HPG: định vị bằng các giá trị hấp dẫn

HPG: định vị bằng các giá trị hấp dẫn

(ĐTCK) Sau gần 10 năm niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP. HCM, quy mô của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán: HPG) đã thay đổi rất nhanh, đặc biệt là với ngành hàng cốt lõi - ngành thép. Không những thế, HPG được định vị trên thị trường tài chính chứng khoán bằng những giá trị rất hấp dẫn với nhà đầu tư.

Bluechip có chỉ số sinh lời tốt

Ngày 15/11/2007, 132 triệu cổ phiếu HPG chính thức được niêm yết trên sàn HOSE. Giá  đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên đạt 127.000 đồng/CP, vốn hóa thị trường khi đó đạt 16.764 tỷ đồng. Chốt phiên giao dịch ngày 7/11/2016, cổ phiếu HPG ở mức 41.500 đồng/CP.

Với khối lượng cổ phiếu đang lưu hành là 842.765.656 đơn vị, giá trị vốn hóa của Tập đoàn trên thị trường chứng khoán đạt hơn hơn 34.600 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với thời điểm mới lên sàn, mặc dù thị giá cổ phiếu giảm 2/3. Nếu so sánh với thời điểm đầu năm 2009, thời điểm giá cổ phiếu HPG xuống thấp nhất (26.000 đồng/CP), giá trị vốn hóa của HPG hiện tại cao hơn 10 lần.

Trong những năm qua, doanh thu và lợi nhuận của HPG tăng trưởng rất ấn tượng. Cụ thể, doanh thu năm 2015 đạt 27.864 tỷ đồng, gấp gần 5 lần so với năm 2007, còn lợi nhuận sau thuế đã vượt con số 3.500 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với thời điểm mới lên sàn. 9 tháng đầu năm nay, doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn đạt lần lượt 23.709 tỷ đồng và 4.656 tỷ đồng, tương ứng tăng 73% và 45% so với cùng kỳ năm 2015.

HPG: định vị bằng các giá trị hấp dẫn ảnh 1

Đại diện Quỹ đầu tư Dragon Capital đánh giá, HPG là một trong các cổ phiếu hàng đầu ngành thép và có tiềm năng tăng trưởng tốt để giữ lâu dài. Quỹ này tính toán, nếu đầu tư 100 triệu đồng vào HPG ở thời điểm đáy của VN-Index (đầu năm 2009) và nắm giữ tới nay thì nhà đầu tư có thể thu về 703 triệu đồng, tương đương với tỷ suất lợi nhuận hàng năm (IRR) là 30,2%. Tuy nhiên, về mặt hiệu quả thì thời điểm mua tốt nhất của HPG là năm 2012, vì chỉ trong 3,5 năm, giá trị khoản đầu tư đã tăng lên 610 triệu đồng, với tỷ suất IRR là 49%.

Thực tế cho thấy, các quỹ đầu tư nắm giữ cổ phiếu HPG lâu dài đều lãi lớn. Quỹ Bank Invest Private New Markets đầu tư vào HPG từ năm 2008, IRR tính đến thời điểm tháng 6/2016 là hơn 20% theo VND và 18,1% theo USD. Quỹ VEIL thuộc Dragon Capital sau nhiều giai đoạn giải ngân bắt đầu từ 2009, IRR đạt 18,5%. Còn Quỹ Vietnam Equity (UCITS) Fund được thành lập và giải ngân từ năm 2013 thì IRR đến nay là 41,3%.

HPG: định vị bằng các giá trị hấp dẫn ảnh 2

Từ đầu năm 2016 đến nay, thị giá cổ phiếu HPG đã tăng hơn 40%, nhưng P/E của cổ phiếu này mới ở mức 7,8 lần, rất thấp so với nhiều cổ phiếu lớn khác… Trong khi xét về mức độ tăng trưởng kép lợi nhuận sau thuế bình quân 3 năm qua (2013 - 2015), HPG đạt 69%, tỷ lệ vượt trội so với các cổ phiếu VNM, FPT, BMP, DRC, REE…

Mức tăng trưởng lợi nhuận ấn tượng của HPG chủ yếu nhờ lần lượt đưa các giai đoạn của Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Hải Dương đi vào hoạt động và nhanh chóng chạy đủ, thậm chí là vượt công suất chỉ trong một đến hai năm đầu. Ngoài ra, cũng nhờ năng lực quản trị ngày càng hoàn thiện, suất đầu tư của các dự án thấp và luôn có khả năng dự báo tốt xu thế giá nguyên liệu để điều hành sản xuất đạt hiệu quả nhất.

HPG: định vị bằng các giá trị hấp dẫn ảnh 3

Ngành hàng chủ lực tăng trưởng ấn tượng

Năm 2016 đánh dấu 15 năm phát triển lĩnh vực thép xây dựng và 20 năm đối với sản phẩm ống thép, hai sản phẩm của ngành hàng cốt lõi, đem lại doanh thu và lợi nhuận lớn nhất cho Tập đoàn Hòa Phát.

Sau 15 năm phát triển, thép xây dựng Hòa Phát đã trở thành thương hiệu dẫn đầu thị trường với thị phần luôn trong Top 3 cả nước. Chỉ trong hơn 10 năm, Thép Hòa Phát đã tăng sản lượng vượt bậc, liên tiếp lập các dấu mốc quan trọng. Nếu như sản lượng bán hàng năm 2005 của Thép Hòa Phát là 122.000 tấn thì đến năm 2014 đã đạt hơn 1 triệu tấn. Dự kiến, con số năm 2016 sẽ là 1,68 triệu tấn, tăng xấp xỉ 14 lần.

Mức tăng trưởng sản lượng đạt được khi Khu liên hợp gang thép Hòa Phát được đầu tư tại Hải Dương với 3 giai đoạn từ năm 2007, sử dụng công nghệ lò cao, sản xuất thép từ thượng nguồn. Giai đoạn 1 được đưa vào vận hành năm 2010, giai đoạn 2 hoàn thành năm 2013 và giai đoạn 3 đi vào hoạt động đầu năm 2016. Tổng công suất của riêng Khu liên hợp đã đạt khoảng 2 triệu tấn/năm. Với mỗi giai đoạn được hoàn thành, lượng thép Hòa Phát ra thị trường tăng nhanh tương ứng.

Năm 2010, chỉ với sự đóng góp của lò cao giai đoạn 1, lượng thép Hòa Phát tiêu thụ là 582.000 tấn, gấp gần 5 lần mức tiêu thụ của năm 2005. Vài năm sau, với việc giai đoạn 2 của khu liên hợp hoạt động ổn định, Hòa Phát cán mốc đáng nhớ 1 triệu tấn thép xây dựng, đồng thời bắt đầu sản xuất thép rút dây xuất khẩu sang thị trường Úc trong năm 2014. Ngay sau khi giai đoạn 3 hoạt động đồng bộ vào đầu quý II/2016, Hòa Phát chính thức quyết định sản xuất thép làm lõi que hàn, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước.

Đối với sản phẩm ống thép, đúng dịp kỷ kiệm 20 năm thành lập, 20/8/2016, Công ty Ống thép Hòa Phát đưa nhà máy thứ hai tại Đà Nẵng và là nhà máy thứ 6 trên toàn quốc của Công ty vào hoạt động, nâng tổng công suất trên 500.000 tấn/năm, gấp gần 20 lần so với thời kỳ đầu. Ống thép Hòa Phát đã xác lập và giữ vững vị thế số 1 trên thị trường suốt từ năm 2000 cho đến nay, với thị phần vượt trội 25%. Ngoài ra, sản phẩm đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Canada, Đông Nam Á… với kim ngạch hàng chục triệu USD/năm. Trong vòng 5 năm tới, Công ty phấn đấu đạt mục tiêu sản lượng cán mốc 1 triệu tấn/năm và thị phần đạt trên 30%.

Cũng trong nhóm ngành thép, năm 2016, Hòa Phát quyết định đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất tôn mạ màu Hòa Phát tại Khu công nghiệp Phố Nối A, Hưng Yên với tổng đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng, công suất 400.000 tấn/năm. Dự án được khởi công từ tháng 5/2016, áp dụng công nghệ hoàn toàn của châu Âu, thân thiện với môi trường. Dự kiến, đến cuối năm 2017, dự án sẽ đi vào hoạt động.

Các ngành hàng khác như nội thất, điện lạnh, thiết bị xây dựng, bất động sản duy trì mức phát triển ổn định, doanh thu tăng trưởng trung bình hàng năm khoảng 15 - 20% và luôn nằm trong nhóm các thương hiệu dẫn đầu ngành hàng. 

Ngành hàng nông nghiệp, tiềm năng trong dài hạn

Sau hơn 1 năm đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, các dự án về thức ăn chăn nuôi, chăn nuôi đã từng bước được định hình và đi vào hoạt động trên phạm vi cả nước. Chiến lược của Hòa Phát trong lĩnh vực này là phát triển theo chuỗi sản phẩm nông nghiệp sạch 3F: Feed, Farm và Food. Trước nhu cầu ngày càng cao đối với thực phẩm sạch của thị trường trong nước, Hòa Phát xác định đây là ngành hàng có nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển.

Bên cạnh các ngành hàng cốt lõi, Tập đoàn sẽ đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này, trước mắt là thức ăn chăn nuôi và chăn nuôi gia súc, gia cầm chất lượng cao.

Về thức ăn chăn nuôi, Hòa Phát đã đưa nhà máy đầu tiên vào hoạt động từ quý III/2016 tại Hưng Yên với công suất 300.000 tấn/năm. Nhà máy thứ hai đang triển khai tại Đồng Nai với công suất tương đương. Hiện Hòa Phát đang xúc tiến nhà máy thứ ba tại Phú Thọ. Dự kiến đến năm 2020, Hòa Phát sẽ có tổng công suất thức ăn chăn nuôi 1 triệu tấn trên cả nước.

Trong mảng chăn nuôi, Hòa Phát đã nhập gần 2.000 lợn giống từ Đan Mạch cho các trại nuôi thuần chủng tại Yên Bái và Bình Phước. Toàn bộ đàn lợn được nuôi theo tiêu chuẩn an toàn sinh học của châu Âu. Theo kế hoạch, đến năm 2018, Hòa Phát sẽ có lợn giống và lợn thương phẩm ra thị trường.

Đối với nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Hưng Yên, dù mới đi vào hoạt động, nhưng hiện đã chạy được 30% công suất, sản phẩm được thị trường đón nhận rất tốt, được xếp vào nhóm các công ty có mức tăng trưởng sản lượng bán hàng thời gian đầu nhanh nhất. Dự kiến, nhà máy này sẽ chạy 100% công suất trong năm 2017, đây cũng là thời điểm nhà máy thức ăn chăn nuôi thứ hai tại Đồng Nai đi vào hoạt động, đáp ứng nhu cầu thị trường phía Nam. Mục tiêu của Hòa Phát đạt khoảng 5% thị phần thức ăn chăn nuôi vào năm 2020. 

Doanh nghiệp có trách nhiệm với cộng đồng

Phát triển bền vững luôn là định hướng của Tập đoàn Hòa Phát, nên tất cả các dự án đều được đánh giá tác động môi trường theo đúng quy định trước khi triển khai, áp dụng công nghệ tiên tiến nhất và thân thiện với môi trường. Trong sản xuất thép, Hòa Phát sử dụng công nghệ chuỗi sản xuất khép kín tuần hoàn, thu hồi toàn bộ khí thải, chất thải để phát điện hoặc tái sử dụng cho sản xuất, vừa tiết kiệm chi phí, vừa góp phần bảo vệ môi trường. Khu liên hợp gang thép Hòa Phát hiện đã tự chủ gần 50% lượng điện tiêu thụ hàng năm và là điển hình của một dự án hiệu quả trong ngành thép. Đó cũng là cách thể hiện trách nhiệm xã hội cao của doanh nghiệp với cộng đồng.

Bên cạnh đó, Tập đoàn thực hiện nhiều hoạt động xã hội - từ thiện trên cả nước với kinh phí hàng năm lên tới hàng chục tỷ đồng. Mới đây nhất, Hòa Phát đã quyên góp hơn 3 tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng lũ lụt tại miền Trung.

Năm 2015, Hòa Phát đã đóng góp cho ngân sách nhà nước 2.764 tỷ đồng, tăng 65% so với năm 2013, Hòa Phát luôn nằm trong Top các doanh nghiệp đóng thuế thu nhập doanh nghiệp nhiều nhất.

Tin bài liên quan