong đợi Chính phủ thông qua regulatory sandbox vì đây là cơ sở để phát triển. FinTech bao gồm hàng nghìn dịch vụ, trong khi về lý thuyết chỉ có thanh toán hoạt động được và nếu muốn thanh toán phát triển mạnh cần thêm các dịch vụ xung quanh.

Không có nguồn nước chảy vào thì bộ máy không vận hành được. Các công ty FinTech như MoMo cũng cần được cung cấp các dịch vụ liên quan đến tài chính, hay nói đơn giản hơn, chúng tôi cần hệ sinh thái xung quanh để cùng phát triển, chứ không thể tự đứng một mình. 

Ông sẽ lạc quan cho năm mới 2019?

Năm 2018, MoMo đã phát triển rất tốt, hơn những gì tôi nghĩ. Nhưng MoMo mới có 10 triệu khách hàng, tương đương 10% dân số sử dụng dịch vụ nên rõ ràng chưa có gì đặc biệt. Đây là việc không thể thay đổi ngày một ngày hai, nhưng với việc có 10.000 đối tác kinh doanh và các đơn vị cung cấp dịch vụ đang thay đổi cách làm việc, tôi tin rằng khách hàng cũng sẽ thay đổi thói quen thanh toán.

Do vậy, năm 2019, tôi lạc quan nhiều hơn. Lượng khách hàng sẽ tăng lên nhiều so với các năm trước vì thị trường đã có đà tăng trưởng. Bên cạnh đó, MoMo không chỉ là FinTech mà còn là InsurTech và nhiều dịch vụ khác. Trong đó, Công ty sẽ là một nền tảng, là siêu ứng dụng để cung cấp tương đối đầy đủ dịch vụ phục vụ nhu cầu của khách hàng.

Đồng thời, MoMo sẽ mở rộng điểm chấp nhận thanh toán để ngay cả những người bán hàng nhỏ lẻ cũng có thể sử dụng ứng dụng này hàng ngày. Việc hệ sinh thái bắt đầu hình thành và người tiêu dùng quen với việc thanh toán điện tử sẽ là yếu tố quan trọng nhất, tạo nền tảng cho sự phát triển của các công ty như MoMo.

Điểm phấn khởi hơn là đầu năm nay, Thủ tướng Chính phủ đã công bố Nghị quyết 02, trong đó đề cập rất rõ phát triển thanh toán điện tử bằng cách cho phép ví điện tử thanh toán các dịch vụ công, thuế, phí của Nhà nước. “Chính phủ đi trước, làng nước đi theo” nên tôi cho rằng, Nghị quyết này rất kịp thời. Chính phủ đã hiểu chúng ta không thể có một chính quyền 4.0 hay một thành phố thông minh nếu không thanh toán điện tử. 

Làm việc gấp 3 - 4 lần là cách để tồn tại

Được biết, rất nhiều nhân viên của MoMo tham gia Iron Man. Liệu có phải đây là câu chuyện “sếp nào phong trào nấy” hay không?

(Cười lớn) Đúng là tôi tham gia Iron Man. Tôi nói với các đồng nghiệp của mình, tôi già nhất, lười nhất còn tham gia được, lý do gì mọi người không tham gia được. Và lãnh đạo MoMo quyết định tất cả những người làm MoMo từ cấp trưởng phòng trở lên phải tham gia Iron Man.

Chúng tôi đã yêu cầu mọi người tham gia chương trình này để rèn luyện về thể chất và tinh thần. Phải tập luyện để khỏe, khi khỏe mọi người sẽ sống lành mạnh, thể chất thay đổi, suy nghĩ thay đổi, làm việc rất tốt. 

Trong cuộc thi Iron Man, mức thấp nhất là bơi 1,9 km, đạp xe 90 km, chạy bộ 21 km. Ai ban đầu cũng nghĩ mình không thể làm được việc này, nhưng với một yêu cầu và sự  hướng dẫn rất đơn giản, tất cả đều hoàn thành. Theo tôi, chúng ta đều có thể làm được tất cả mọi việc, vấn đề là có thoát khỏi suy nghĩ rằng “mình không thể làm được việc này” hay không?

Làm FinTech rất khó, vượt xa những giá trị thông thường, do vậy, phải thoát ra khỏi suy nghĩ cũ để có những suy nghĩ mới. Một công ty không thể phát triển được nếu làm việc với tốc độ bình thường, mà phải làm việc gấp 3 - 4 lần, nâng guồng quay lên, làm thật nhanh, chạy thật nhanh cũng là cách để mình tồn tại. Khi có yêu cầu, phải có quyết tâm, phải nghĩ bằng mọi giá để làm. Nếu nói, khó quá tôi không làm được - đó không phải là suy nghĩ của startup. Do đó, những chương trình như Iron Man sẽ “xốc” lại được toàn công ty.

Trong cuộc trò chuyện với những người khác cùng tham gia Iron Man, mọi việc không hẳn dễ dàng đến vậy mà có nhiều nguy hiểm…

Ví dụ nếu tự nhiên xông ra bơi ở biển, chắc chắn bạn sẽ gặp vấn đề. Câu chuyện ở đây trước tiên là chúng ta phải tập luyện định kỳ. Ở MoMo có chương trình dạy bơi định kỳ 1 tuần 3 lần, có huấn luyện viên ngoài sông, ngoài biển.

Thứ hai là bơi ngoài biển có rất nhiều người hỗ trợ, thậm chí có người nhái lặn ở dưới. Như chính tôi trong lần thi Iron Man đầu tiên, khi bơi biển được một lúc tôi gần như ngất xỉu vì sợ quá, cuống lên.

Nhưng vừa úp mặt xuống biển đã thấy 1 người nhái bên cạnh mình và hỏi có bơi được không hay để đưa lên thuyền đi theo sau. Tôi nói bơi tiếp vì yên tâm khi hiểu rằng, mình được bảo vệ. 900m đầu bơi 40 phút nhưng 1 km sau tôi bơi chỉ trong khoảng 20 phút.

Theo đó, vấn đề là mình đã có tập luyện nên sẽ làm được. Mình có khả năng nhưng sợ quá nên chút nữa hỏng mục tiêu đặt ra bởi tinh thần không vững vàng. Tương tự, với các công ty FinTech, một khi có đường hướng, có người hỗ trợ thì sẽ đi được xa. 

Ý của ông là, nếu có sự hỗ trợ của Chính phủ, các công ty FinTech Việt không chỉ phát triển mạnh ở trong nước mà còn ở nước ngoài?

Đúng vậy. Các doanh nghiệp FinTech nội cần chính sách hỗ trợ của nhà nước bởi đang diễn ra sự cạnh tranh từ doanh nghiệp nước ngoài tại thị trường Việt Nam. MoMo bản chất là trí tuệ Việt, sản phẩm Việt nên việc có được chính sách của Nhà nước hỗ trợ là điều rất quan trọng. Không có sự giúp đỡ của nhà nước, không thể vượt vũ môn cá chép hóa rồng được.

Trong khi đó, tất cả các doanh nghiệp lớn trên thế giới như Alibaba, Amazon… đều được hưởng sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ để mạnh mẽ như ngày hôm nay. MoMo là mầm đã nhú, không thể một thân một mình lớn lên mà cần có sự chăm bón, hỗ trợ sát sao của Chính phủ để lớn lên. 

Là một trong những người sáng lập MoMo, nếu đề cập về niềm vui, ông sẽ nói gì?

Là khi biết được sản phẩm Công ty cung cấp trên thị trường mang lại lợi ích cho khách hàng và người dùng hạnh phúc khi sử dụng dịch vụ này. Người sử dụng hạnh phúc (happy user) là tiêu chí MoMo hướng tới.

Là khi đi bộ dạo quanh thành phố, vào những quán ăn nhỏ lẻ và thấy các chủ quán chấp nhận thanh toán MoMo.

Là khi mỗi lần đưa cậu con trai nhỏ đi chơi, thỉnh thoảng gọi Bố: “Bố, bố ra đây, có việc rất quan trọng”. Và việc quan trọng đó là cậu con trai chỉ cho tôi thấy biển hiệu chấp nhận thanh toán của MoMo.

Đối với Việt Nam, một quốc gia đang phát triển, con đường tốt nhất để vươn lên là sử dụng công nghệ và đào tạo nhân lực. Nếu người Việt mà không thắng được bằng công nghệ trên đất nước mình thì không còn gì để làm.

Tin bài liên quan