Mường Thanh Grand Hà  Nội - 1 trong 50 khách sạn 4- 5 sao hiện nay của Tập đoàn Mường Thanh

Mường Thanh Grand Hà Nội - 1 trong 50 khách sạn 4- 5 sao hiện nay của Tập đoàn Mường Thanh

Mường Thanh: 25 năm một chặng đường

(ĐTCK) “Chuỗi khách sạn tư nhân lớn nhất Đông Dương” của Tập đoàn Mường Thanh đã ghi dấu ấn ở khách sạn thứ 50 được khai trương mới đây trong tổng số 53 khách sạn và dự án khách sạn dự kiến được đưa vào hoạt động tính đến hết năm 2018. Trong suốt 25 năm hoạt động, Tập đoàn đã cung cấp hàng chục nghìn phòng lưu trú, hàng chục nghìn căn hộ, tạo ra hàng chục nghìn công ăn việc làm trên toàn quốc.

Chuỗi khách sạn mang thương hiệu Việt

Tại Lễ khai trương Khách sạn Mường Thanh Hà Nam giữa tháng 6/2017, bà Lê Thị Hoàng Yến, Tổng giám đốc Tập đoàn Mường Thanh cho biết, trong 25 năm hình thành và phát triển, với chiến lược mở rộng không ngừng, Mường Thanh luôn khẳng định vị thế của một tập đoàn khách sạn nội địa, hoạt động quy mô và chuyên nghiệp tại thị trường Việt Nam và ngày càng vươn rộng ra thị trường thế giới.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục nâng tầm thương hiệu Mường Thanh trong việc phát triển dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn, đảm bảo chất lượng sản phẩm, dịch vụ đúng đẳng cấp, đội ngũ nhân viên được đào tạo liên tục theo các chương trình quốc tế”, bà Yến chia sẻ.

Mường Thanh: 25 năm một chặng đường ảnh 1

 Ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh

Gắn liền với tên tuổi “đại gia điếu cày” Lê Thanh Thản, hệ thống khách sạn Mường Thanh với khởi đầu là Mường Thanh Điện Biên hơn 20 năm về trước, nay đã mở rộng ra khắp cả nước và có mặt tại thủ đô Viêng Chăn (Lào). Bên cạnh một số thành phố lớn, Mường Thanh rất chịu khó đầu tư ở tỉnh lẻ, những chỗ chưa ai làm thì Mường Thanh làm, đầu tư chưa cần tính đến lợi nhuận.

Với lĩnh vực khách sạn, ông Thản chỉ đầu tư khách sạn 4, 5 sao. Triết lý mà “đại gia điếu cày” tâm đắc là cung cấp sản phẩm cao cấp, nhưng giá hợp lý cho thị trường, vì nhu cầu của người dân và cả du khách nước ngoài ở phân khúc này rất tiềm năng.

Nhiều người từng hỏi ông Thản và con gái rằng, Mường Thanh có tính chuyện bán bớt khách sạn? Ông Thản đã trả lời: “Mường Thanh xây dựng chuỗi lớn không phải để bán, mà để hoạt động, tạo dựng thương hiệu khách sạn Việt. Làm khách sạn có lãi, nhưng lãi không dày. Làm khách sạn là để tạo ra công ăn việc làm cho xã hội, đem lại dịch vụ tốt cho các địa phương, hỗ trợ các địa phương thu hút đầu tư. Có cơ hội hợp lý, chúng tôi sẽ tiếp tục làm. Khi nào không làm được nữa mới nghỉ”.

Nhà ở phù hợp với túi tiền

Trong lĩnh vực bất động sản, Mường Thanh không phải là pháp nhân trực tiếp đứng tên chủ đầu tư các dự án, nhưng thương hiệu này gắn liền với ông Thản và cũng trở thành cái tên quen thuộc trên thị trường.

Khác với lĩnh vực khách sạn là tập trung vào phân khúc hạng sang, với bất động sản, ông Thản chủ trương xây nhà ở phân khúc bình dân, phù hợp với túi tiền của nhiều người có thu nhập trung bình trở lên. Những dự án gắn với tên tuổi của Tập đoàn là Khu đô thị Xa La (Hà Nội), Khu chung cư Đại Thanh, Khu chung cư HH Linh Đàm, Khu đô thị Thanh Hà…

Mường Thanh xây dựng chuỗi lớn không phải để bán, mà để hoạt động, tạo dựng thương hiệu khách sạn Việt. Làm khách sạn có lãi, nhưng lãi không dày. Làm khách sạn là để tạo ra công ăn việc làm cho xã hội, đem lại dịch vụ tốt cho các địa phương, hỗ trợ các địa phương thu hút đầu tư

- Ông Lê Thanh Thản, 

Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh

Có thể nói, Mường Thanh đã tạo dấu ấn trong thực hiện những dự án nhà ở thương mại giá rẻ, góp phần “hồi sinh” nhiều dự án bị “đắp chiếu” suốt nhiều năm. Khu đô thị Thanh Hà từng bỏ hoang gần chục năm, người dân ký hợp đồng mua bán nhà đã chấp nhận “mất trắng”, nhưng một ngày nọ được thông báo chuẩn bị để cuối năm nhận nhà, đường sá, chung cư, nhà liền kề, cây xanh đang mọc lên san sát.

Ở bất cứ dự án nào, sản phẩm bất động sản ở phân khúc nào, cao cấp, bình dân hay thấp cấp, chung cư hay căn hộ nghỉ dưỡng, tiêu chí quan trọng nhất mà ông Thản và Mường Thanh quan tâm là thanh khoản và bán được hàng, không để tiền “chết”.

Cũng bởi vậy, số tiền nộp vào ngân sách nhà nước của cả hệ thống Mường Thanh trong 25 năm hoạt động, theo chia sẻ của một nguồn tin từ Tập đoàn, lên đến hàng ngàn tỷ đồng; số tiền chi cho các hoạt động xã hội, cộng đồng hàng trăm tỷ đồng.    

Tập đoàn Mường Thanh có 12% thị phần kinh doanh khách sạn trên cả nước, trong đó chiếm khoảng 10% tổng số phòng lưu trú tiêu chuẩn 4 - 5 sao. Tổng số lượng phòng tính đến hết 31/12/2016 đạt 8108 phòng. Trong năm 2016, hệ thống khách sạn Mường Thanh đã đón hơn 2,5 triệu lượt khách, đạt tỷ lệ lưu trú trên 50%. Tổng doanh thu vượt ngưỡng 1.700 tỷ đồng, vượt 2,5% kế hoạch đề ra ban đầu.

Năm 2017, Mường Thanh kỷ niệm 25 năm thành lập (1992 - 2017). Hành trình Về nguồn là một trong những hoạt động lớn kỷ niệm 25 năm thành lập Tập đoàn. Hành trình có sự tham gia của toàn bộ các đơn vị thành viên, trải qua chặng đường qua nhiều địa phương: Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La và cả nước bạn Lào, trong tháng 8/2017.

Tại Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Phongsaly (Lào), đoàn Về nguồn sẽ tổ chức hoạt động trao quà từ thiện cho những đối tượng khó khăn như: trẻ em khuyết tật, gia đình nghèo, gia đình chính sách, thương binh nhiễm chất độc da cam, học sinh nghèo vượt khó. Tổng giá trị các suất quà từ thiện mà Tập đoàn Mường Thanh trao trong đợt này khoảng 4 tỷ đồng.

Tin bài liên quan