NCB củng cố nhân lực, chuẩn bị đón dòng vốn ngoại

NCB củng cố nhân lực, chuẩn bị đón dòng vốn ngoại

(ĐTCK) Việc lựa chọn người đứng đầu có vai trò rất quan trọng trong bất cứ tổ chức nào, trong đó có ngân hàng, bởi điều đó sẽ tác động trực tiếp tới sự phát triển trong hiện tại và tương lai. Với NCB, việc cân nhắc “chọn mặt gửi vàng” đã được triển khai một cách kỹ càng, cẩn trọng và sớm mang lại kết quả.

Lộ diện nhiều gương mặt mới

Cùng với quá trình tái cấu trúc diễn ra mạnh mẽ trong suốt 5 năm qua, nhân sự cao cấp của các ngân hàng đã và đang dần lộ diện nhiều gương mặt mới, góp phần tạo nên những chuyển biến tích cực trong bức tranh chung toàn hệ thống. Đặc biệt, trong nửa cuối năm 2017 và đầu năm 2018 này, ngành ngân hàng tiếp tục chứng kiến những chuyển động về nhân sự cấp cao trong Hội đồng quản trị, bổ nhiệm CEO mới làm nóng thị trường.

Sự chuyển động này có nhiều lý do. Tuy nhiên, một điều dễ dàng quan sát thấy là bản thân ngành ngân hàng đang có những khởi sắc, hứa hẹn cho một giai đoạn phát triển mới bền vững hơn, nên việc đòi hỏi một bộ máy nhân sự cấp cao thực sự “chất lượng”, có năng lực quản trị, điều hành tương xứng là nhu cầu tất yếu.

Ngành ngân hàng Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, đi cùng với đó là làn sóng thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến tìm cơ hội hợp tác đầu tư cũng đặt ra yêu cầu tương đối cao đối với những người ở vị trí điều hành như CEO. Theo đó, người đứng đầu có năng lực điều hành, có tư duy quản trị hiện đại phù hợp với thông lệ quốc tế, khả năng làm việc trong môi trường đa văn hóa sẽ giúp ngân hàng nhanh chóng nắm bắt thời cơ, tìm được đối tác tiềm năng.

NCB đã sẵn sàng đón nhà đầu tư chiến lược 

Một chuyên gia tài chính nhận định: “Những nhà băng đang trong quá trình thay đổi chiến lược kinh doanh, đặc biệt trong giai đoạn quan trọng tăng vốn, mua bán sáp nhập, tìm kiếm đối tác đầu tư, luôn mong muốn bổ sung thêm người tài vào bộ máy quản lý, nhất là vị trí tổng giám đốc. Hay như với lộ trình thực hiện Basel II, nhiều ngân hàng cũng sớm có sự chuẩn bị kỹ càng về nguồn lực, về nhân sự nhằm đáp ứng những quy định khắt khe hơn, tiêu chuẩn cao hơn trong quy trình hoạt động”.

Dù sự biến động nhân sự đến từ nguyên nhân nào thì giới quan sát vẫn cho rằng, những sự thay đổi về nhân sự được kỳ vọng sẽ giúp các ngân hàng bước vào một thời kỳ mới phát triển ổn định hơn, đồng thời mang lại làn gió mới cho các ngân hàng.

“Chọn mặt gửi vàng”

Tìm kiếm nhân sự có chất lượng nói chung và đặc biệt là nhân sự cấp cao luôn là một trong những vấn đề được các ngân hàng đặt lên hàng đầu. Đây cũng chính là lý do khiến các ngân hàng khi lựa chọn người đứng đầu vẫn phải cất công tìm kiếm các nhân sự có năng lực, am hiểu sâu sắc văn hóa nội bộ, tâm huyết và có sự ảnh hưởng với hệ thống vào bộ máy lãnh đạo, với mục tiêu mang lại bức tranh mới khởi sắc hơn cho ngân hàng.

Trong năm 2017 và đầu năm 2018, một loạt các ngân hàng đã có sự thay đổi về vị trí CEO như SeABank, Sacombank, Nam Á Bank, PVcomBank… Trong đó, trường hợp NCB là một ví dụ tiêu biểu thành công trong việc lựa chọn CEO mới. NCB đã bổ nhiệm ông Lê Hồng Phương giữ chức Tổng giám đốc sau một thời gian dài “ghế nóng” này vắng chủ và trong bối cảnh Ngân hàng đang bước vào giai đoạn cuối của việc đàm phán với đối tác chiến lược nước ngoài.

Theo thông báo từ NCB, đây chính là một trong những bước đi có tính chiến lược cho một giai đoạn phát triển mới của Ngân hàng nhằm hiện thực hóa mục tiêu về tìm kiếm đối tác chiến lược nước ngoài, tăng năng lực tài chính để đưa NCB trở thành một ngân hàng bán lẻ hiệu quả, đi đầu về ứng dụng công nghệ số và tạo sự khác biệt bằng mô hình tư vấn tài chính chuyên nghiệp.

Sự ổn định của nền kinh tế, hoạt động khởi sắc của ngành ngân hàng nói chung, sự ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là với những quyết định đầu tư có tính đột phá về bộ máy nhân sự, nền tảng công nghệ vận hành, NCB đang cho thấy sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

 Nhiều sản phẩm mới được khách hàng đón nhận

Về khía cạnh này có thể kể đến dự án tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài mà Ngân hàng đã ký kết với đối tác tư vấn quốc tế từ đầu năm 2017. Ông Lê Hồng Phương -   trước khi là CEO, chính là người trực tiếp điều hành dự án này và chỉ trong một thời gian ngắn, NCB đã thu hút được rất nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm, đặt vấn đề được trở thành cổ đông chiến lược.

Cho đến thời điểm này, theo tiết lộ của những người trong cuộc, dự án đã gần đến ngày “hái quả” khi NCB đưa ra mục tiêu “chốt” trước 30/6/2018 với 1 trong 3 nhà đầu tư đã vào “chung kết” để soát xét, đàm phán các điều kiện trở thành cổ đông chiến lược. Được biết, NCB cũng đã có báo cáo với Ngân hàng Nhà nước và đưa phương án này vào Đề án tái cơ cấu, phát triển ngân hàng đến 2020 để trình các cơ quan quản lý nhà nước chấp thuận.

Về hoạt động kinh doanh trong những năm qua, NCB với thành công bước đầu dưới sự dẫn dắt của CEO mới đã cho thấy sự bứt phá vượt bậc chỉ trong một thời gian ngắn. Trong năm 2017, nhà băng này ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan ở hầu hết các chỉ số, bám sát chiến lược tập trung hiệu quả cho giai đoạn tăng tốc phát triển đến năm 2020.

Hứa hẹn đột phá

Báo cáo tài chính của NCB cho thấy, trong năm 2017, hoạt động cho vay và huy động từ khách hàng của NCB tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao hơn mức bình quân thị trường; cụ thể huy động đạt 51.000 tỷ đồng, tăng gần 20% và cho vay đạt 32.000 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm 2016. Thu nhập lãi thuần cả năm đạt 1.117,5 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế tăng gấp 2 lần với năm 2016.

Kết quả kinh doanh với nhiều điểm khởi sắc và bền vững trong năm 2017 đã tiếp tục khẳng định niềm tin của khách hàng với NCB. Năm qua, Ngân hàng cũng duy trì năm thứ 3 liên tiếp nhận giải thưởng Thương hiệu mạnh Việt Nam cùng với nhiều giải thưởng uy tín trong nước và quốc tế.

Cũng phải nói thêm rằng, trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh, việc tìm kiếm đối tác ngoại với tiềm lực tài chính mạnh, trình độ công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản trị nhân lực, quản trị rủi ro chính là xu hướng chung của toàn hệ thống ngân hàng. Không chỉ NCB, hiện một số nhà băng như VPBank, LienVietPostBank, OceanBank… cũng đang được các đối tác ngoại “để mắt” đến. Trước đó, không thiếu ví dụ về các ngân hàng có sự tăng trưởng vượt bậc sau khi có đối tác ngoại tham gia vào bộ máy như TPBank, hay trước nữa là Vietcombank, VietinBank hay Techcombank...

Cùng với kết quả tài chính ngày một khởi sắc của toàn hệ thống, khi việc tham gia của đối tác chiến lược nước ngoài được thông qua thì chắc chắn đó sẽ là một trong những “cú huých" hứa hẹn sự đột phá trong tương lai của toàn ngành ngân hàng nói chung và NCB nói riêng. 

Tin bài liên quan