MB củng cố nền tảng và chuyển dịch số

MB củng cố nền tảng và chuyển dịch số

(ĐTCK) Sau 25 năm hoạt động vững vàng, tin cậy, Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã định hình rõ nét tầm vóc của một tập đoàn tài chính năng động với cốt lõi là một ngân hàng thông minh, cam kết không ngừng đổi mới để cung cấp những giải pháp sáng tạo và an toàn cho hàng triệu khách hàng. 

Thượng tướng Lê Hữu Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB chia sẻ, MB quyết tâm thực thi bốn chuyển dịch chiến lược, giữ vững vị trí ngân hàng hàng đầu về hiệu quả trong các ngân hàng Việt Nam.

Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về 4 chuyển dịch chiến lược mà HÐQT MB chỉ đạo và kết quả đạt được của MB khi triển khai thực hiện, thưa Thượng tướng?

4 chuyển dịch chiến lược mà MB thực hiện gồm “Ngân hàng số”, “Củng cố quan hệ khách hàng”, “Nâng cao năng lực quản trị rủi ro” và “Quản lý hiệu quả hoạt động của các công ty thành viên”. Các chuyển dịch này được triển khai theo 3 trụ cột gồm “Ngân hàng cộng đồng”, “Ngân hàng chuyên nghiệp theo ngành”, “Ngân hàng số” cùng 2 nền tảng MB đã xây dựng là “Quản trị rủi ro vượt trội” và “Năng lực thực thi nhanh”.

Sau 3 năm triển khai Chiến lược giai đoạn 2017 - 2021, MB đã tạo được nhiều dấu ấn quan trọng trong hoạt động kinh doanh, khẳng định uy tín và vị thế của một tập đoàn tài chính đa năng tại Việt Nam.

Năm 2019, MB hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh được Ðại hội đồng cổ đông giao phó. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất toàn Tập đoàn đạt 10.036 tỷ đồng, tăng trưởng 29% so với năm 2018, giúp MB gia nhập Câu lạc bộ doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng.

MB củng cố nền tảng và chuyển dịch số  ảnh 1

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MB trong 10 năm gần nhất.

Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu của riêng Ngân hàng được kiểm soát dưới 1%. Trong năm, MB đã đóng góp cho Ngân sách Nhà nước gần 2.500 tỷ đồng và nộp Bảo hiểm Xã hội xấp xỉ 225 tỷ đồng; đồng thời, đã dành 136 tỷ đồng cho các chương trình phát triển cộng đồng.

MB củng cố nền tảng và chuyển dịch số  ảnh 2

Tổng tài sản MB trong 10 năm gần nhất.

Các công ty thành viên tiếp tục hoạt động hiệu quả, an toàn, góp phần vào thành công chung của MB.

Năm 2019, lợi nhuận trước thuế của các công ty thành viên đạt 1.114 tỷ đồng, tăng 53% so với 2018; trong đó một số công ty hoạt động vượt trội như Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life đạt lợi nhuận 205 tỷ đồng sau 3 năm hoạt động (sớm hơn so với thông lệ các công ty bảo hiểm trên thị trường trung bình mất 5 - 7 năm để bắt đầu có lãi), Công ty Quản lý quỹ đầu tư MB (MBCapital) đứng thứ 2 toàn ngành về hiệu quả…

MB củng cố nền tảng và chuyển dịch số  ảnh 3

Các công ty thành viên Tập đoàn MB.

Năm 2019, MB đã tăng vốn điều lệ lên 23.727 tỷ đồng và tính đến hết quý I/2020, MB hoàn thành phương án tăng vốn lên 24.417 tỷ đồng thông qua bán cổ phiếu quỹ và phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho đối tác. Việc phát hành riêng lẻ đã tạo ra một quỹ thặng dư tốt cho MB. Trên sàn niêm yết, cổ phiếu MBB luôn có thanh khoản cao và được nhiều nhà đầu tư chuyên nghiệp ưu tiên nắm giữ.

Trong cảm nhận của công chúng và các nhà đầu tư, MB ngày càng thể hiện rõ nét hình ảnh của một ngân hàng số. Nhìn lại chặng đường đã qua, xin ông chia sẻ đâu là những dấu ấn chiến lược và mục tiêu chính của MB khi chọn phát triển ngân hàng số là gì, thưa ông?

Năm 2018, MB đã chọn IBM - Tập đoàn Công nghệ hàng đầu thế giới làm đối tác tư vấn chiến lược về công nghệ thông tin cho Ngân hàng, nhằm nâng cao năng lực công nghệ, đáp ứng kịp thời mục tiêu chuyển dịch số, cập nhật kịp thời các xu hướng công nghệ mới nhất cho MB và hỗ trợ Ngân hàng phát triển các sản phẩm, giải pháp chất lượng cao nhất liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin ngân hàng.

Sau quyết định hiện đại hóa nền tảng công nghệ, năm 2019, HÐQT đã phê duyệt lựa chọn Prophet là đối tác đồng hành để triển khai đồng bộ chiến lược Marketing số trên toàn hệ thống.

Chiến lược Marketing số phù hợp với xu hướng truyền thông hiện đại, nhằm xây dựng hình ảnh MB là một ngân hàng thông minh, đơn giản và thuận tiện nhờ đổi mới công nghệ; một doanh nghiệp số, kết nối khách hàng với những cơ hội tốt hơn; một ngân hàng chuyên nghiệp mang đến những chỉ dẫn tin cậy cho khách hàng.

Hiện nay, các dự án này là nền tảng cho việc triển khai các mô hình kinh doanh mới cũng như xây dựng tiền đề vững chắc cho việc chuyển đổi số.

Hiệu quả bước đầu thể hiện qua kết quả kinh doanh 2019 với các chỉ tiêu nổi bật như quy mô user của Ngân hàng số đạt 12,7 triệu user (6,9 triệu user Viettel pay), tăng 54% so với 2018, tỷ trọng thu nhập kênh số chiếm 3,4% doanh thu toàn hàng, (tăng 79%).

Lợi nhuận trước thuế của riêng ngân hàng đạt 9.286 tỷ đồng (tăng 32% so với 2018), hiệu suất bán hàng của RM tăng, thời gian xử lý hồ sơ và cấp tín dụng cho khách hàng được rút ngắn, đảm bảo an toàn hoạt động.

Sau 2 năm đầu tiên thực hiện chiến lược ngân hàng thuận tiện, chúng tôi đặt ra mục tiêu “Dẫn đầu về ứng dụng số”, để đủ sức phục vụ trên 10 triệu khách hàng đến năm 2021.

Về lâu dài, MB hướng đến việc phục vụ khách hàng đa kênh và trải nghiệm một cửa, với tốc độ nhanh nhất, đó là một trong những yêu cầu xuyên suốt mà chúng tôi đang nỗ lực thực thi.

Phát triển Ngân hàng số đã giúp hoạt động của MB không bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, nhưng đại dịch cũng khiến rất nhiều chủ thể gặp khó, khiến các ngân hàng phải chung tay hỗ trợ họ. Tại MB, công tác này đang và sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?

MB củng cố nền tảng và chuyển dịch số  ảnh 4

Thượng tướng Lê Hữu Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị MB.

Ðại dịch Covid-19 mang đến những khó khăn và thách thức với nền kinh tế trên toàn cầu nói chung, nền kinh tế và các doanh nghiệp Việt Nam nói riêng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh, khả năng trả nợ vay đồng thời làm giảm nhu cầu vay mới của nhiều tổ chức/cá nhân.

Chúng tôi đã chủ động đánh giá sơ bộ, ước tính dư nợ các lĩnh vực, ngành nghề và mức độ thiệt hại của khách hàng, đồng thời triển khai các giải pháp/chính sách phù hợp theo diễn biến của dịch bệnh.

Theo đó, đối với các khách hàng bị tác động, ảnh hưởng trực tiếp do dịch bệnh Covid-19, MB đã triển khai các giải pháp hỗ trợ theo đúng định hướng, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Ðó là cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay, tạm thời giữ nguyên nhóm nợ; xem xét cho vay mới để khách hàng ổn định sản xuất kinh doanh và thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ khác phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước và MB.

Ðối với các khách hàng hoạt động trong lĩnh vực hỗ trợ công tác phòng/chống dịch bệnh (như dược, trang thiết bị y tế...), MB nghiên cứu các giải pháp hỗ trợ theo đặc thù, với mục tiêu MB đồng hành cùng khách hàng, chung tay cùng cộng đồng.

Tính đến nay, MB đã ban hành các gói tín dụng với lãi suất ưu đãi với quy mô khoảng 105.000 tỷ đồng, mức lãi suất giảm từ 0,5% - 2%, nhằm hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp.

Với cổ đông, điều họ quan tâm nhất là hiệu quả, liệu kết quả hoạt động kinh doanh của Ngân hàng năm nay có chịu ảnh hưởng nhiều từ đại dịch?

Ðại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu. Ngành ngân hàng nói chung và MB nói riêng cũng không tránh khỏi các tác động đó, dẫn đến lợi nhuận bị sụt giảm do nhiều nguyên nhân:

Thứ nhất, do ảnh hưởng của Covid-19, số lượng giao dịch, số lượng khách hàng, nhu cầu về sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng của MB nói riêng và các ngân hàng nói chung bị sụt giảm mạnh mẽ, ảnh hưởng đến kế hoạch tăng trưởng giao dịch và phát triển khách hàng đối với hoạt động tín dụng và phi tín dụng của MB. Mặt khác, khiến cho tăng trưởng tín dụng chậm, dự kiến cả năm đạt khoảng 12% (trong khi mức tăng trưởng năm 2019 là xấp xỉ 18%).

Ba tháng đầu năm, MB duy trì tăng trưởng tín dụng như năm 2019 (đây là mức tăng thấp nhất so với các năm gần đây) cho thấy nhu cầu về vốn của nền kinh tế thấp (toàn ngành tăng trưởng tín dụng xấp xỉ 1,1%)

Thứ hai, MB triển khai các gói tín dụng với mức lãi suất ưu đãi giảm từ 0,5% - 2% với tổng quy mô ~ 105.000 tỷ đồng theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, đồng thời thực hiện miễn giảm các loại phí nhằm giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch và tập trung vào nhóm khách hàng có rủi ro thấp. Do đó Nim của MB có thể giảm từ 15% - 20%.

Thứ ba, rủi ro nợ quá hạn, nợ xấu gia tăng khi dịch bệnh tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất - kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. MB thực hiện trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định, do đó, chi phí trích lập dự phòng sẽ tăng, dẫn đến lợi nhuận sẽ giảm đi.

Năm 2020 là năm bản lề để MB hoàn thành các mục tiêu chiến lược 2017 - 2021 nhằm "củng cố nền tảng & chuyển dịch số, tăng trưởng toàn diện, hiệu quả và bền vững”, trong đó “Chuyển dịch số, đầu tư mạnh hạ tầng công nghệ” nhằm đạt mục tiêu dẫn đầu về ứng dụng số là chiến lược tiên quyết trong giai đoạn này.

Ðể đạt mục tiêu, MB cần có sự đầu tư và tập trung nguồn lực để tạo một sự tích lũy cho giai đoạn phát triển nhảy vọt trong tương lai.

Ðối mặt với nhiều thách thức của năm 2020, trên cơ sở đánh giá các ảnh hưởng của dịch bệnh tới hoạt động kinh doanh và với định hướng chiến lược như nêu trên, MB đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2020 ở mức 90% kết quả đạt được năm 2019.

Tuy nhiên, Ngân hàng sẽ nỗ lực phấn đấu đạt lợi nhuận trước thuế tương đương năm 2019 trong điều kiện thị trường thuận lợi.

MB kiên định hướng đến mục tiêu TOP 6 các NHTM có lợi nhuận trước thuế cao nhất thị trường và đạt xếp hạng cao theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Bên cạnh đó, MB sẽ nỗ lực luôn đảm bảo duy trì mức độ bao phủ nợ xấu/NPL theo đúng quy định, đảm bảo an toàn.

Về lợi ích cho cổ đông, năm 2020, MB dự kiến mức chi trả cổ tức từ 11% - 15%, mang lại giá trị cho cổ đông thông qua đảm bảo ổn định mức chi trả cổ tức hàng năm.

Ðây là một nỗ lực của MB trong bối cảnh hoạt động kinh doanh chịu tác động tiêu cực bởi đại dịch. Có thể thấy, trong số các Ngân hàng TMCP lớn hiện nay trong giai đoạn 2016 -2019, thì MB là ngân hàng duy nhất chi trả cổ tức ổn định hàng năm cho các cổ đông.

Ðại dịch khiến số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể, phá sản lên tới con số vài chục nghìn. Trong khó khăn chung, đâu là cơ hội cho nền kinh tế, các doanh nghiệp, thưa ông?

Với sự nỗ lực đặc biệt của Chính phủ, các bộ, ngành và mọi người dân, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận là quốc gia khống chế sớm nhất và thành công nhất đại dịch Covid-19.

MB sẽ tiếp tục đầu tư lớn cho đội ngũ nhân sự, công nghệ thông tin và cho các dịch vụ sản phẩm mới, để tiến nhanh, tiến chắc trên thị trường.   

Cùng với đó, đại dịch cũng đã giúp Việt Nam xây dựng được nhiều hơn mối quan hệ tốt đẹp với nhiều quốc gia khác, thông qua sự chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ các phương tiện y tế chống dịch cho các nước bạn.

Như vậy, cùng chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch, nhưng ở góc nhìn tích cực, tôi tin rằng, nền kinh tế Việt Nam có nhiều lợi thế để phục hồi nhanh hơn, chữa lành nhanh hơn những tổn thương, đứt gãy mà đại dịch gây ra.

Nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất lớn, nên sự phục hồi còn phụ thuộc vào sự mở cửa trở lại của các nền kinh tế khác cũng như khả năng kích thích nhu cầu tiêu dùng của các quốc gia sau đại dịch.

Chính phủ, ngân hàng trung ương các nước nói chung và Việt Nam nói riêng đã có nhiều hành động nhanh chóng, mạnh mẽ bằng việc cắt giảm lãi suất, tung ra những gói cứu trợ kinh tế, an sinh cho người dân hoặc thúc đẩy tiêu dùng, để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực của đại dịch.

Về phía doanh nghiệp, trong bối cảnh này, tôi cho rằng cơ hội sẽ đến với những doanh nghiệp duy trì được hoạt động ổn định, duy trì sức cạnh tranh, chuẩn bị các kịch bản tái thiết hậu Covid-19 để có thể bứt tốc nhanh khi thị trường có tín hiệu phục hồi rõ ràng.

Với MB, đại dịch giúp chúng tôi có thêm kinh nghiệm để nhìn lại và củng cố những nền tảng đã tạo ra từ nhiều năm qua. Từ đó, MB định vị con đường tới đây một cách vững vàng hơn, thực thi tốt hơn sứ mệnh của Ngân hàng Quân đội: “Vì sự phát triển của Ðất nước, vì lợi ích của khách hàng”.

Tin bài liên quan