Hòa Phát được chắp cánh bởi TTCK

Hòa Phát được chắp cánh bởi TTCK

(ĐTCK) TTCK đã chắp cánh cho Tập đoàn Hòa Phát (HPG) thực hiện nhiều dự án đầu tư lớn, đặc biệt trong ngành chủ lực là sản xuất và kinh doanh thép xây dựng. Số vốn huy động trên TTCK những năm mới niêm yết giúp HPG triển khai Dự án Khu liên hiệp Gang thép Hòa Phát giai đoạn 1, đưa Tập đoàn trở thành nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam.

Nếu trước thời điểm niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán, năm 2007, người tiêu dùng Việt Nam chỉ quen với Hòa Phát làm nội thất, máy móc thiết bị xây dựng hay kinh doanh khu công nghiệp và mới gia nhập lĩnh vực thép xây dựng thì nay, Hòa Phát chiếm thị phần lớn nhất cả nước về thép xây dựng, ống thép, nội thất văn phòng.

Các sản phẩm của Điện lạnh Hòa Phát có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất và ngày càng được tin dùng. Hòa Phát được biết tới là tập đoàn đa ngành, hoạt động hiệu quả trên nhiều lĩnh vực khác nhau và là thương hiệu quốc gia, một thương hiệu có trách nhiệm và gần gũi với mọi đối tượng, một trong những doanh nghiệp hoạt động hiệu quả nhất Việt Nam.

Ngày đầu niêm yết!

Hòa Phát niêm yết 132 triệu cổ phiếu trên Sở GDCK TP. HCM (HOSE) vào ngày 15/11/2007, với giá khởi điểm 110.000 đồng/cổ phiếu. Những cổ đông chính của Tập đoàn đến nay còn nhớ mãi một buổi họp quan trọng trước khi niêm yết, bàn về việc đại chúng hóa công ty và niêm yết trên HOSE.

Có những ý kiến băn khoăn bởi chứng khoán thời điểm đó còn rất xa lạ với nhiều người và với Ban lãnh đạo Hòa Phát cũng khá mới mẻ. Nhưng Ban lãnh đạo Hòa Phát, đặc biệt là Chủ tịch HĐQT Trần Đình Long quyết tâm thực hiện chủ trương này vì nhìn thấy những lợi ích mà TTCK có thể mang lại cho doanh nghiệp.

Đại chúng hóa công ty, cổ phiếu HPG được chào bán ra thị trường cổ phiếu chưa niêm yết (OTC) với mức giá dao động từ 80.000 - 120.000 đồng/cổ phiếu. Khi cổ phiếu được đưa vào giao dịch trên HOSE, nhiều cổ đông ngạc nhiên và phấn khởi vì giá trị tài sản của mình tăng cao bất ngờ theo định giá của thị trường thời điểm đó. Nhưng với Ban lãnh đạo Hòa Phát, đây chỉ là bước khởi đầu nhỏ!

Ông Trần Tuấn Dương, Tổng giám đốc Hòa Phát đánh giá, niêm yết cổ phiếu tại HOSE là một bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển của Tập đoàn, đồng thời khẳng định vị thế hàng đầu của Hòa Phát trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp. 

Niêm yết cổ phiếu không có lý do nào khác ngoài mục tiêu phát triển bền vững, minh bạch hóa hoạt động sản xuất - kinh doanh, chuyên nghiệp hóa theo mô hình quản trị tập trung, hiện đại, đồng thời tạo thêm kênh huy động vốn quan trọng cho các dự án phát triển của Tập đoàn trong dài hạn, ngày càng gia tăng lợi ích cho các cổ đông.

Thực tế, Hòa Phát không gặp nhiều khó khăn khi niêm yết, nhưng khối lượng công việc cần phải làm trong giai đoạn chuẩn bị trước khi lên sàn rất lớn, như việc tái cấu trúc theo mô hình tập đoàn, Công ty Thép Hòa Phát mua lại cổ phần ở 6 công ty con và đổi tên thành CTCP Tập đoàn Hòa Phát; tuân thủ chuẩn mực kế toán, kiểm toán đối với công ty đại chúng và áp dụng mô hình quản trị hiện đại.

Thị trường đã chắp cánh cho Hòa Phát

Tại thời điểm niêm yết, Hòa Phát đang tích cực triển khai các dự án lớn và hiệu quả cao để tạo đà phát triển cho các năm tiếp theo. Điển hình là Khu liên hợp gang thép Hòa Phát, công suất thiết kế 1.600.000 tấn phôi thép/năm (chia làm 3 giai đoạn), đầu tư bài bản theo quy trình sản xuất khép kín từ quặng sắt đến thép xây dựng thành phẩm.

Giai đoạn 2007 - 2008, Hòa Phát đã thực hiện 2 đợt phát hành riêng lẻ tăng vốn điều lệ từ 1.100 tỷ đồng lên hơn 1.400 tỷ đồng, với thặng dư vốn cổ phần hơn 1.700 tỷ đồng. Đây là nguồn vốn quan trọng giúp Tập đoàn triển khai Dự án Khu liên hiệp gang thép giai đoạn 1, đưa Hòa Phát lên vị thế hàng đầu trong ngành thép vào năm 2014, khi thị phần dẫn đầu cả nước.

Trong giai đoạn chính sách tiền tệ thắt chặt và lãi suất tín dụng quá cao kéo dài, nhờ dự án đi vào hoạt động hiệu quả mang lại dòng tiền, lượng vốn dồi dào đã giúp Tập đoàn luôn vững vàng trong hoạt động.

Sau gần 8 năm niêm yết, vốn chủ sở hữu của Hòa Phát tăng gần 4 lần từ 3.142 tỷ đồng năm 2007 lên 11.795 tỷ đồng năm 2014. Vốn điều lệ tăng 3,7 lần từ 1.300 tỷ đồng lên 4.819 tỷ đồng. Đến tháng 6/2015, vốn điều lệ của Hòa Phát tăng lên gần 7.330 tỷ đồng do nhu cầu đầu tư các dự án mới, đặc biệt là giai đoạn 3 Khu liên hiệp gang thép Hòa Phát và các dự án trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thức ăn chăn nuôi.

Việc niêm yết không những giúp Hòa Phát tăng trưởng cao trong hoạt động sản xuất - kinh doanh, mà còn giúp Tập đoàn xây dựng được hệ thống quản trị theo chuẩn mực quốc tế, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng.

HPG - địa chỉ sinh lời cho nhà đầu tư

Thời điểm trở thành doanh nghiệp thứ 125 niêm yết tại sàn HOSE, tình hình sản xuất - kinh doanh của Hòa Phát có mức tăng trưởng khá. Doanh thu năm 2007 đạt hơn 5.600 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế trên 643 tỷ đồng. Với vị thế sẵn có, ngay phiên giao dịch đầu tiên, cổ phiếu HPG đạt mức giá 127.000 đồng/cổ phiếu với thanh khoản hơn 1,3 triệu đơn vị, đứng thứ 2 thị trường về khối lượng giao dịch. Khối lượng niêm yết của HPG lớn thứ 5 toàn thị trường. HPG được đánh giá là đủ sức hấp dẫn các tổ chức đầu tư trong và ngoài nước có tầm nhìn trung - dài hạn.

Trải qua nhiều sóng gió của thị trường cũng như giai đoạn khủng hoảng kinh tế, cổ phiếu HPG luôn là địa chỉ đầu tư an toàn, với mức sinh lợi hấp dẫn cho nhà đầu tư dài hạn.

Một ví dụ điển hình là Bank Invest (nay là Quỹ PENM) đã đầu tư vào Hòa Phát từ năm 2008 khi mua hơn 7 triệu cổ phiếu với giá 64.000 đồng/cổ phiếu. Đến tháng 10/2014, ước tính khoản đầu tư mang lại cho Quỹ khoản lãi ròng 930 tỷ đồng. Hàng loạt nhà đầu tư tổ chức đầu tư vào HPG như: VinaCapital, Deustche Bank and Asset, Franklin Templeton, Quỹ Lionglobal Việt Nam, Macquarie Bank, Dragon Capital…

Theo thống kê của HOSE, Hòa Phát nằm trong Top 50 doanh nghiệp tăng vốn cao nhất và sử dụng vốn hiệu quả nhất, lọc theo tiêu chí số lần tăng vốn và hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) thuộc nhóm cao nhất trong số các doanh nghiệp có thời gian niêm yết từ 5 năm trở lên.

Hòa Phát được chắp cánh bởi TTCK ảnh 4

Tuổi 15 năm của thị trường, tuổi 23 của Hòa Phát

Tại thời điểm TTCK bước sang tuổi 15 (2015), Hòa Phát bước sang tuổi 23 và là năm đánh dấu Tập đoàn hoàn thành một chặng đường tăng trưởng ấn tượng.

Năm 2014 ghi nhận sự phát triển nhảy vọt nhất từ trước tới nay, doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt tăng 35% và 62% so với năm 2013. Sản lượng sản xuất và sản lượng tiêu thụ đều vượt 1 triệu tấn thép thành phẩm. Thị phần thép xây dựng của Hòa Phát năm 2007 là 6,5% thì đến năm 2014 đã tăng lên 19,1%, lớn nhất cả nước. Ống thép Hòa Phát tiếp tục khẳng định vị thế số 1 trên thị trường với 22% thị phần.

Hai chỉ số tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) lần đầu tiên trong hơn 22 năm hoạt động của Hòa Phát đạt được mức ấn tượng lần lượt là 14,7% và 27,6%. Chỉ số thanh toán hiện thời 1,3 lần cho thấy sức khỏe tài chính của Tập đoàn rất tốt, một con số hiếm có trong ngành.

Về nhân sự, tổng số lao động của Hòa Phát tăng từ 5.600 người năm 2007 lên hơn 10.500 người vào năm 2014. Quy mô hoạt động của Tập đoàn ngày càng lớn với mạng lưới các chi nhánh, nhà máy sản xuất, hệ thống phân phối và đại lý phát trên khắp cả nước.

Năm 2015 là giai đoạn 3 Khu liên hiệp gang thép Hòa Phát đi vào hoạt động và các dự án trong lĩnh vực mới là sản xuất thức ăn chăn nuôi được triển khai, hứa hẹn Hòa Phát tiếp tục vượt qua những kỷ lục của chính mình, ngày càng lớn mạnh và mang lại lợi ích lớn cho cổ đông. Sự thành công của Hòa Phát ngày hôm nay là một minh chứng điển hình cho vai trò của TTCK đối với sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.   

Tin bài liên quan