Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của HDBank đã bầu ra HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2022 gồm 9 thành viên

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của HDBank đã bầu ra HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2022 gồm 9 thành viên

HDBank tăng trưởng ấn tượng theo thời gian

(ĐTCK) Với sức mạnh hội nhập và không ngừng tái cơ cấu sau quá trình M&A, HDBank được xem là một điển hình thành công của quá trình tái cấu trúc ngành ngân hàng. Kết quả đạt được của HDBank trong năm qua tăng trưởng khá ấn tượng, tạo đà cho sự phát triển bền vững và tăng trưởng không ngừng trong năm 2017.

Lãi tăng 46%

Ngày 21/4, HDBank đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2016, thông qua các chương trình hành động năm 2017. Nhìn lại năm vừa qua, trong điều kiện chung của nền kinh tế, HDBank đã bám sát chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, linh hoạt ứng phó với diễn biến thị trường, đồng thời chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch kinh doanh năm 2016, hoạt động hiệu quả và cân bằng các lợi ích (cổ đông, người lao động, HDBank và xã hội), để tạo nên sự phát triển hài hòa và vững mạnh.

Kết thúc năm tài chính 2016, HDBank đạt kết quả tăng trưởng ấn tượng với lợi nhuận trước thuế hợp nhất 1.148 tỷ đồng, tăng 46% so với năm 2015, trong đó, HDBank riêng lẻ đạt 830 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt 150.294 tỷ đồng.

Vốn điều lệ 8.100 tỷ đồng. Tổng vốn huy động 134.189 tỷ đồng, tăng 47% so với năm 2015. Tổng dư nợ tín dụng hợp nhất là 90.121 tỷ đồng, tăng 34% so với năm 2015, trong đó HDBank riêng lẻ đạt 82.104 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước đó; HDSAISON đạt 8.055 tỷ đồng, tăng 72% so với năm 2015.

Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 1,6%, trong đó HDBank riêng lẻ là 1,26%. Tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất 12,53%. Các chỉ số ROA, ROE lần lượt ở mức 0,71% và 9,24%. Mạng lưới hoạt động của Ngân hàng tính đến cuối năm 2016 gồm 221 điểm giao dịch; 7.500 điểm giới thiệu dịch vụ trên toàn quốc.

Năm 2016, HDBank đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba lần 2 do Chủ tịch nước trao tặng. Tại Đại hội, 100% cổ đông của HDBank đồng thuận với phương án chia cổ tức của Ngân hàng.

Năm 2016 cũng là năm kết thúc nhiệm kỳ 5 năm của Hội đồng quản trị, gắn với những bước tiến vượt bậc của HDBank. So với năm 2011, tổng tài sản của Ngân hàng đến ngày 31/12/2016 tăng hơn 3 lần; vốn chủ sở hữu tăng gần 3 lần; tổng huy động tăng hơn 4 lần; tổng cho vay tăng 5 lần; lợi nhuận trước thuế tăng hơn 2 lần; mạng lưới hoạt động tăng thêm hơn 100 chi nhánh, số lượng nhân sự tăng lên gần 9.000 cán bộ nhân viên.

Có thể nói, với tiến trình sáp nhập được chuẩn bị kỹ lưỡng, nghiêm túc theo đúng chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại cổ phần, HDBank đã trở thành một định chế tài chính vững mạnh hơn, khi kết quả đạt được sau sáp nhập rất khả quan, có tốc độ tăng trưởng vượt bậc, bền vững.

Đáng chú ý là với kết quả đạt được của năm 2016 ở mức cao, HDBank ngày nay là một ngân hàng có tiềm lực tài chính vững chắc, mạng lưới rộng khắp, dịch vụ chuẩn mực quốc tế và đang vươn ra thế giới.

Cổ đông đồng lòng với các mục tiêu được HĐQT và Ban điều hành đặt ra cho năm 2017 

Vì vậy, Hội đồng quản trị HDBank tin tưởng, kết quả tài chính năm 2017 sẽ có những bước tiến mới với mục tiêu tổng tài sản đạt 178.800 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2016. Huy động thị trường 1 đạt 124.000 tỷ đồng, tổng dư nợ tín dụng 107.760 tỷ đồng, đều tăng 20% so với năm 2016.

Nợ xấu của Ngân hàng được kiểm soát ở mức dưới 3%. Bên cạnh đó, đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 1.300 tỷ đồng, ROA 0,6% và ROE 9,3%. Những mục tiêu này nếu đạt được sẽ tạo nền tảng vững chắc để HDBank có khả năng cạnh tranh trong quá trình hội nhập sâu của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới.

Để đạt được kế hoạch đề ra, trong năm 2017, HDBank sẽ thực hiện các chương trình hành động cụ thể, tập trung vào tăng trưởng bền vững, tín dụng hiệu quả, lợi nhuận tối ưu; phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và vận hành ngân hàng; tăng cường quản lý rủi ro, giám sát, kiểm soát và thu hồi nợ xấu; xây dựng văn hóa doanh nghiệp, nâng cao chất lượng nhân sự, phát triển thương hiệu… HDBank tự tin sẽ hoàn thành kế hoạch kinh doanh của năm 2017.

Không ngừng nâng cao tiềm lực vốn

Cũng theo kế hoạch, trong năm nay, HDBank sẽ tăng vốn điều lệ từ mức 8.100 tỷ đồng hiện nay lên gần 8.829 tỷ đồng, tức tăng thêm gần 567 tỷ đồng thông qua việc phát hành gần 57 triệu cổ phiếu phổ thông để trả cổ tức năm 2016 (được chia cho cổ đông tỷ lệ 7% bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận 2016).

Đồng thời, Ngân hàng tăng vốn điều lệ thêm gần 162 tỷ đồng thông qua việc phát hành gần 16,2 triệu cổ phiếu từ nguồn Quỹ dự trự bổ sung vốn điều lệ tích lũy. Tỷ lệ 100:2. Đối tượng phát hành là cổ đông có tên trong danh sách cổ đông tại ngày chốt danh sách thực hiện quyền nhận cổ tức theo Nghị quyết HĐQT được Trung tâm Lưu ký chứng khoán xác nhận. Như vậy, tổng cộng cổ đông nhận được 9% bằng cổ phiếu.

Mục đích tăng vốn của HDBank trong năm nay là đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước về nâng cao năng lực cạnh tranh tài chính của các ngân hàng thương mại cổ phần, đảm bảo tuân thủ, đáp ứng tốt các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động ngân hàng; nâng cao khả năng quản trị rủi ro, hướng đến mục tiêu thực hiện Basel II, bổ sung vốn đầu tư kinh doanh sinh lời, nâng cao khả năng đầu tư vào hệ thống hạ tầng, xây dựng trụ sở, công nghệ thông tin.

Tại Đại hội đồng cổ đông, nhiều cổ đông HDBank thắc mắc vì sao đến thời điểm này Ngân hàng vẫn chưa thực hiện việc niêm yết trên sàn chứng khoán chính thức hoặc lên giao dịch tại UPCoM. Trả lời cổ đông về vấn đề này, bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT cho biết, trong 5 năm qua, HDBank đã đẩy mạnh thực hiện các chương trình hành động để nâng cao tiềm lực vốn và quy mô hoạt động như: sáp nhập DaiA Bank, mua lại công ty tài chính SGVF.

Kế hoạch cho 5 năm tiếp theo, HDBank sẽ tiếp tục tái cấu trúc theo chiều sâu, đồng thời lựa chọn thời điểm thích hợp để đưa cổ phiếu lên giao dịch trên thị trường chứng khoán chính thức, nhằm tối ưu hóa lợi nhuận cho cổ đông.

Theo bà Tâm, cổ đông nên hiểu việc niêm yết còn phụ thuộc vào tình hình thị trường. Nếu niêm yết trên sàn vào thời điểm không thích hợp, giá cổ phiếu lùi về dưới mệnh giá sẽ không có lợi cho các cổ đông.

Thị trường ngân hàng thời gian qua đã chứng kiến nhiều thương vụ sáp nhập tổ chức tín dụng trong quá trình tái cơ cấu. Không giống như trường hợp đơn vị bị sáp nhập là nhà băng yếu kém, buộc phải tái cơ cấu theo yêu cầu của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, việc DaiABank sáp nhập vào HDBank được xem là “cuộc hôn nhân” giữa 2 ngân hàng đều có hoạt động tốt.

Theo đó, thương vụ M&A tạo nên vận hội mới cho HDBank, mang đến giá trị cộng hưởng to lớn, nâng cao năng lực điều hành, khả năng cung ứng dịch vụ, khả năng nhận diện thương hiệu, giảm chi phí đầu tư và phát triển mạng lưới, tăng khả năng khai thác thị trường bán lẻ… của Ngân hàng.  

Đại hội đồng cổ đông thường niên 2017 của HDBank đã bầu ra HĐQT nhiệm kỳ 2017 - 2022 gồm 9 thành viên: bà Lê Thị Băng Tâm, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Lưu Đức Khánh, ông Lim Peng Khoon, ông Chu Việt Cường, ông Nguyễn Hữu Đặng, ông Nguyễn Thành Đô, bà Nguyễn Thị Tâm và ông Lý Vinh Quang.

Đại hội đã thảo luận và thông qua các vấn đề: Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm 2016 và kế hoạch kinh doanh - tài chính năm 2017; Báo cáo thẩm định quyết toán tài chính năm 2016 của Ban Kiểm soát và Báo cáo kết quả kiểm toán độc lập niên độ tài chính năm 2016; Báo cáo của HĐQT năm 2016; Kế hoạch hoạt động năm 2017 và một số định hướng chiến lược 5 năm 2016 - 2010; Tờ trình Phương án phân phối lợi nhuận năm 2016; Tờ trình đề nghị Đại hội đồng cổ đông thông qua tổng mức thù lao, phụ cấp chuyên trách của HĐQT, Ban Kiểm soát và Kế hoạch công tác xã hội từ thiện và cộng đồng năm 2017; Tờ trình tổng hợp các vấn đề ủy quyền của Đại hội đồng cổ đông cho HĐQT, Tờ trình sửa đổi, bổ sung điều lệ của HDBank; Tờ trình bầu cử thành viên HĐQT, thành viên Ban Kiểm soát HDBank nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Tin bài liên quan