HDBank: Niềm tin vươn tới 15 triệu khách hàng

HDBank: Niềm tin vươn tới 15 triệu khách hàng

(ĐTCK) Nhắc tới nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam - bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch thường trực HÐQT HDBank, giới ngân hàng sẽ nhớ ngay tới 2 thương vụ M&A đình đám, ghi dấu ấn “bóng hồng” trông bề ngoài mảnh mai mà nội lực kinh doanh khó ai sánh kịp trong ngành.

Ðó là các thương vụ sáp nhập DaiABank vào HDBank và mua công ty tài chính SGVF từ Ngân hàng Société Générale (Pháp) rồi liên doanh với đối tác Nhật thành HD SAISON. HDBank đã tiên phong thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành ngân hàng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN).

Thế nhưng, chiến lược này chưa dừng lại ở hai thương vụ trên mà Ngân hàng tiếp tục sử dụng nhuần nhuyễn công cụ M&A trong chiến lược phát triển, tăng trưởng của mình khi giai đoạn cuối hoàn thành thương vụ với việc sáp nhập thêm PGBank.

Chiến lược M&A tiêu biểu nhất thập kỷ

Việc HDBank sáp nhập DaiABank và mua lại Công ty Tài chính SGVF được các chuyên gia tài chính - ngân hàng đánh giá cao cả về cách thức triển khai, cũng như tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ sau sáp nhập. Thương vụ sáp nhập DaiABank vào HDBank diễn ra suôn sẻ với sự đồng thuận, tin tưởng cao của các cổ đông, tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên 2 ngân hàng, khách hàng cùng các đối tác.

Hoạt động của ngân hàng sau sáp nhập nhanh chóng đi vào ổn định và tăng trưởng vượt bậc, bình quân 30%/năm trong giai đoạn 2013 - 2018, với tỷ lệ nợ xấu luôn ở mức thấp. Thương vụ sáp nhập của HDBank được đánh giá là một trong những thương vụ thành công trọn vẹn.

Ðáng chú ý, với thương vụ mua lại Công ty Tài chính SGVF, HDBank khiến thị trường ngỡ ngàng khi trở thành định chế tài chính trong nước tiên phong mua lại một công ty 100% vốn nước ngoài. Sau đó, bà Thảo nhanh chóng tính đến chiến lược hút thêm vốn ngoại vào công ty tài chính này khi bán 49% cổ phần cho đối tác ngoại (Credit Saison) chuyển thành thương hiệu tài chính tiêu dùng HD SAISON ngày nay.

Có thể nói, với tiềm lực tài chính, năng lực quản trị, sự thấu hiểu thị trường bản địa và sự sáng suốt khi lựa chọn đối tác Nhật Bản - Credit Saison, HDBank đã phát triển SGVF trở thành một trong ba công ty tài chính tiêu dùng thống lĩnh thị trường Việt Nam hiện nay.

Trong giai đoạn 2013 - 2017, quy mô tài sản của HD Saison tăng trưởng gấp 9 lần, sở hữu gần 13.000 điểm giao dịch tài chính phủ khắp 63 tỉnh thành, phục vụ gần 5 triệu khách hàng. HD Saison đang nắm giữ thị phần lớn trong phân khúc cho vay mua xe gắn máy và được các khách hàng, đối tác đánh giá đặc biệt cao về chất lượng dịch vụ…

Chiến lược M&A với tầm nhìn độc đáo, năng lực triển khai hiệu quả đã trở thành nét đặc trưng của HDBank trong mắt các chuyên gia tài chính ngân hàng. Ðặc biệt, tại Diễn đàn mua bán sáp nhập doanh nghiệp Việt Nam do Báo Ðầu tư phối hợp Công ty AVM Việt Nam tổ chức tháng 8/2018, HDBank đã vinh dự nhận hai giải thưởng “Doanh nghiệp có chiến lược mua bán và sáp nhập - M&A tiêu biểu nhất giai đoạn 2009 - 2018”. Ðồng thời, nhà băng này là đơn vị duy nhất trong ngành ngân hàng được hội đồng chuyên môn bình chọn ở hạng mục này.

Ngoài ra, HDBank còn được nhận giải Thương vụ IPO tiêu biểu năm 2017 - 2018 sau khi thu hút thành công trên 300 triệu USD trong thương vụ IPO cuối năm ngoái trước khi niêm yết. Ðây được coi là thương vụ IPO lớn thứ hai trong ngành ngân hàng.

Không dừng lại ở đó, tiếp tục xác định đây là công cụ tăng trưởng hiệu quả trong chiến lược trở thành ngân hàng bán lẻ và SME dẫn đầu, HDBank sẽ nhận sáp nhập PGBank. Thương vụ M&A giữa HDBank - PGBank theo kế hoạch sẽ hoàn tất năm nay khi đã được NHNN chấp thuận về nguyên tắc vào cuối năm 2018.

Với thương vụ sáp nhập PGBank, HDBank thể hiện rõ chiến lược hướng đến ngân hàng bán lẻ hàng đầu, phát triển mạnh trong các các lĩnh vực từ tài chính tiêu dùng cho đến phục vụ nhóm các doanh nghiệp SME.

Cụ thể, nhóm khách hàng của Petrolimex vốn đang có hơn 20 triệu khách hàng cá nhân, gần 2.500 điểm bán lẻ xăng dầu và khoảng 4.000 đại lý. Tính sơ bộ, với số lượng khách hàng Vietjet Air và Petrolimex mà HDBank có khả năng tiếp cận, khai thác lên tới 40 triệu khách hàng cá nhân.

Dự kiến kế hoạch này sẽ giúp HDBank triển khai nhanh hơn chiến lược ngân hàng bán lẻ, mở rộng và hoàn thiện hệ sinh thái khách hàng, mở rộng mạng lưới chi nhánh lên 365 điểm trong tương lai không xa. Ðây là cơ sở để ngân hàng duy trì tốc độ tăng trưởng cao và liên tục trong thời gian tới.

Giao dịch này cũng giúp ngân hàng gia tăng mạnh room dành cho nhà đầu tư nước ngoài, mang lại tác động tích cực tới định giá cổ phiếu ngân hàng HDB và gia tăng thêm nhiều lợi ích thiết thực khác cho cổ đông, ngân hàng, khách hàng và các đối tác. 

Phát huy sức mạnh từ M&A

Những lợi ích sau sáp nhập sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh cho HDBank trong cuộc đua ngân hàng bán lẻ và tập trung vào phân khúc khách hàng SME, khi mà sự cạnh tranh trong lĩnh vực này ngày càng gay gắt hơn.

Trong chiến lược 5 năm 2017 - 2021, HDBank dự kiến tập trung vào phát triển khách hàng thông qua Big Data và cung cấp tài trợ chuỗi cung ứng, với lợi thế là những khách hàng lớn, đặc quyền ở nhiều lĩnh vực.

“Mục tiêu của HDBank là phục vụ 15 triệu người vào năm 2021, gấp 3 lần hiện nay; tỷ lệ tăng trưởng dư nợ, huy động vốn, lợi nhuận bình quân  26% mỗi năm”, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo không che giấu tham vọng.

Kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2018 vừa được HDBank công bố phần nào cho thấy được tham vọng trên. HDBank đạt được các mức tăng trưởng ấn tượng ở hầu hết các chỉ tiêu, trong đó chỉ tiêu về lợi nhuận trước thuế vượt kế hoạch được Ðại hội đồng cổ đông thông qua đầu năm. Các hệ số khả năng sinh lời ROE và ROA đạt lần lượt 20,27% và 1,58%. Tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ của HDBank được kiểm soát chặt ở mức 0,97%, mức thấp nhất toàn ngành.

Cụ thể, riêng trong quý IV/2018, Ngân hàng ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế hợp nhất hơn 1.121 tỷ đồng, tăng 122,1% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 2.161 tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ; riêng thu nhập lãi thuần của ngân hàng mẹ đạt 1.430 tỷ đồng, tăng 35,8%. Bên cạnh đó, thu nhập từ dịch vụ và các hoạt động kinh doanh ngoại tệ cũng tăng trưởng mạnh mẽ, góp phần đưa tổng thu nhập hoạt động tăng 37,8%.

Với bước bứt phá mạnh mẽ trong quý cuối năm, tính chung cả năm 2018, HDBank đã ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế 4.005 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay và tăng 65,7% so với năm 2017.

 Những lợi ích sau sáp nhập sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh cho HDBank trong cuộc đua ngân hàng bán lẻ   

Trong năm, HDBank đã hoàn tất việc tăng thêm 45 chi nhánh/phòng giao dịch, nâng quy mô mạng lưới lên 285 điểm. Hệ thống mạng lưới rộng lớn khắp các tỉnh, thành cả nước giúp HDBank, HD Saison phục vụ hiệu quả gần 7 triệu khách hàng, đặc biệt tại các khu vực nông thôn.

Năm 2019, HDBank đặt mục tiêu tăng tổng tài sản lên 328.588 tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động đạt 303.043 tỷ đồng; tổng dư nợ tín dụng đạt 210.839 tỷ đồng, không vượt quá hạn mức tăng trưởng do NHNN phê duyệt; lợi nhuận trước thuế: 5.077 tỷ đồng; mạng lưới điểm giao dịch đạt 308 điểm; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát mức thấp.

Phó Chủ tịch HÐQT thường trực HDBank bày tỏ niềm tin ở khả năng duy trì tốc độ tăng trưởng cao và liên tục của HDBank, khả năng phát triển doanh thu trên nền tảng kênh phân phối dày đặc, dịch vụ rộng và hoàn chỉnh, hệ thống công nghệ tiên tiến.

“Chúng tôi chuẩn bị mọi nền tảng cho kế hoạch 2017 - 2021 với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu, tốc độ tăng trưởng bình quân 25% mỗi năm, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận 37%/năm, phục vụ 15 triệu khách hàng vào năm 2021”, Phó chủ tịch thường trực HÐQT HDBank cho biết.

Bên cạnh kinh nghiệm lâu năm tại lĩnh vực ngân hàng, bà Thảo còn được biết đến ở nhiều lĩnh khác như bất động sản, hàng không… Chia sẻ về triết lý kinh doanh, bà Thảo hay nói về chữ “tín” và sự chăm chỉ trong công việc.

Kín tiếng nhưng bà cũng rất nổi tiếng khi chia sẻ năm 21 tuổi đã trở thành triệu phú, với vốn liếng ban đầu chỉ là chữ tín, sự trung thực, biết giữ niềm tin cho đối tác. Triết lý kinh doanh này được duy trì bền bỉ trong tất cả các lĩnh vực bà Thảo tham gia đầu tư, từ hàng không, bất động sản tới ngân hàng.

Tin bài liên quan