Năm 2019, Đường Quảng Ngãi (QNS) đặt kế hoạch doanh thu 8.400 tỷ đồng

Năm 2019, Đường Quảng Ngãi (QNS) đặt kế hoạch doanh thu 8.400 tỷ đồng

(ĐTCK) Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (mã CK: QNS) vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên 2019, thông qua nhiều đề án phát triển để trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống Việt Nam.

2018, vững bước tăng trưởng

Mặc dù ngành hàng tiêu dùng nhanh giảm tốc trong năm qua, nhưng nhờ hướng đi chủ động, tối ưu chi phí và đa dạng hóa sản phẩm, QNS tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng khả quan với doanh thu tăng 6% lên 8.200 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng ấn tượng 23% đạt 1.405 tỷ đồng.

Đóng góp chính vào sự tăng trưởng này đến từ mảng sữa đậu nành Vinasoy và mảng đường và các sản phẩm từ đường mía khi chiếm 76% về doanh thu và 82% về lợi nhuận.

Trong năm vừa qua, Vinasoy vẫn giữ được sản lượng và doanh thu và tăng tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 44%/năm so với 40% của năm 2017 trong lúc ngành hàng tăng trưởng âm. Mảng đường mía tăng 21% về doanh thu, đồng thời cải thiện tỷ suất lợi nhuận từ 3% đến 12%.

Các chỉ số tài chính năm qua của QNS cũng được cải thiện đáng kể. Tỷ suất lợi nhuận gộp của công ty tăng từ 26% lên 30%. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu (EPS) đạt 5.020 đồng, tăng 23% so với năm trước. Mức chia cổ tức dành cho cổ đông 35% bằng tiền mặt và cổ phiếu.

 Kế hoạch 2019: Đột phá, hướng tới vị trí đầu ngành

Đại hội đồng cổ đông thống nhất thông qua kế hoạch doanh thu năm 2019 là 8.400 tỷ đồng, tăng 2% so với năm trước và lợi nhuận tăng 6% so với số kế hoạch cùng kỳ năm ngoái. Đó là mục tiêu không hề dễ dàng đạt được trong bối cảnh ngành hàng thức uống dinh dưỡng chững lại, ngành mía đường vẫn đang gặp nhiều thách thức.

Theo HĐQT và Ban tổng giám đốc Công ty, nhiệm vụ ưu tiên trong năm nay là tiếp tục đầu tư vào hai mảng giá trị cốt lõi là đường và sữa đậu nành để tăng tốc, đón đầu cơ hội trong các năm tiếp. Nền tảng “kiềng ba chân” trong chiến lược phát triển gồm: đa dạng hóa sản phẩm và thị trường - phát triển vùng nguyên liệu - phát triển bền vững cùng cộng đồng. Tất cả hướng đến mục tiêu, đưa QNS trở thành thương hiệu hàng đầu trong nước, tiến ra thế giới. Chiến lược phát triển cụ thể cho từng ngành hàng như sau:

Đối với mảng sữa đậu nành và các sản phẩm khác từ đậu nành, Vinasoy đẩy mạnh cải tiến và đa dạng hóa các chủng loại sản phẩm sữa đậu nành, phục vụ đa dạng hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Sau khi tung ra thị trường sữa đậu nành Fami Go và nhận được phản hồi tích cực trong 2018, trong năm nay, Vinasoy sẽ đưa ra thị trường ít nhất 3 dòng sản phẩm mới và sẽ tiếp tục tung ra các sản phẩm sữa đậu nành cũng như các sản phẩm dinh dưỡng từ đậu nành trong các năm sau.

Trong năm nay, Vinasoy sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc thông qua các kênh phân phối hiện đại, đẩy mạnh thâm nhập thông qua kênh thương mại điện tử, tích cực đầu tư quảng bá thương hiệu thông qua các chương trình khuyến mãi, tổ chức sự kiện, tham gia triển lãm...

Về nguyên liệu, từ cuối năm 2013, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng đậu nành Vinasoy được thành lập với sự hợp tác với các tổ chức hàng đầu thế giới và xác định đầu tư mạnh vào giống - yếu tố tạo ra sự khác biệt, lợi thế cạnh tranh bền vững. Với việc ứng dụng công nghệ cao trong việc chọn lọc, lai tạo và phát triển các giống đậu nành có năng suất, chất lượng cao, không biến đổi gen, phù hợp cho từng dòng sản phẩm, Vinasoy đến nay đang sở hữu một ngân hàng giống gồm 1.588 dòng, giống đậu nành quý và lai tạo thành công các giống đậu nành, năng suất gấp 1.5-2 lần so với giống đậu nành địa phương; giàu dưỡng chất quý báu như đạm, omega 3, 6, 9.

Đối với mảng đường và chế phẩm từ đường, QNS sẽ đầu tư mạnh vào mảng đường mía trong năm nay để đón đầu sự phục hồi của thị trường mía đường trong năm 2020 theo chu kỳ suy giảm 5 năm, đồng thời tăng sức cạnh tranh khi thị trường hội nhập theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA).

Công ty đang đầu tư xây dựng nhà máy tinh luyện đường năng suất 1.000 tấn/ngày, dự kiến đưa vào sản xuất thương mại trong năm 2020. Khi đi vào hoạt động, Nhà máy đường từ mía nguyên liệu và Nhà máy đường tinh luyện An Khê sẽ cung cấp 600 – 700 ngàn tấn đường/năm, đáp ứng khoảng 30% nhu cầu tiêu thụ của Việt Nam.

 Công ty cũng nghiên cứu, triển khai mô hình khai thác sản phẩm từ đường mía gồm đường mía –điện sinh khối từ bã mía – ethanol giúp khai thác tối đa nguồn nguyên liệu và chủ động trong việc đa dạng sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường. Từ năm 2018, Đường Quảng Ngãi đã đưa Nhà máy điện sinh khối đi vào hoạt động và hòa vào lưới điện quốc gia. Công ty cũng đang xúc tiến đầu tư sản xuất ethanol từ nguồn mật rỉ của Nhà máy đường và dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2022.

Ngoài việc tiếp tục tiêu thụ đường thông qua các doanh nghiệp sản xuất, trong năm nay, QNS sẽ nghiên cứu và đưa ra thị trường các sản phẩm đường đóng gói nhỏ (0,5kg; 1kg...) phục vụ cho nhu cầu hằng ngày của người tiêu dùng.

Về nguyên liệu, Công ty hiện có vùng trồng mía lớn nhất nhì cả nước với tổng diện tích trên 30.000 ha, khai thác theo mô hình cánh đồng mẫu lớn. Kỳ vọng trong 3 năm tới, vùng này mở rộng lên 40.000 ha.

Với các bước đi vững chắc, được cân nhắc cẩn trọng và phù hợp với từng giai đoạn, QNS kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều bước chuyển đột phá mới trong cả khâu sản xuất và tiêu thụ, duy trì tốc độ tăng trưởng khả quan và toàn diện trong năm nay.