Chủ tịch HĐQT HBC Lê Viết Hải cùng đối tác đi thăm công trình xuyên biển tại Nhật Bản.

Chủ tịch HĐQT HBC Lê Viết Hải cùng đối tác đi thăm công trình xuyên biển tại Nhật Bản.

Hòa Bình: Bước đi đầu tiên hiện thực chiến lược quốc tế hóa

(ĐTCK) Dự án đầu tiên tại Canada do Công ty cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) liên doanh cùng đối tác bản địa triển khai cũng là dự án thầu xây dựng đầu tay của Hòa Bình trong chiến lược vươn ra thị trường nước ngoài, nhằm thực hiện mục tiêu đưa Hòa Bình trở thành công ty xây dựng toàn cầu và nhân đôi lợi nhuận.

Những bước đi đầu tiên

Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Hòa Bình tiết lộ, sau ba năm tìm hiểu thị trường nước ngoài từ Mỹ, châu Âu, Trung Ðông và các nước châu Á, hai thị trường mà Hòa Bình lựa chọn để triển khai dự án đầu tiên là Úc và Canada.

Ở Canada, Hòa Bình sẽ liên doanh cùng đối tác là Công ty GuiLam, doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở Canada năm 2017.

Ở Australia, Hòa Bình chuẩn bị triển khai dự án chung cư cao tầng tại thành phố Gold Coast. Dự án này có vị trí khá tốt, quy mô 5.000 m2 và chiều cao công trình không hạn chế, có thể cung cấp 500 căn hộ. Ngoài đối tác địa phương trong lĩnh vực pháp lý, tư vấn bất động sản, bán hàng, tiếp thị, Hòa Bình cũng sẽ hợp tác với một công ty xây dựng Australia để triển khai dự án.

“Giá đất tại thị trường này thấp hơn giá đất ở TP.HCM nhiều mà giá bán sản phẩm lại cao hơn. Nhu cầu xây dựng đang rất nhiều. Australia và Canada là thị trường triển vọng mà chúng tôi quyết tâm khai phá”, ông Hải nói.

Phương thức ban đầu của Hòa Bình là tham gia dự án bất động sản với tư cách chủ đầu tư, kiêm luôn tổng thầu các dự án. Sau đó, khi quen thuộc với thị trường, Hòa Bình có thể nhận thầu xây dựng cho các chủ đầu tư ở nước ngoài.

Trong mấy năm qua, ngoài tham gia quản lý các dự án ở Malaysia, Myanmar, Kuwait, ông Hải và các kỹ sư của Hòa Bình đã đến nhiều dự án xây dựng ở nhiều nước để quan sát hoạt động xây dựng, từ cách tổ chức ở công trường cho đến thao tác của từng công nhân, cách đảm bảo an toàn lao động tại công trường, công nghệ xây dựng… Ông Hải nhận thấy, Hòa Bình không hề thua kém các nhà thầu ở nước ngoài, thậm chí có thể làm tốt hơn nhiều. Các nhà tư vấn đến làm việc thậm chí đánh giá Hòa Bình có trình độ quản lý, trình độ công nghệ cao hơn các nhà thầu trong khu vực vài bậc.

“Hòa Bình có khả năng phát triển cao ở thị trường nước ngoài không phải vì khai thác nhân công rẻ, mà ở công nghệ quản lý trình độ cao. Tôi đã tìm hiểu các sản phẩm xây dựng của họ và thấy không có gì vượt trội so với sản phẩm của chúng ta. Chúng tôi với kinh nghiệm của mình sẽ làm cho sản phẩm của họ độc đáo hơn, đồng thời làm việc với nhà tư vấn địa phương để ra sản phẩm phù hợp với khách hàng tiềm năng”, ông Hải tự tin khẳng định.

Việc Hòa Bình lựa chọn thị trường Canada và Australia được cho là dễ hiểu, bởi hai nước này có đặc điểm là đất rộng, người thưa, nhưng dân số đang tăng lên trong các năm gần đây khiến nhu cầu dự án nhà ở cao tầng bắt đầu phát triển. Các thị trường này trước đây không có nhu cầu phát triển nhiều dự án cao tầng, nên các công ty xây dựng sở tại cũng không có nhiều cơ hội để phát triển trong lĩnh vực nhà cao tầng. Một công ty xây dựng ở đây chỉ xây 10 dự án cao tầng, trong khi đó Hòa Bình có khả năng thi công hàng trăm dự án cao tầng tại Việt Nam cùng một lúc. 

Công nghệ sẽ xóa khác biệt về địa lý

Băn khoăn đầu tiên của cổ đông khi Hòa Bình muốn vươn ra thị trường nước ngoài là làm thế nào để quản lý các dự án. Câu trả lời là Hòa Bình đã nhanh chóng ứng dụng nền tảng Internet để tạo ra lợi thế cạnh tranh của riêng mình. Bằng cách ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo, Hòa Bình đã xây dựng thành công hệ thống quản lý dự án tập trung PMS (Project Management System). Hệ thống này được ví như hệ mặt trời với các hành tinh xung quanh là gần 130 dự án mà Hòa Bình đang triển khai.

Hệ thống PMS của Hòa Bình cho phép các cấp quản lý kết nối trực tiếp với công trường, tương tác với nhau dù ở bất kỳ đâu, thông qua thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính… PMS có đầy đủ các tính năng dự báo tiến độ, chi phí, quản lý rủi ro, quản lý chất lượng và khối lượng, quản lý kế hoạch nguồn lực và tiến độ, quản lý thanh toán cho các nhà thầu phụ, nhà cung cấp, quản lý nội dung và sự thay đổi hợp đồng, quản lý hồ sơ dự án, quản lý các giao dịch trong dự án. Ðây là bí quyết để Hòa Bình tăng trưởng cao trong các năm qua nhưng vẫn đáp ứng được các yêu cầu cao về chất lượng, về an toàn lao động. PMS được thiết kế để quản lý hàng trăm dự án triển khai cùng thời điểm.

Phương thức ban đầu của Hòa Bình là tham gia dự án bất động sản với tư cách chủ đầu tư, kiêm luôn tổng thầu các dự án.

Ông Dương Ðình Thanh, Phó tổng giám đốc Tập đoàn, người phụ trách phát triển PMS cho biết, hệ thống đang tiếp tục được nâng cấp với các tính năng cao hơn. Từ tháng 11/2018 đến nay, Hòa Bình đã áp dụng đấu thầu mua sắm điện tử.

Ông Hải cho hay, các dự án ở nước ngoài cũng sẽ được quản lý tương tự như các dự án trong nước thông qua hệ thống PMS. Dù ngồi tại Việt Nam nhưng chuyên gia của Hòa Bình có thể quản lý được các dự án ở bất kỳ nơi đâu, chỉ cần có kết nối mạng. Các phòng ban chức năng như quản lý dự án, mua hàng, quản lý chất lượng… đều phải nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu của các thị trường khác nhau.

“Về cơ bản, Hòa Bình sẽ xóa sự khác biệt về địa lý bằng áp dụng công nghệ, bằng tính năng động và đổi mới là truyền thống của Hòa Bình. Từ một công ty xây dựng hàng đầu trong nước, chúng tôi sẽ hiện thực hóa khát vọng vươn lên thành một tập đoàn xây dựng toàn cầu”, ông Hải khẳng định.

Ðể triển khai chiến lược trở thành công ty xây dựng toàn cầu, Hòa Bình đã quyết định khởi động chương trình chuyển đổi quy mô lớn với tên gọi “Nhân đôi lợi nhuận và quốc tế hóa” với sự tư vấn của McKinsey & Company (Mỹ), tập đoàn tư vấn quản trị hàng đầu thế giới.

Với Hòa Bình, sau nhiều năm bắt tay triển khai tìm hiểu thị trường, chuẩn bị nguồn lực và với sự tư vấn của McKinsey, dường như các rào cản thách thức để trở thành nhà thầu xây dựng ở nước ngoài đã được nhận định đầy đủ và có các giải pháp hóa giải. 

Tăng trưởng và tiếp tục tăng trưởng

Hòa Bình đã thực hiện chiến lược tăng trưởng thần tốc: Doanh thu tăng 137 lần, từ 133 tỷ đồng năm 2005 lên 18.299 tỷ đồng năm 2018. Tính trung bình, cứ 5 năm, Hòa Bình tăng doanh thu gấp hơn 5 lần. Trong 5 năm từ 2014 - 2018, lợi nhuận của Hòa Bình tăng gần 9 lần, từ 71 tỷ đồng lên 630 tỷ đồng. Nếu lặp lại tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn 10 - 15 năm tới thì thị trường trong nước không còn dư địa cho Hòa Bình phát triển.

Ông Hải phân tích, quy mô của thị trường nước ngoài lớn gấp hàng trăm lần thị trường trong nước, tỷ suất lợi nhuận các dự án nước ngoài cũng tốt hơn. Nếu không đi ra nước ngoài thì không thể tiếp tục giữ được đà tăng trưởng thần tốc như trước.

“Hòa Bình đang đứng trước cơ hội lớn mà nếu không nắm bắt thì cơ hội sẽ qua đi”, ông Hải nói.

Tin bài liên quan