Ngẫm triết lý bó đũa trên hải trình vươn xa

Ngẫm triết lý bó đũa trên hải trình vươn xa

(ĐTCK) Trở lại Traphaco một ngày cuối năm, không khí Tết đã tràn ngập các phòng ban, nào đào, nào quất, bánh chưng xanh, câu đối đỏ… Sắc xuân đến rộn ràng như tiếp lửa cho một năm 2019 mỗi người Traphaco phải vượt qua ngưỡng cản của chính mình để tạo ra sức mạnh cộng hưởng bứt phá. 

Giữ nét văn hóa doanh nghiệp truyền thống, đầu năm 2019, Tổng giám đốc Trần Túc Mã đã công bố thông điệp của năm: Quản trị chuyên nghiệp - Tối ưu chi phí - Cộng hưởng giá trị - Hoàn thành chỉ tiêu.

Ông Mã chia sẻ, nhìn trên bức tranh lớn, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư lớn cho công nghệ, nhiệt huyết, đầy đủ kiến thức, được đào tạo bài bản, rất mong muốn đạt được thành công, tuy nhiên kết quả cuối cùng thường không được như kỳ vọng.

Vì sao lại như vậy? Nếu mỗi người, mỗi bộ phận đứng riêng, kết quả thường không đến nỗi nào, nhưng phối hợp lại rất khó ăn ý, ít đem lại hiệu quả cao. Ðó chắc hẳn là do quản trị doanh nghiệp chưa tốt.

Sâu thẳm trong lòng Traphaco, doanh nghiệp có thương hiệu tốt, sản phẩm tốt, nhà máy tốt, người lao động có khát vọng và năng lực, nói cách khác là đã hội tụ được nguồn nhân lực, vật lực, tài lực tốt, nhưng kết quả vẫn chưa được như dự liệu. Phải chăng đâu đó sức mạnh bó đũa chưa được phát huy, người Traphaco chưa cộng hưởng, tổng hợp được toàn bộ sức mạnh, nguồn lực cho các trận đánh lớn. Ðó chính là lý do, năm 2019, vị thuyền trưởng Traphaco chọn là năm tập trung vào quản trị doanh nghiệp.

Trong cuốn sách “Một đời quản trị”, Giáo sư Phan Văn Trường, người đã chèo lái nhiều tập đoàn đa quốc gia, doanh nghiệp quốc tế, chia sẻ rằng, 2 yếu tố khó nhất đối với nhà quản trị là tối ưu hóa tài lực và nhân lực. Với Traphaco, đây cũng là những bài toán hóc búa phải tìm lời giải, dù đây đó trong quá khứ và hiện tại, doanh nghiệp đã gặt hái được nhiều thành công.

Ông Trần Túc Mã cho biết, trong năm nay, nguồn lực tài chính của doanh nghiệp sẽ được quản trị, phân bổ theo các cách thức, chuẩn mực mới, với những công cụ đo đếm chi tiết, chính xác nhất có thể. Nếu như lâu nay, doanh nghiệp Việt thường quản lý tài chính theo nguyên tắc tuân thủ các quy định, quy tắc kế toán thì nay, bối cảnh kinh doanh mới đang buộc các doanh nghiệp phải nâng tầm thành quản trị tài chính.

Bên cạnh tuân thủ và làm đúng, bộ phận tài chính, kế toán còn phải trở thành “cố vấn” của lãnh đạo doanh nghiệp, tham gia hoạch định, phân bổ nguồn lực, sử dụng các công cụ, giải pháp tài chính nhằm dự báo, lường trước các kịch bản kinh doanh xảy ra, có phương án ứng phó và kết quả được đo đếm ở hiệu quả kinh doanh cao nhất cho doanh nghiệp.

Bài toán trăn trở với CEO Trần Túc Mã là quản trị nguồn nhân lực. Ngôi nhà chung Traphaco được gây dựng gần như từ số 0 với lịch sử của những ngày đồng cam cộng khổ, nhưng hừng hực khí thế bước lên phía trước. Không khó hiểu khi vì sao ở những doanh nghiệp Việt với bề dày truyền thống 40 - 50 năm, lại thường trọng tình và rất duy tình.

Khi cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tràn đến, tạo ra những thay đổi như vũ bão trên thương trường và trong lòng mỗi doanh nghiệp, sẽ là vô cùng lý tưởng nếu mọi người trong tổ chức đều thích ứng, vượt qua chính mình để làm việc hiệu quả hơn, đáp ứng được các yêu cầu mới.

Tuy nhiên, mỗi người mỗi tính, mỗi cuộc đời, do đó, CEO thường phải giải quyết những bài toán khó: Nếu người lao động không đáp ứng được yêu cầu mới, hoàn cảnh mới, sẽ hành xử ra sao? Ðặt một bên là hiệu quả và tốc độ của tổ chức, với một bên là số phận, cuộc sống của một người, một gia đình, đâu sẽ là lựa chọn phù hợp nhất?

Ðem câu hỏi này đặt ra với CEO Trần Túc Mã, ông trầm ngâm: “Ai làm việc mà không mưu cầu hạnh phúc, doanh nghiệp phát triển là hữu ích cho xã hội, cho người lao động mà phải đẩy ai đó ra bên lề, liệu rằng phát triển còn ý nghĩa?”. Trong những tình huống ấy, Traphaco đã chọn mở rộng cánh cửa, tìm kiếm, nghĩ ra những phương án để đặt người đúng chỗ, đúng việc.

Khó hơn là có cách nào để khơi thông năng lực của mỗi người, để họ có động lực và có phương thức làm việc nhóm. Tạo ra sức mạnh bó đũa tưởng như đơn giản nhưng quả thực vô cùng khó đối với các nhà quản trị doanh nghiệp.  

Chiến lược phát triển bền vững Traphaco 2017 - 2020, khi mới được công bố khiến thị trường ngạc nhiên với thái độ dò xét khi cho rằng, đây là một chiến lược đầy tham vọng. Càng thăm dò hơn khi năm 2018, Traphaco chưa về đích kế hoạch năm ở con số doanh thu và lợi nhuận dù đó là bức tranh chung của hầu như tất cả các doanh nghiệp dược.

 Trình dược viên Traphaco bán hàng tại nhà thuốc.

Nhưng cuộc thăm nhà máy Traphaco một sáng cuối năm ấy đã giúp tôi hiểu hơn về những nền tảng mà doanh nghiệp đã nỗ lực tạo lập trong suốt năm 2018 đầy thách thức, chẳng hạn hoàn thiện quy trình giao nhận kế hoạch; triển khai theo đúng lộ trình chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, hoàn thành doanh thu sản phẩm mới trước 2 tháng, điều mà chưa năm nào Traphaco đạt được…

Song Tổng giám đốc Trần Túc Mã lại chỉ nói ngắn gọn: “Kết quả của năm 2018, ở khía cạnh nào đó là tích cực, bởi nó giúp cho Traphaco nhìn lại chính mình, tìm ra điểm yếu của mình và thống nhất cùng hành động”.

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Hậu, Phó trưởng Ban Triển khai chiến lược, không phải đến giờ Traphaco mới nhận ra điểm yếu của mình mà đây là một quá trình liên tục. Từ Bản Chiến lược tổng thể, Traphaco đã xây dựng kế hoạch triển khai chiến lược từng năm, tiếp đến là kế hoạch triển khai từng bộ phận, giao công tác theo tháng, có giám sát, đánh giá…

Giao việc giờ được xây dựng thành quy trình, bám theo chiến lược chung và các công cụ quản lý như ISO, KPI, nhưng những cán bộ thuộc bộ phận giao việc như chị Hậu phải nắm bắt vững đặc thù công việc từng bộ phận, nắm bắt được quan điểm quản trị và cách thức quản lý của Ban lãnh đạo để dự thảo ra bản giao việc, lấy đó làm cơ sở thảo luận với các bộ phận.

Ðã có không ít cuộc tranh luận nảy lửa diễn ra, khi bên giao và bên nhận còn có điểm chưa thống nhất. Nhưng có như vậy, mới ra được bản giao việc khả thi nhất, phù hợp nhất. Năm nay, yếu tố phối kết hợp được đề cao đặc biệt khi kết quả KPI gắn liền với quyền lợi của người lao động, kết quả của công đoạn sau đánh giá KPI của công đoạn trước. Kết quả của hoạt động nghiên cứu phải là sản phẩm được đưa ra thị trường; kết quả của hoạt động marketing là tăng trưởng doanh thu…

“Năm 2018, Traphaco mới bước đầu triển khai phương thức giao việc Trnày ở một số bộ phận, việc tìm ra nguyên nhân, có giải pháp khắc phục sớm các vấn đề phát sinh trong triển khai kế hoạch ở mỗi bộ phận đã đem lại kết quả tốt trong quý IV/2018. Ðây sẽ là nền tảng để năm 2019 chúng tôi phát huy tốt hơn”, chị Hậu bộc bạch.

Năm 2019, Traphaco sẽ triển khai giao việc bám theo Chiến lược 2017 - 2020 rộng khắp toàn Công ty và Ban lãnh đạo tin đây là phương thức quản trị mới, giúp người lao động nắm bắt rõ mục tiêu và chủ động trong việc thực thi kế hoạch, rõ trách nhiệm, gắn với lương thưởng, với thành tích cá nhân và tập thể.

Áp dụng cái mới, cách làm mới, làm sao để tạo được sự đồng thuận, tạo được động lực? Tổng giám đốc Trần Túc Mã cho rằng, quan trọng là minh bạch, công bằng, đồng lợi, đánh giá đúng và trả công đúng.  

“Người lao động trong bất cứ doanh nghiệp nào cũng muốn vươn lên, đạt giá trị cao hơn cho bản thân, doanh nghiệp và cho xã hội. Nhưng doanh nghiệp lại khác nhau ở chỗ liệu người đứng đầu có nhìn ra được mong muốn của nhân viên là gì, có đưa ra được mục tiêu và cách thức để họ tham gia những trận đánh, để khi chiến thắng, được ghi nhận và tưởng thưởng xứng đáng. Tôi vốn học ngành dược, không được đào tạo bài bản về quản trị và đang phải học, học nữa để làm tốt được những điều đó”, CEO Trần Túc Mã trải lòng.

Tin bài liên quan