Ông Vũ Quốc Khánh, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng bưu điện của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)

Ông Vũ Quốc Khánh, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng bưu điện của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank)

LienVietPostBank đẩy mạnh tín dụng hưu trí

(ĐTCK) Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Vũ Quốc Khánh, Phó tổng giám đốc phụ trách Khối Ngân hàng bưu điện của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) cho biết, khả năng tiếp cận vốn ngân hàng của nhóm khách hàng hưu trí là khá khó khăn, song đây là phân khúc khách hàng tiềm năng nên đã nhanh chóng tiếp cận…

Ông có thể cho biết, tín dụng hưu trí của LienVietPostBank có gì đặc biệt so với các sản phẩm dịch vụ tín dụng thông thường?

Tín dụng hưu trí là sản phẩm tín dụng tiêu dùng đặc trưng của LienVietPostBank, được triển khai thí điểm tại một số địa bàn từ năm 2014 và triển khai diện rộng từ năm 2015 trên hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch của Ngân hàng.

Tín dụng hưu trí cung cấp cho khách hàng gói giải pháp tài chính tiện ích để bổ sung nguồn vốn cho sản xuất - kinh doanh sau khi đã về hưu hoặc phục vụ nhu cầu tiêu dùng hợp pháp.

Bên cạnh đó, khách hàng hưu trí dễ dàng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng mà không cần tài sản bảo đảm, thủ tục đơn giản và không phải đi lại nhiều do việc cung cấp sản phẩm này được thực hiện tại ngay bàn chi trả lương hưu hàng tháng của từng thôn, xóm, khu phố trên địa bàn cả nước.

Đây là chính sách bán hàng khác biệt nhằm phù hợp đặc điểm khách hàng tuổi hưu và hiện thực hóa mục tiêu cung cấp nguồn tài chính hữu ích cho nhóm khách hàng này rộng khắp các tỉnh, thành phố, bao gồm cả khách hàng nhận lương hưu tại các khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo.

Hạn mức cho vay tối đa 300 triệu đồng với thời gian cho vay 60 tháng. Với mức tiền và thời gian vay tối đa như quy định, khách hàng có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng hoặc phát triển kinh tế khi về hưu.

Để tham gia sản phẩm này, khách hàng cần thực hiện điều gì?

Tại các điểm chi trả lương hưu, khách hàng nhận được sự tư vấn về sản phẩm trực tiếp từ nhân viên bưu điện và nhân viên của LienVietPostBank. Mọi thắc mắc và thông tin cần tìm kiếm được trao đổi, giải thích tận tình từ các nhân viên được đào tạo chuyên nghiệp, bài bản.

Nhân viên bưu điện sẽ cung cấp thông tin về số tiền cho vay theo mức lương hiện có của khách hàng, giải thích phương án trả nợ từng tháng để khách hàng cân nhắc trên nguồn thu nhập của bản thân.

Khi khách hàng xác nhận nhu cầu vay vốn, nhân viên bưu điện hoặc nhân viên của LienVietPostBank sẽ hướng dẫn chi tiết cho các khách hàng hưu trí về các giấy tờ cần chuẩn bị trong quá trình thực hiện hồ sơ vay.

Khách hàng có thể tới các điểm giao dịch bưu điện/LienVietPostBank gần nơi khách hàng sinh sống để thực hiện vay vốn theo hướng dẫn.

Chậm nhất sau 2 ngày tính từ khi hoàn thiện và nộp đủ giấy tờ trong hồ sơ vay, khách hàng sẽ được Ngân hàng thông báo kết quả phê duyệt và được nhận tiền giải ngân ngay trong ngày tại phòng giao dịch bưu điện nơi nộp hồ sơ.

Hàng tháng, cán bộ ngân hàng phối hợp với bưu điện hỗ trợ thực hiện thu nợ cho khách hàng tại điểm chi trả lương hưu, giúp việc thanh toán khoản vay hàng tháng được thuận tiện và dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, khách hàng cũng dễ ràng thực hiện việc thanh toán tiền trả ngân hàng qua nhiều kênh như nộp tiền mặt tại quầy giao dịch hoặc chuyển khoản qua các ứng dụng của LienVietPostBank như Ví Việt, Internet Banking, MobileBanking (áp dụng cho những tài khoản thanh toán mở tại các phòng giao dịch/chi nhánh Ngân hàng) với mức phí thấp.

Giả sử, trong quá trình vay vốn, khách hàng hưu trí xảy ra rủi ro về sức khoẻ dẫn đến mất khả năng trả nợ, phương án chuẩn bị của LienVietPostBank như thế nào?

Điểm hỗ trợ đặc biệt và có ý nghĩa đối với nhóm khách hàng tuổi hưu từ sản phẩm tín dụng hưu trí là tính bảo đảm cho khoản vay khi khách hàng gặp rủi ro (tai nạn, ốm đau, bệnh tật).

Cụ thể, khi khách hàng xảy ra rủi ro, công ty bảo hiểm sẽ tiến hành xét duyệt hồ sơ yêu cầu bồi thường.

Trường hợp thuộc phạm vi được bồi thường bảo hiểm theo quy định, công ty bảo hiểm sẽ chi trả quyền lợi bảo hiểm, bao gồm toàn bộ dư nợ tín dụng (gồm tiền gốc, lãi, phí) thực tế giữa khách hàng và ngân hàng tại thời điểm xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Giải pháp này vừa giúp người nhà của khách hàng không phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ, vừa giúp Ngân hàng thu hồi được vốn, giảm thiểu nợ xấu và nợ quá hạn.

“Tín dụng đen” vẫn đang tồn tại, tín dụng hưu trí sẽ góp phần giảm thiểu tình trạng này?

Theo tôi, với phạm vi cung cấp sản phẩm bao phủ khắp các vùng miền, tín dụng hưu trí của LienVietPostBank sẽ góp phần phổ cập tài chính vi mô và giải quyết tình trạng “tín dụng đen”, đặc biệt tại khu vực nông thôn, vùng xâu, vùng xa.

Nhờ hệ thống mạng lưới các điểm giao dịch bưu điện phân bố rộng rãi tại các địa bàn, mối quan hệ gắn bó giữa bưu điện với người dân địa phương, LienVietPostBank đã kết hợp chặt chẽ cùng Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cung cấp sản phẩm theo cách thuận tiện và gần gũi nhất cho khách hàng, làm thay đổi nhận thức “ngại vay”, “sợ ràng buộc” của khách hàng tuổi hưu khi muốn vay tiền tại các tổ chức tín dụng.

Việc tiếp cận khá dễ dàng nguồn vốn vay hưu trí sẽ làm giảm phần nào tình trạng “tín dụng đen” đang còn tồn tại ở các địa phương.

Tin bài liên quan