Khu liên hợp thép Dung Quất - Hòa Phát: Đầu tư song song hai giai đoạn

Khu liên hợp thép Dung Quất - Hòa Phát: Đầu tư song song hai giai đoạn

(ĐTCK) Hai vấn đề được nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất đối với Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG) hiện nay là năng lực cạnh tranh và tiến độ của Dự án Khu liên hợp (KLH) thép Dung Quất - Hòa Phát. Dự án quy mô hơn 3 tỷ USD vốn đầu tư này kỳ vọng sẽ đem lại tầm vóc mới cho Hòa Phát với doanh thu hơn 1 tỷ USD, đưa HPG trở thành cổ phiếu tăng trưởng, được yêu thích trên thị trường.

Giá thành tốt nhất ở Việt Nam

“Vốn đầu tư thấp hơn và năng lực quản trị tốt hơn, tôi tự tin dự án Dung Quất sẽ giúp Hòa Phát có năng lực cạnh tranh tốt nhất”; “Sản phẩm của Dung Quất ra đến đâu bán hết đến đến, cổ đông cứ yên tâm”. “Không phải lo về việc bán hàng”… Đó là các câu trả lời cổ đông và nhà đầu tư của Tổng giám đốc HPG Trần Tuấn Dương khi được hỏi rất nhiều lần về năng lực cạnh tranh của KLH Dung Quất - Hòa Phát.

Theo phân tích của ông Dương, giá thành sản phẩm của KLH Dung Quất rất cạnh tranh vì lý do chính là suất đầu tư dự án với tiêu chuẩn chất lượng, công nghệ hiện đại nhất hiện nay chỉ ở mức thấp. Suất đầu tư của dự án Formosa là 1.700 USD/tấn, của KLH Dung Quất chỉ 500 USD/tấn công suất thiết kế. 

“Hòa Phát đầu tư đúng vào thời điểm trên thế giới rất ít nhà máy đầu tư mới nên ngành chế tạo thiết bị công nghiệp thép thiếu việc làm. Vì thế, bên mua có lợi thế khi đàm phán mua thiết bị”, ông Dương chia sẻ. Cụ thể, dây chuyền cán thép thanh Hòa Phát mua lần này có giá tính theo ngoại tệ chỉ bằng 2/3 so với giá mua cho KLH Hải Dương.

Với công nghệ hiện đại, các chỉ tiêu tiêu hao nguyên nhiên liệu của KLH Dung Quất đều tốt hơn so với KLH Hải Dương như nhà máy nhiệt điện cung cấp tới 68% sản lượng điện tiêu thụ của KLH so với tỷ lệ 45% của KLH Hải Dương; KLH không thải nước thô ra môi trường mà dùng toàn bộ để dập sỉ, phụ phẩm bán cho nhà máy xi măng…

Lợi thế đặc biệt của KLH Dung Quất là vị trí đắc địa với cảng nước sâu đón tàu trọng tải lên tới 200.000 tấn. Khi đón được tàu to thì chi phí nguyên liệu chính như quặng nhập khẩu sẽ cạnh tranh hơn cả mua trong nước.

Lãnh đạo Hòa Phát cho biết, khi KLH Dung Quất đi vào hoạt động, Hòa Phát cần 10 - 12 triệu tấn quặng/năm thì quặng trong nước chỉ đáp ứng 5 - 10% nhu cầu. Trong khi chi phí vận tải quặng từ các tỉnh về KLH Hải Dương là 20 - 25 USD/tấn thì giá chở quặng từ Úc về Trung Quốc chỉ 7 - 8 USD/tấn sau khi đi nửa vòng trái đất.

Lợi thế cảng biển cũng giúp chi phí vận chuyển bằng đường thủy sản phẩm của KLH Dung Quất đi các tỉnh miền Trung và miền Nam cạnh tranh hơn rất nhiều.

Hòa Phát tự tin về năng lực cạnh tranh của KLH Dung Quất với khoảng 30% vốn đầu tư dự án dành cho xử lý môi trường một cách triệt để.

Nghiên cứu kinh nghiệm các nước công nghiệp mới của Hòa Phát cho thấy, nhu cầu tiêu thụ thép của Việt Nam hiện nay là 210 kg/người; sau 10 - 15 năm nữa, mức tiêu thụ có thể tăng gấp đôi, vào khoảng 400 kg/người. Các nước ở giai đoạn đầu phát triển công nghiệp như Việt Nam, nhu cầu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là rất lớn. Đây là cơ hội lớn của Hòa Phát.

Tiến độ KLH Dung Quất: Đầu tư song song hai giai đoạn

Năm 2018, Hòa Phát đặt kế hoạch lợi nhuận hơn 8.000 tỷ đồng, không tính đến lợi nhuận từ mua bán hợp đồng tương lai quặng sắt, đạt được 700 tỷ đồng trong năm ngoái, nên thực chất kế hoạch lợi nhuận này đã tăng trưởng khả quan so với năm trước. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị HPG Trần Đình Long, Công ty có 2 nhiệm vụ chính là hoàn thiện trang thiết bị, con người để không đầu tư mới mà tăng được doanh thu, lợi nhuận ở khối sản xuất hiện tại và dồn mọi nguồn lực cho dự án Dung Quất.

“Dự án KLH Dung Quất có rất nhiều việc, trong đó có không ít việc mà 30 năm nay chưa chúng tôi chưa làm bao giờ như làm cảng, làm đường sắt cùng với làm nhà máy điện, nhà máy nước các khu phụ trợ phục vụ cho KLH. Khối lượng công việc khổng lồ, nhiều khó khăn và thách thức, cần tôi cùng một số thành viên Hội đồng quản trị tập trung thời gian và công sức”, ông Long chia sẻ.

Hiện nay, KLH Dung Quất đã hoàn thành các hạng mục như đàm phán hợp đồng mua thiết bị với các đối tác nước ngoài, phần lớn thuộc khối G7, bắt đầu lắp đặt thiết bị dây chuyền nhà máy cán thép dài giai đoạn 1… Theo tiến độ, dây chuyền cán thép đầu tiên công suất 600.000 tấn/năm sẽ đi vào hoạt động trong tháng 5 tới, tháng 7/2018 sẽ vận hành nhà máy cán thép đầu tiên. Dự kiến, năm 2020 sẽ hoàn thành toàn bộ dự án với tổng công suất cả 2 giai đoạn là 4 triệu tấn thép.

Tổng giám đốc HPG Trần Tuấn Dương cho biết, toàn bộ sản lượng 2,2 triệu tấn thép xây dựng hiện nay tiêu thụ ở phía Bắc 60%, gần 10% xuất khẩu, còn lại chia đều cho hai miền Trung và Nam. Khi KLH Dung Quất hoàn thành, dự kiến sẽ xuất khẩu 1/4 sản lượng, còn 3/4 sản lượng phân phối cho miền Trung và Nam. Thị trường miền Bắc lúc đó sẽ phải tăng thị phần để tiêu thụ hết sản lượng hiện có. HPG sẽ vẽ lại bản đồ cơ cấu thị phần theo miền. Trong 2 triệu tấn sản lượng thép xây dựng của Dung Quất có 1 triệu tấn thép chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các ngành chế biến ốc vít, bu lông, thép rút dây… hiện Việt Nam đang phải nhập khẩu 1,5 triệu tấn/năm, mà nhu cầu trên thế giới cũng rất lớn. Hòa Phát dự kiến tiêu thụ 2/3 sản lượng thép chất lượng cao ở thị trường trong nước, còn lại sẽ xuất khẩu.

Nhìn vào cơ cấu sản phẩm của KLH Dung Quất và nhu cầu thị trường có thể thấy, việc tiêu thụ toàn bộ sản lượng của KLH không quá áp lực với Hòa Phát. Đặc biệt, hiện nay, HPG sản xuất dù đã vượt quá công suất thiết kế nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu thị trường.

“Chúng tôi tính thuê đơn vị khác gia công nhưng chi phí của họ quá cao, không cạnh tranh. Trong khi Hòa Phát cán gia công chỉ 700.000 đồng/tấn thì bên ngoài làm có thể đến 1,5 triệu đồng/tấn”, ông Dương tiết lộ.

Điểm đáng lưu ý là sau khi hoàn thành phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu vào năm ngoài, HPG đủ tiềm lực tài chính để đầu tư giai đoạn 2 của KLH song song với giai đoạn 1. Giai đoạn 2 của KLH Dung Quất dự kiến cung cấp 2 triệu tấn thép dẹt cán nóng cho thị trường, đưa Hòa Phát trở thành nhà sản xuất thép cán nóng thứ hai tại Việt Nam, sau Formosa, nhưng là doanh nghiệp duy nhất trong nước sở hữu chuỗi giá trị sản xuất khép kín từ quặng sản xuất thép cán nóng đến sản phẩm tôn thép và phân phối. Một nửa sản lượng thép cán nóng đáp ứng nhu cầu sản xuất ngành hàng tôn thép của Tập đoàn, một nửa đáp ứng nhu cầu của thị trường thay thế hàng nhập khẩu.

Đó chính là lý do, HPG đang đẩy mạnh đầu tư dây chuyền sản xuất tôn, mặt hàng mới của ngành hàng thép. Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị HPG phụ trách ngành hàng ống thép và tôn thép cho biết, đang hoàn thiện nhà máy tôn thép sản xuất tôn thép tẩy gỉ, tôn sơn lợp mái, tôn mạ nhôm kẽm. Nhà máy tôn đã có hóa đơn đầu tiên bán hàng cho dự án Dung Quất và đầu tháng 5 sẽ triển khai bán hàng ra thị trường. Năm 2018, ngành hàng tôn dự kiến đóng góp 3.000 tỷ đồng doanh số và phát triển thị trường để đạt doanh số 9.000 tỷ đồng trong năm 2019. Với máy móc hiện đại, hệ thống đại lý ống thép sẵn có trên toàn quốc và chi phí ở mức chấp nhận được thì sản phẩm tôn thép Hòa Phát sẽ cạnh tranh rất tốt.

Việc Hòa Phát đẩy mạnh làm thị trường để tăng trưởng đột biến doanh thu sản phẩm tôn thép vào năm sau cho thấy bước đi chiến lược để tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2 của KLH là thép cán nóng.

Hòa Phát dự kiến sẽ đạt doanh thu gấp hơn 2 lần năm 2017 sau khi KLH Dung Quất đi vào hoạt động ổn định, nâng tổng công suất các sản phẩm thép của Hòa Phát lên trên 7 triệu tấn từ năm 2020, đưa Công ty vào Top 50 doanh nghiệp sản xuất thép lớn nhất thế giới và là doanh nghiệp thép lớn nhất nhì trong khu vực.

Tin bài liên quan