Bà Trần Quế Trang, Tổng giám đốc CTCP Đường Biên Hòa

Bà Trần Quế Trang, Tổng giám đốc CTCP Đường Biên Hòa

Lợi nhuận khả quan: BHS phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu

(ĐTCK) Ngày 2/6, CTCP Đường Biên Hòa (mã BHS) chính thức ký hợp đồng phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu cho OCB, với mục tiêu chính là triển khai chiến lược về nguyên liệu trong giai đoạn 2016 - 2020. Đồng thời, BHS sẽ dùng một phần vốn để tái cấu trúc tài chính. Báo Đầu tư Chứng khoán đã có cuộc trao đổi với bà Trần Quế Trang, CEO của BHS về vấn đề này.

Bà có thể chia sẻ về thương vụ BHS phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu cho OCB?

Việc phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu đã được BHS lên kế hoạch chi tiết và ngay từ những ngày đầu năm 2016 đã bắt đầu làm việc với các đối tác tiềm năng. Cuối cùng, BHS nhận thấy OCB là đối tác tin cậy và phù hợp nhất để BHS hợp tác triển khai phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp. Đây cũng là đợt phát hành trái phiếu đầu tiên trong lịch sử của Công ty.

Mục đích của đợt phát hành lần này và kế hoạch sử dụng vốn của Công ty trong thời gian tới ra sao?

Hiệu quả hoạt động của BHS trong thời gian gần đây đã có sự cải thiện mạnh mẽ nhờ giá đường tăng so với cùng kỳ năm ngoái tại Việt Nam cũng như thị trường thế giới. Nguyên nhân chính là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu khiến sản lượng mía suy giảm, ảnh hưởng đến nguồn cung đường. Mặt khác, nhu cầu sử dụng đường làm nguyên liệu cho các ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm,… tăng trưởng khá ổn định, khiến cho thị trường đường toàn cầu được dự báo lần đầu tiên rơi vào tình trạng thâm hụt sau thời gian dài luôn thặng dư.

Tuy nhiên, không chỉ trông chờ vào các yếu tố khách quan, mục tiêu của BHS là cung cấp ra thị trường sản phẩm có chất lượng tốt nhất với giá bán thấp nhất và đồng hành bền vững với bà con nông dân. Giá thành mía do BHS tự sản xuất vụ 2015 - 2016 chưa tới 550.000 đồng/tấn, trong khi BHS đang mua mía của bà con nông dân với giá xấp xỉ 1 triệu đồng/tấn mía. Để thực hiện được điều này, BHS muốn triển khai chiến lược về vùng nguyên liệu, bên cạnh ưu thế về công nghệ và chất lượng sản phẩm hiện nay. Cụ thể, BHS đang sở hữu Nông trường Thành Long với diện tích 1.200 héc ta, với kinh nghiệm quản lý và sự am hiểu về mía đường, BHS đặt mục tiêu biến Thành Long trở thành nông trường kiểu mẫu tại Việt Nam. Việc này nhằm mục đích khuyến nông, giúp bà con trồng mía thấy được lợi ích từ việc canh tác mía đúng kỹ thuật.

Liên quan đến đợt phát hành trái phiếu lần này, BHS sẽ sử dụng số tiền thu được để thuê đất nhằm mở rộng diện tích nông trường, qua đó tăng thêm sản lượng mía do BHS tự sản xuất để hạ giá thành sản phẩm. Ngoài ra, BHS sẽ dùng một phần vốn để tái cấu trúc tài chính nhằm mục tiêu hướng đến một cấu trúc tài chính bền vững, đảm bảo an toàn hoạt động cho Công ty bất chấp rủi ro thị trường. 

Báo cáo tài chính hợp nhất quý III niên độ 2015 - 2016 giai đoạn từ 1/1 - 31/3/2016 của BHS vừa công bố cho thấy, nợ ngắn hạn Công ty tăng gấp đôi. Các khoản nợ vay của BHS hiện nay lãi suất thế nào?

Nợ ngắn hạn tại thời điểm 31/3/2016 trên báo cáo tài chính hợp nhất đạt 3.088 tỷ đồng, tương đương 213% so với số đầu niên độ. Có 2 nguyên nhân làm cho nợ ngắn hạn tăng mạnh. Thứ nhất, số liệu trên báo cáo tài chính hợp nhất tại thời điểm 1/7/2015 chưa bao gồm Công ty TNHH một thành viên Đường Biên Hòa - Ninh Hòa (NHS) và CTCP Đường Biên Hòa - Phan Rang, trong khi số liệu tại thời điểm 31/3/2016 có bao gồm 2 công ty này. Nguyên nhân thứ 2 là do BHS nhận định giá đường thô sẽ tăng, do đó BHS mạnh dạn mua trước đường thô để tối ưu hóa hiệu quả kinh doanh, thực tế hiện nay đã cho thấy nhận định của BHS là đúng khi giá đường thô nhập khẩu đã tăng mạnh trong thời gian qua, từ mức 300 USD/tấn đầu năm 2016 lên hơn 400 USD/tấn hiện nay.

Các khoản nợ vay của BHS hiện tại luôn có mức lãi suất thấp nhất thị trường do các ngân hàng luôn tin tưởng và đánh giá cao tín nhiệm của BHS. Ngoài ra, dòng tiền thu được từ hoạt động kinh doanh đường của Công ty khá dồi dào nên thanh khoản của BHS luôn ổn định. Tuy nhiên, chủ động thêm bước nữa, BHS xem việc phát hành trái phiếu đợt này là bước đi chiến lược giúp cho cấu trúc tài chính của BHS an toàn hơn. 

Lợi nhuận quý I/2016 của BHS tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái chủ yếu do việc sáp nhập NHS vào BHS. Liệu lợi nhuận trong các quý tiếp theo của BHS có còn tăng mạnh như quý đầu năm, thưa bà?

Tính đến hết quý III của niên độ 2015 – 2016, BHS đã đạt mức lợi nhuận trước thuế là 211 tỷ đồng, đây là mức lợi nhuận kỷ lục. Trong đó, lợi nhuận của BHS là 189 tỷ đồng, còn lại là các công ty con. Dự kiến kết quả kinh doanh các quý còn lại cũng rất khả quan. Đại hội thường niên năm tài chính 2014 - 2015 (từ 1/7/2014 - 30/6/2015) của BHS đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh cho niên độ 2015 - 2016 với chỉ tiêu doanh thu thuần 3.125 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 220 tỷ đồng và Công ty mẹ là 140 tỷ đồng. Tỷ lệ chia cổ tức dự kiến 8 - 10%.

Chiến lược của BHS tập trung vào 3 lĩnh vực, theo chuỗi giá trị, cả về nông nghiệp sản xuất và thị trường. Bên cạnh đó, chiến lược M&A NHS và PRS giúp cho BHS tối đa hóa được hiệu quả kinh doanh thông qua việc chuyển giao kinh nghiệm quản lý cho NHS và PRS, cũng như tận dụng sức mạnh thương hiệu của BHS. Căn cứ vào các phân tích, đánh giá thị trường và nội lực của BHS, Ban điều hành tự tin rằng với đà thực hiện kết quả kinh doanh 3 quý của niên độ 2015 - 2016 khả quan như trên, quý IV hoàn toàn có khả năng bứt phá so với chỉ tiêu ĐHĐCĐ và HĐQT đặt ra.

Tin bài liên quan