Sự kiện ra mắt không gian giao dịch số là đòn bẩy để Nam A Bank chuyển đổi mô hình ngân hàng truyền thống sang đa không gian giao dịch.

Sự kiện ra mắt không gian giao dịch số là đòn bẩy để Nam A Bank chuyển đổi mô hình ngân hàng truyền thống sang đa không gian giao dịch.

Nam A Bank: Không có bóng dáng M&A trong cuộc chuyển đổi

(ĐTCK) Từ một ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ, những năm gần đây, Nam A Bank đã không ngừng mở rộng quy mô, sẵn sàng cho cuộc chuyển đổi để bứt phá thành công. Trên chặng đường tăng trưởng, không có bóng dáng của M&A, kể cả với câu chuyện liên quan đến Eximbank. 

Không còn liên quan tới Eximbank

Nếu như trước đây, khi nhắc đến Nam A Bank, người ta dễ dàng liên tưởng đến thương vụ sáp nhập với Eximbank.

Tuy nhiên, người của Nam A Bank dần rút lui khỏi Ban lãnh đạo Eximbank, sau đó các nhóm cổ đông liên quan đến Nam A Bank cũng bán hết cổ phần Eximbank. Nam A Bank đã từng bước đẩy mạnh tái cơ cấu bằng sức mạnh nội tại.

Trải qua năm 2019, dù chưa hết khó khăn khi nhân sự cấp cao là Chủ tịch Hội đồng quản trị - ông Nguyễn Quốc Toàn phải rời "ghế nóng” Nam A Bank do những tranh chấp nội bộ gia đình xảy ra trước thềm Ðại hội đồng cổ đông 2019, song với sự nỗ lực của toàn thể cán bộ nhân viên, Nam A Bank đã đạt được kế hoạch đề ra trong năm.

Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đưa ra là 1.000 tỷ đồng trong năm 2019, Ngân hàng đã hoàn thành. Ðặc biệt, việc kiểm soát rủi ro được Nam A Bank chú trọng, đặt lên hàng đầu, tỷ lệ nợ xấu luôn kiểm soát dưới 3%.

Bên cạnh đó, Nam A Bank cũng đã hoàn thành chiến lược mở mới 35 đơn vị kinh doanh theo kế hoạch đã được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt từ tháng 10/2018, “phủ sóng” thương hiệu tại các khu vực trọng điểm từ Bắc đến Nam.

Ðồng thời, tháng 12/2019, Nam A Bank chính thức được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt cho phép áp dụng Basel II trước hạn. Sự kiện này tiếp tục khẳng định hoạt động an toàn, hiệu quả và bền vững của Ngân hàng.

Theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, ngày 1/1/2020 là thời điểm tất cả các ngân hàng phải tuân thủ các quy định Basel II. Tới thời điểm này, cùng với Nam A Bank, nhiều ngân hàng lớn cũng đã hoàn thành trước hạn chuẩn Basel II, có thể kể tới như Vietcombank, BIDV, ACB…

Ðể đạt chuẩn quốc tế Basel II trước thời hạn, năm 2019, Nam A Bank đã triển khai các hoạt động, chương trình nhằm nâng cao năng lực quản trị rủi ro, phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ, đạt chuẩn chứng nhận ISO10002:2018 về hệ thống quản lý chất lượng và sự hài lòng của khách hàng trong nâng cao chất lượng dịch vụ, đem đến những trải nghiệm hoàn hảo.

Trong đó, việc triển khai “tín dụng xanh” với các gói cho vay ưu đãi dành cho các lĩnh vực “xanh”, các hoạt động bảo vệ môi trường là các chương trình trọng điểm và là nền tảng trong chiến lược phát triển bền vững của Ngân hàng.

Ðáng chú ý, trong công bố mới nhất, Moody's tiếp tục duy trì mức tín nhiệm B2 cho Nam A Bank đối với hạng mục tiền gửi dài hạn, đồng thời đánh giá triển vọng ổn định lâu dài trong hoạt động của Ngân hàng.

Theo phân tích của Moody’s, Nam A Bank phát triển ổn định, chất lượng tài sản có sự cải thiện đáng kể.

Tính đến cuối tháng 6/2019, Ngân hàng đã xử lý hết các khoản nợ xấu đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC).

Ðồng thời, các tài sản có tính thanh khoản cao như tiền mặt tại quỹ, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và trái phiếu chính phủ chiếm tỷ lệ 28% trên tổng tài sản hữu hình vào cuối năm 2018 (so với tỷ lệ 24% vào cuối năm 2017).

Tổng tài sản Nam A Bank đến hết tháng 9/2019 đạt 87.820 tỷ đồng, tăng gần 13.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Thực tế cho thấy, Nam A Bank không ngừng chuyển đổi mô hình hoạt động từ ngân hàng truyền thống sang ngân hàng số, đón đầu xu hướng phát triển.

Theo định hướng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, rất nhiều ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán và các doanh nghiệp đã nỗ lực cung cấp nhiều giải pháp thanh toán điện tử hiện đại như QR Code trên ứng dụng ngân hàng, ví điện tử, thẻ thanh toán không tiếp xúc...

Nắm bắt được xu hướng này, Nam A Bank sớm triển khai không gian giao dịch tích hợp hệ sinh thái hiện đại, trở thành ngân hàng Việt tiên phong đưa robot, trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động giao dịch, nâng cao trải nghiệm của khách hàng.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, khách hàng được trải nghiệm đa không gian giao dịch với các thiết bị hiện đại, đón đầu xu hướng công nghệ 4.0 như tablet, LCD touch screen…, đáng chú ý là sự xuất hiện của robot OPBA và chi nhánh số VTM OPBA.

Mục tiêu nào cho năm 2020?

Theo Tổng giám đốc Nam A Bank Trần Ngọc Tâm, mục tiêu của Nam A Bank năm 2020 là tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 6.000 tỷ đồng, từ mức 5.000 tỷ đồng như hiện tại.

Năm qua, Nam A Bank hoàn tất kế hoạch tăng vốn lên 3.890 tỷ đồng từ nguồn thặng dư chia cổ tức cho cổ đông và mới đây nhất, đầu tháng 1/2020, Nam A Bank đã được chấp thuận kế hoạch tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng.

“Kế hoạch tăng vốn trong năm 2020 sẽ được Nam A Bank triển khai với việc chào bán cho đối tác trong và ngoài nước, tỷ lệ cổ phần bán khoảng 20%”, ông Tâm nói và cho biết thêm, hiện có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang đàm phán với Ngân hàng, mong muốn sở hữu cổ phần Nam A Bank.

Chủ trương của Hội đồng quản trị Nam A Bank trong việc thu hút cổ đông chiến lược là phải tìm được nhà đầu tư có tầm nhìn và chiến lược phù hợp.

Sau khi tăng vốn, Nam A Bank sẽ đưa cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE).

Bởi niêm yết cổ phiếu không chỉ giúp Ngân hàng tăng tính minh bạch, tăng khả năng huy động vốn, mà còn để tuân thủ quy định của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước là tất cả các ngân hàng phải niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán tập trung từ đầu năm 2020.

Hiện tại, Nam A Bank là một trong những ngân hàng còn nguyên room ngoại.

Năm 2020 tiếp tục được xem là năm triển vọng của ngành ngân hàng, nhưng kéo theo đó là mức độ cạnh tranh cũng ngày càng gay gắt hơn.

Do đó, hoạt động số hóa trong ngành sẽ càng được được đẩy mạnh, đòi hỏi các ngân hàng phải có chiến lược kinh doanh phù hợp với xu hướng mới.

Nam A Bank đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào công tác quản trị điều hành và quản lý rủi ro nhằm hướng đến mục tiêu trở thành 1 trong 17 ngân hàng thương mại cổ phần hoạt động hiệu quả nhất tại Việt Nam vào năm 2020.

Lãnh đạo Nam A Bank cho biết, năm 2020, Ngân hàng tiếp tục cải tiến hệ thống giao dịch để tăng hiệu quả kinh doanh, tăng tính bảo mật, giảm thiểu rủi ro tín dụng và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Với việc được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận triển khai Basel II, Nam A Bank đã xây dựng được một khung quản trị rủi ro vững chắc.

Ðó là cơ sở để Nam A Bank thúc đẩy gia tăng trải nghiệm khách hàng, hướng đến là ngân hàng Việt đầu tiên có chất lượng dịch vụ tài chính đạt tiêu chuẩn 5 sao.

Theo ông Trần Khải Hoàn, Phó tổng giám đốc thường trực Nam A Bank, sự kiện ra mắt không gian giao dịch số là điểm sáng trên hành trình chinh phục công nghệ tương lai của Ngân hàng.

“Ðây là đòn bẩy để Nam A Bank chuyển đổi mô hình ngân hàng truyền thống sang đa không gian giao dịch trên hợp kênh ứng dụng, gia tăng tính cạnh tranh trên thị trường tài chính, phát triển bền vững, cũng như tạo ra làn sóng công nghệ mới, số hóa các hoạt động tài chính, tín dụng trong bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 bùng nổ, sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành ngân hàng tiên phong về công nghệ”, ông Hoàn nói.

Việc “cài” trí tuệ nhân tạo vào các “gương mặt đại diện” cho ngân hàng có thể trở thành cuộc cách mạng mới trong xu hướng tiêu dùng sản phẩm tài chính.

Những quyết định đầu tư vào công nghệ của các ông chủ nhà băng ngày nay đang dần hình thành diện mạo ngân hàng trong tương lai.

Hệ sinh thái này được hợp kênh ứng dụng trên nền tảng Open Banking của Nam A Bank, sẽ là giải pháp tài chính tối ưu của khách hàng khi có thể giao dịch đa kênh, đa tiện ích, với hàng loạt tính năng toàn diện, vượt trội, tích hợp trên các thiết bị thông minh mà Nam A Bank mới triển khai.

Tin bài liên quan