Ông Huỳnh Văn Thòn (bên trái) chuyển giao nhiệm vụ điều hành Lộc Trời cho ông Nguyễn Duy Thuận.

Ông Huỳnh Văn Thòn (bên trái) chuyển giao nhiệm vụ điều hành Lộc Trời cho ông Nguyễn Duy Thuận.

Lộc Trời tái cơ cấu mạnh mẽ, hướng đến doanh nghiệp tỷ USD

(ĐTCK) Có thêm những gương mặt xuất sắc tham gia Ban lãnh đạo, chấp nhận hy sinh một phần lợi nhuận để chuyển đổi mô hình kinh doanh, trung thành với sứ mệnh cải thiện cuộc sống và thu nhập của người nông dân…, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đang cho thấy sự chủ động “sống khác”.

Thay đổi để đón đầu cơ hội

Cuộc họp Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2020 của Lộc Trời thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới đầu tư và phân tích chứng khoán, một phần vì sự xuất hiện của nguyên Phó Thủ tướng Ðức Philipp Roesler trong Hội đồng quản trị và tân Tổng giám đốc Lộc Trời Nguyễn Duy Thuận ra mắt.

Chia sẻ của ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Lộc Trời đã khẳng định rõ tâm thế sẵn sàng cho sự đổi mới của Tập đoàn. Sau 27 năm phát triển và giành nhiều thành tựu, dù vẫn có thể sống khỏe ở hiện tại nhưng Lộc

Trời đã đặt ra một tầm nhìn mới, chiến lược mới cho những năm tiếp theo. Ðại dịch Covid-19 càng thúc đẩy Tập đoàn phải thay đổi thật nhanh, thật mạnh để có thể thích nghi với môi trường kinh doanh mới. Theo đó, Lộc Trời sẽ trở thành tập đoàn tri thức nông nghiệp, có năng lực xử lý dữ liệu lớn về ngành nông nghiệp, tiên phong ứng dụng khoa học - công nghệ vào hoạt động sản xuất.

Sự thay đổi diễn ra ngay ở vị trí người lãnh đạo cao nhất của Lộc Trời. Sau 27 năm dẫn dắt Tập đoàn, ông Huỳnh Văn Thòn đã quyết định chuyển giao vị trí Tổng giám đốc cho người mới, có năng lực quản trị doanh nghiệp lớn, có thể kế thừa tầm nhìn và sứ mệnh của Tập đoàn.

“Công ty cần những con người có sức khỏe và được đào tạo bài bản, nắm bắt nhanh với những xu thế mới”, ông Thòn chia sẻ.

Thực tế, không phải đến kỳ Ðại hội đồng cổ đông lần này, Lộc Trời mới bắt đầu thực hiện tái cấu trúc, mà từ hơn một năm trở lại đây, một cuộc cách mạng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh đã diễn ra rộng khắp toàn Tập đoàn. Nhiều nhà đầu tư đã gọi đây là chiến thuật “lùi một bước để tiến ba bước” của Lộc Trời.

Chẳng hạn, trong ngành vật tư nông nghiệp, Lộc Trời phân cấp hệ thống đại lý thành 2 cấp: cấp 1 và cấp 2. Trong đó, các đại lý cấp 1 phải đáp ứng hai tiêu chí: năng lực bán hàng và lịch sử thanh toán tốt.

Tập đoàn cũng chuyển từ chính sách bán hàng có công nợ sang giao hàng thu tiền ngay. Mục đích của sự thay đổi này là nhằm cải thiện hiệu quả quản lý hệ thống phân phối, tạo tăng trưởng ổn định về doanh số và quản lý công nợ chặt chẽ hơn.

Báo cáo tài chính quý I/2020 của Lộc Trời đã cho thấy những kết quả bước đầu tích cực, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cải thiện đáng kể, số dư phải thu ngắn hạn cuối kỳ đã giảm 929 tỷ đồng, tương đương 44% so với đầu kỳ. Dòng tiền ghi nhận dương 189 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước âm 172 tỷ đồng. Biên lợi nhuận gộp của các ngành hàng tăng 2%, đạt 24% trong quý đầu năm.

Giải pháp hỗ trợ các đại lý giải phóng tồn kho và lành mạnh hóa thị trường của Lộc Trời cho phép các đại lý có nền tảng mạnh để sẵn sàng theo đuổi mục tiêu doanh số trong quý II/2020 theo kế hoạch bán hàng được xác định trước với Tập đoàn.

Ngành lương thực cũng đã hoàn thiện bộ máy quản lý mới, kết nối chặt chẽ theo chuỗi giá trị nông nghiệp nhất quán và chuẩn hóa các quy trình; trong đó, đáng kể nhất là gắn chặt quy trình mua hàng với nhu cầu kinh doanh.

Cho đến nay, có thể nói, ngành vật tư nông nghiệp và giống cây trồng của Tập đoàn hoàn toàn chủ động trong quản lý tồn kho và quản lý công nợ, sắp xếp lại hệ thống đại lý và nâng cao chuyên môn đội ngũ bán hàng. Những cải thiện mạnh mẽ ở cả 3 ngành trụ cột có để giúp Lộc Trời nhanh chóng nắm bắt cơ hội tăng trưởng trở lại sau đại dịch.

Tiên phong ứng dụng tri thức nông nghiệp

Theo kế hoạch, quy mô doanh thu của Lộc Trời sẽ đạt 1 tỷ USD vào năm 2024, nhưng tân Tổng giám đốc Nguyễn Duy Thuận cho rằng, mục tiêu này không phải quá tham vọng đối với Tập đoàn và doanh thu không phải là tất cả. Trên hành trình phát triển của mình, Lộc Trời trung thành với sứ mệnh cải thiện thu nhập và đời sống cho người nông dân.

Vài năm trở lại đây, Lộc Trời đã đẩy mạnh sản xuất gạo có thương hiệu để nâng tầm giá trị hạt ngọc thực Việt Nam, đưa giá bán tiệm cận với gạo Thái Lan, tối đa hóa lợi ích cho bà con nông dân cộng tác với Lộc Trời cũng như cho doanh nghiệp.

Ðể thúc đẩy tiến trình này hơn nữa, Lộc Trời sẽ triển khai nền tảng sản xuất “không tiền mặt”, nhu cầu về nông sản sẽ được đặt hàng trước thông qua đội ngũ bán hàng, nhận đơn hàng từ các nhà xuất khẩu, các đại lý, vựa gạo và nhà máy.

Sau đó, Tập đoàn sẽ chuyển toàn bộ đơn hàng này thành kế hoạch sản xuất; kế hoạch được các ngân hàng tài trợ thông qua bảo lãnh của Lộc Trời, nguồn vốn được chuyển qua Tập đoàn để chuyển hóa thành vật tư nông nghiệp, giống và dịch vụ, cung cấp cho nông dân.

Tham gia chuỗi sản xuất nông sản, doanh thu 1 tỷ USD năm 2024 là trong tầm tay.   

“Nếu chỉ tập trung ở ngành vật tư nông nghiệp, doanh nghiệp sẽ không thực hiện được sứ mệnh của mình là phục vụ nông dân, giúp cho nền nông nghiệp tốt hơn. Nếu Tập đoàn tham gia vào chuỗi sản xuất nông sản, doanh thu 1 tỷ USD vào năm 2024 là hoàn toàn trong tầm tay. Bên cạnh đó, Lộc Trời sẽ không bị cuốn vào vòng xoáy công nợ”, ông Thuận chia sẻ về chiến lược của Tập đoàn.

Trong giai đoạn mới, sức mạnh tổng hợp của Lộc Trời đến từ nền tảng nghiên cứu, ứng dụng khoa học vào sản xuất quy mô lớn.

Bên cạnh chất lượng sản phẩm đã được khẳng định qua Giải thưởng Gạo thơm hạng nhất tại Hội nghị Thương mại gạo Liên lục địa 2018, Lộc Trời đang ấp ủ kế hoạch Viện Nghiên cứu nông nghiệp Lộc Trời để phát triển giống mới, ứng dụng những khoa học công nghệ tiên tiến phù hợp với nền sản xuất nông nghiệp của cả nước.

Dù xoay trục theo hướng nào, phát triển bền vững luôn là nguyên tắc nhất quán mà Tập đoàn theo đuổi. Lộc Trời từng chi ra 15 tỷ đồng để mua máy bay phun thuốc trừ sâu, giúp tăng hiệu quả sử dụng và giảm tối thiểu 30% lượng thuốc sử dụng trên đồng ruộng.

Giấc mơ lớn hơn đang được Tập đoàn theo đuổi, theo chia sẻ của ông Thuận, là “sử dụng đồng bộ thì 1 năm trên Ðồng bằng sông Cửu Long có thể giảm được 1 triệu tấn hóa chất đổ xuống đồng ruộng”.

Lộc Trời cũng không ngại chuyện “con gà, quả trứng” khi bỏ ra 8 tỷ đồng để ứng dụng SRP100 nhằm giảm lượng nước sử dụng trên từng héc-ta lúa.

Tin bài liên quan